Ai nhớ, ai quên - đôi tay nào khéo đỡ...

31-01-2017 07:06 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thật hiếm hoi tôi mới hẹn gặp được chị 2 tiếng đồng hồ vào một chiều cuối năm,vì ngày mai chị lại bận bịu chuẩn bị cho chuyến đi khám từ thiện ở xa.

Thật hiếm hoi tôi mới hẹn gặp được chị 2 tiếng đồng hồ vào một chiều cuối năm,vì ngày mai chị lại bận bịu chuẩn bị cho chuyến đi khám từ thiện ở xa. Tuổi hưu, người ta nghỉ ngơi, BS. Vũ Hải lại tất bật từ phòng khám đến phòng mổ. Có khi mổ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, chiều tối có ca sinh cần chị lại vô bệnh viện. Chị bảo có hôm chỉ ăn một bữa cơm, có đêm về khuya mệt quá người cứ như… sương khói ấy: “Rất cực. Cực lắm. Nhưng mình rất vui. Mình thích như vậy mà...”.

Những chuyến đi… bão táp!

Trả lời câu hỏi: vì sao chị đi khám từ thiện suốt mấy mươi năm chưa… mỏi? Chị tâm sự rằng: sau mỗi chuyến đi - trở về càng đau đáu với cảnh đời khốn khó của chị em chốn quê nghèo. Sao mà họ khổ quá. Chị kể mới tháng 7 năm nay, chị về hai xã nghèo ven biển ở Bến Tre. Trời mưa tầm tã, nhiều người quần áo ướt sũng. Hỏi thăm mới biết đa số bà con sống với nghề làm muối, cào nghêu. Làm muối cực lắm - tát nước biển vô, chờ khô đọng muối, mà trời mưa - muối trôi theo nước mắt. Muối được đong bằng thúng - quy thành giạ, cứ một gánh muối với 2 thúng đầy - tính ra khoảng 2 giạ ( 42 - 45kg) bán chỉ được 15.000 đồng. Nhà nghèo, không có chỗ trữ, họ phải dùng ghe xuôi theo con nước đi bán khắp nơi, có khi tận Đồng Tháp. Cho nên chuyện đi khám phụ khoa định kỳ đối với chị em là chuyện trong mơ. Khi ngã bệnh họ cũng không có tiền đi khám, đến lúc chịu không được nữa phải đi khám thì bệnh đã “hỡi ôi” rồi.

Ai nhớ, ai quên - đôi tay nào khéo đỡ...

Vậy chứ bà con tình nghĩa lắm - chị cho tôi coi ảnh chụp cái đĩa nhỏ có mấy trái dưa leo, mướp, ớt… gọi là cây nhà lá vườn họ hái tặng bác sĩ. Chị hỏi mấy đứa nhỏ đi theo mẹ: Con cần gì? Các cháu bảo thích có cái cặp để đi học. Trở về, chị cùng các thành viên trong đoàn đi vận động, đặt mua cặp nhanh chóng chuyển xuống cho các cháu cho kịp đầu năm học.

Những chuyến đi năm 1980 - 1990 mới kinh khủng. Thường thì đoàn chọn những nơi còn thiếu thốn nhất, như mấy xã ở vùng sâu, vùng xa, khu vực có nhiều đồng bào dân tộc như ở Bù Đăng, Bù Đốp… hồi đó chưa có điện thoại liên lạc dễ dàng như bây giờ, đường sá thì xấu, lồi lõm, quanh co… nhiều chỗ phải bỏ xe lại, lội bộ vô mấy cây số. Xe thì có khi của bệnh viện, có khi xe của huyện, tỉnh đưa lên, thường là xe cũ rích. Có lần xe đang chạy xuống một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long bỗng dưng bốc khói, bác tài hoảng hốt tắt máy, nhảy xuống ruộng múc nước tạt. Một lần trên đường đi sóc Bom Bo xe đang chạy cà rịch cà tang bỗng lọt… tõm xuống hố, một bên chổng bánh lên trời. Hú hồn nhất là có lần chiều gần tối, xe đang chạy, nắp capô đằng trước bật tung lên che hết tầm nhìn, bác tài cho xe từ từ dừng mà không biết phía trước có cái gì hay không. May là đường trống, nếu không thì…?! Về tới thành phố vẫn còn sợ. Chị trầm ngâm: nghĩ lại có lúc mình cũng hối hận vì đã “phiêu” dắt đồng đội lội rừng, không dám ăn, gói ghém từng đồng tiền tua trực để đi. Chị em, đồng đội vì tin, nên đi theo mình… vậy mà lỡ có bề gì thì sao?

- Mấy tháng sau lại đi nữa?

- Đi chứ (cười). Cứ nghĩ tới cái khổ của bà con là mình đi. Có lần đi Quảng Ngãi, vô huyện Sơn Hà - nơi mà nhiều người ở đó còn chưa tới được, do toàn là núi, chỉ có người dân tộc. Gặp chỗ đất lở, núi lở, xe không đi được, phải nằm lại, mình đi bộ vô một trạm y tế xã. Hôm đó có một sản phụ người dân tộc đẻ tại nhà, bị băng huyết, người dân tộc cho bả ngậm một loại củ gì đó để khỏi băng huyết. Bà sốt nhiễm trùng rất cao, qua khám phát hiện còn nguyên bánh nhau bên trong. Mình lấy hết nhau ra, rồi dùng kháng sinh, dịch truyền, có cái gì truyền cái đó. Cứu được bà. Sức chịu đựng của người dân tộc rất giỏi. Thấy bà khổ quá, mình mượn người ta một triệu đồng đưa cho bà, về Sài Gòn chuyển trả lại vô thẻ ATM của họ sau.

Một lần đi tăng cường cho tuyến dưới ở BV. Vĩnh Long (BV cũ), đoàn mình cũng cứu được một ca đa sản (đã đẻ 4, 5 lần) mà bị nhau tiền đạo, băng huyết rất nặng. Khi nghe cấp báo, mình nhờ ghe đón bà về để mổ tại bệnh viện tỉnh. Cứu được một trường hợp là mang lại niềm vui cho gia đình họ, các con còn có mẹ thì hạnh phúc biết bao.

Lắng đọng chuyện đời, chuyện nghề

Tính từ năm tốt nghiệp ĐHYD TP. HCM, gắn bó với BV. Từ Dũ từ năm 1982 đến nay, đã 34 năm, có lẽ đã có hàng chục ngàn ca đỡ sinh, mổ sinh từ đôi bàn tay chị. Mỗi một sản phụ vượt cạn đến rồi đi, có những ca ngập tràn hạnh phúc, nhưng cũng có ca không như mong đợi. Chị không thể nhớ hết. Nhưng chị luôn tâm niệm rằng - hãy làm hết sức mình - để rồi có khi hạnh phúc được nhìn bởi một lăng kính khác.

Chị kể hôm 1/9/2016 có đôi vợ chồng trẻ đến khám thai. Vừa nghe tim thai, chị phát hiện tim thai suy, cho vô bệnh viện liền và mổ ngay. Nhưng em bé mắc bệnh màng trong, suy hô hấp, được chuyển sang Nhi Đồng 1. Đến 2/9 thì bé mất. Trong những giây phút khẩn cấp, chị đã cùng đồng hành, tận tình sẻ chia cùng gia đình… Dù không giữ được con, họ cũng rất đau đớn nhưng quay lại an ủi chị. Sự gắn kết, thăm hỏi, chan hòa yêu thương nhau cũng là hạnh phúc.

Mới đây, vừa đỡ sinh cho một ca, bước ra gặp một bà mẹ lớn tuổi đưa cậu con trai cao to tới nói: “Bác sĩ nhớ tui không.  Đây, thằng nầy hồi đó bác đỡ cho nó, nay ba mấy tuổi rồi. Giờ nó dắt vợ vô đây đẻ, bác lại đỡ cho cháu nội tui”. Nghe nói như vậy, mình rất vui. Vì bất chợt gặp nhau, bà vẫn nhớ khoảnh khắc mấy mươi năm trước.

- Năm 2017 âm lịch là năm Dậu, trên mạng internet người ta kháo nhau nên sinh vào tháng đầu năm để con có sức khỏe tốt, thông minh, sự nghiệp ổn định. Còn sinh vào cuối năm là người có tài nhưng gặp nhiều trắc trở trong sự nghiệp về sau?

- Có người muốn chọn tuổi con sinh để sau này cuộc sống nó tốt hơn.

Đa số các trường hợp này là phải sinh mổ mới chọn đúng ngày, còn đẻ theo quá trình chuyển dạ tự nhiên thì nhiều khi không đúng được ngày, hoặc giờ. Suy nghĩ sai lầm đó có thể đưa đến những tình huống xấu xảy ra: em bé quá non tháng, chưa trưởng thành phổi, hoặc bị những bệnh có thể xảy ra ở trẻ non tháng. Người bác sĩ phải đảm bảo chuyên môn, coi đứa bé đó như người thân của mình và giải thích cho người ta biết hậu quả của sanh sớm. Tại sao ông bà mình nói thai phải 9 tháng 10 ngày, 40 tuần, mà mới 36 - 37 tuần lôi nó ra làm gì? Mai mốt không biết nó có làm quan làm tướng gì hay không mà bây giờ lôi nó ra, nó non tháng, suy hô hấp, mắt không thấy đường thì sao? Nó có sống tốt được để sau này học hành, làm quan làm tướng hay không?

Về chuyên môn, điều quan trọng nhất là tuổi thai phải an toàn, có khả năng sống được, mà sống tốt. Thứ hai là phải phù hợp với điều kiện sanh ở đó - như địa điểm sanh mổ, dưỡng nhi… Đừng bao giờ vì ý thích của người mẹ, của gia đình mà bắt một đứa trẻ phải ra đời sớm hơn dự định, trong khi nó có thể sống tốt ở trong bụng mẹ nó một thời gian nữa.

Với những trường hợp bắt buộc phải ra đời vì lý do y khoa thì khác. Ví dụ như tim thai suy, bắt buộc phải cho bé ra để có sự hỗ trợ bên ngoài sẽ tốt hơn, vì nếu để suy tim thai bé có thể chết trong bụng mẹ. Hoặc mẹ bị bệnh tim nặng, bắt buộc phải mổ lấy em bé ra chứ nếu không chết cả mẹ lẫn con.

- Đêm giao thừa, có ai chọn sinh vào thời khắc này?

- Thường mấy ca sinh giao thừa là cấp cứu. Vì lúc đó là 0 giờ, về bản thân chuyên môn ai cũng tôn trọng giờ phút thiêng liêng trầm mặc đó, sản phụ cũng không ai muốn sinh giờ đó. Thường người ta muốn sanh trước đó để về ăn tết, nên người ta chọn mổ sinh rồi về ăn tết, hoặc là nếu đã vô bệnh viện thì người ta tính múi giờ nửa đêm giờ tí canh ba, từ 0 giờ đến 2 giờ, đại khái như vậy… Nói chung ai cũng muốn con cháu mình khỏe, ngoan, học hành thành đạt, ai cũng muốn một cuộc vượt cạn mẹ tròn con vuông, rồi muốn đẻ giờ nầy giờ kia… Đôi khi mình rất khó nghĩ, phải hết lòng giải thích là em bé sinh sớm theo yêu cầu thì tỉ lệ mổ rất cao, tuổi thai không trọn vẹn, em bé ra sớm sẽ không tốt bằng những đứa trẻ đủ ngày đủ tháng.

Ai nhớ, ai quên - đôi tay nào khéo đỡ...Con chào cuộc sống!

Đêm giao thừa có những ca sinh chủ động do ý tưởng “công dân đầu tiên của năm đó tại thành phố lúc 0 giờ, có người nầy người kia đến tặng hoa. Thí dụ có ca cần mổ lúc 23 giờ, nhưng để chút xíu nữa coi có lãnh  đạo, có nhà báo tới lúc 0 giờ, công dân ra đời tên con của chị A, chị B… Tại mình tạo tiền lệ chứ không ai muốn đâu. Tiền lệ đó không tốt. Hãy nghĩ rằng, trong bất cứ thời khắc nào, thì Mẹ tròn con vuông - đó là mong ước của tất cả mọi người.

Con đường đã chọn

- Một số bác sĩ sản được bệnh viện tư trả 50 - 60 - 80 triệu/tháng, vì sao bác sĩ lại cứ lặng thầm với những chuyến đi bão táp?

- Khi sắp về hưu có người mời nhưng mình không làm. Mình quan niệm là khi chưa có dịch vụ mình vẫn sống được, sống rất tình cảm, bệnh nhân cũng rất tình cảm với mình. Mình từng đi tới những vùng sâu vùng xa thấy người ta cầm được đồng tiền như bán mớ hành ngò chỉ 1.000 - 2.000 đồng mà lên được thành phố chữa trị là cả một vấn đề. Vậy là mình đến với họ. Con đường sống của mình như vậy rồi, mình kiên định đi tiếp.

Niềm vui của BS. Vũ Hải là gì? Chị khoe bức ảnh chụp em bé mới sinh còn cuống rốn đang khóc to, khỏe khoắn đưa hai tay lên cao. Chị đặt tên bức ảnh là “Con chào cuộc sống. Con chào mọi người”. Chị bỗng nhớ câu: “Khi con sinh ra, con khóc, mọi người cười… Con phải sống làm sao để khi con chết trong mỉm cười, mọi người khóc” - như lời ba chị thường khuyên năm nào.

Chị khe khẽ hát: “Đây những con người, ai quên mà mà ai nhớ… Con hỡi con hời/mai sau con nên người/ tay ai vẫn còn đó/ Kìa đôi tay nào/ Kìa đôi tay nào khéo đỡ… cùng mẹ chờ con cất tiếng khóc oa oa…”. Đó là bài hát nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết tặng riêng cho nhóm bác sĩ sản của chị.


KIM SƠN
Ý kiến của bạn