Ðãi ngộ thế nào cho đúng?

19-03-2013 10:37 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhiều thời gian xây dựng văn bản pháp lý; lâu và chưa thấy đâu trong việc tổ chức xét tặng, vinh danh nghệ nhân; gây nhiều băn khoăn, phản biện trong dư luận khi nhiều nghệ nhân tài danh ra đi mà chế độ đãi ngộ còn quá xa vời…

Nhiều thời gian xây dựng văn bản pháp lý; lâu và chưa thấy đâu trong việc tổ chức xét tặng, vinh danh nghệ nhân; gây nhiều băn khoăn, phản biện trong dư luận khi nhiều nghệ nhân tài danh ra đi mà chế độ đãi ngộ còn quá xa vời… Liệu việc hoàn thành dự thảo và tương lai là Nghị định được ban hành có cải thiện ngay được những tồn tại trong việc tôn vinh nghệ nhân rất cần thiết, rất không đáng bị kéo dài như lâu nay?

Đãi ngộ không nên qua loa

Sau thời gian không đạt được thống nhất về phối hợp tôn vinh nghệ nhân giữa hai Bộ VH-TT&DL và Bộ Công Thương, dự thảo Quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vừa được Bộ VH-TT&DL hoàn thành và đưa ra trưng cầu ý kiến. Tất nhiên là trên tinh thần nhiệm vụ, công tác riêng của ngành VH-TT&DL không liên quan đến việc xét tặng danh hiêu nghệ nhân mà ngành công thương cũng đã làm ít năm qua. Vì vậy, tập trung vào xét các đối tượng nghệ nhân thuộc các lĩnh vực: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian, đương nhiên dự thảo đã cho thấy một mảng khuyết lớn khi không đề cập đến đối tượng thuộc lĩnh vực nghề cổ, nghề truyền thống.

Ðãi ngộ thế nào cho đúng? 1
 Một số nghệ nhân ca trù tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2011.

Tiếp đó, ngay phần nói đến quyền của nghệ nhân khi đã có danh hiệu cũng cho thấy vẫn còn sơ sài khi thông báo nghệ nhân sẽ được hưởng “một số chính sách đãi ngộ được quy định tại Nghị định này”. Từ đầu đến cuối dự thảo, ngoài những nội dung tập trung vào công tác tổ chức, thành lập, đề nghị, xét chọn…, chỉ có một đoạn nhỏ bàn cụ thể về việc đãi ngộ bằng bảo hiểm y tế, trợ cấp cho nghệ nhân khó khăn. Dự thảo cần có những định hướng rõ hơn về kinh phí – có thể căn cứ theo mức lương tối thiểu được cấp hàng tháng, thường niên hay một, một số lần và ngoài chế độ bảo hiểm y tế thì cũng nên có một số ưu tiên khác trong đời sống xã hội. Làm như vậy cũng để tránh hạn chế trong việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT mà ngoài chứng nhận và tiền thưởng một lần, các nghệ sĩ này không được nhận thêm sự đãi ngộ nào khác. Đây cũng là tồn tại mà ngành nghệ thuật biểu diễn đang tiến tới xây dựng đề án khắc phục. Dự thảo cho nghệ nhân cần rút kinh nghiệm ngay để không mắc lại con đường “hữu danh” mà “vô” hoặc “lâu” có “thực”.

Thủ tục đừng gây khó

Còn về mặt nghĩa vụ của nghệ nhân, thiết nghĩ không nên nói “Không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng” mà nên gọi là “Không ngừng củng cố, nâng cao, phát triển tri thức và kỹ năng. Ở phần tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu, có yêu cầu người được xét tặng phải “đào tạo được nghệ nhân đang tham gia vào bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể”. Việc nghệ nhân phải đào tạo được nghệ nhân vốn không phải dễ, đồng thời cách gọi “nghệ nhân” cũng thiếu sự thống nhất và thời gian qua đã có phần khá tràn lan. Chỉ cần nói “đào tạo được học trò giỏi…” cũng đã đủ và hợp lý. Việc xét tặng đặc cách và truy tặng cũng cho thấy có đôi điều đáng bàn lại.

Dự thảo cũng cần đưa ra quy định về thời gian giữa các kỳ xét chọn danh hiệu là khoảng 2 năm, 3 năm hoặc 5 năm… cũng như cần có sự thống nhất tương đối về tổng thời gian cho mỗi kỳ xét chọn. Nếu tạm căn cứ theo các mốc thời gian phải gửi hồ sơ giữa hội đồng các cấp thì xem chừng phải đến hơn 1 năm chờ đợi từ lúc nộp hồ sơ, một nghệ nhân mới có thể biết mình có thể được trao danh hiệu NNND hay NNƯT hay không. Như vậy là kéo dài và biết đâu không ít nghệ nhân tuổi cao sức yếu háo hức giục con cháu làm hồ sơ nộp lên, có nguy cơ không đợi được đến ngày vui của đời mình? Việc xét tặng, tôn vinh nên gọn lại trong phạm vi 1 năm với thời gian 6 tháng hoặc chỉ hơn một chút như từ tháng 3 đến dịp Quốc khánh 2/9 hoặc dịp Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11. Chính các công đoạn tiếp nhận hồ sơ, trưng cầu ý kiến, họp xét chọn ngoài đòi hỏi khách quan, công tâm, khoa học cũng nên có sự nhanh gọn.

Cùng với đó là quy định về chế độ đãi ngộ thiết thực, phát huy hiệu quả lâu dài, đòi hỏi không chỉ nhà nước, Bộ VH-TT&DL mà nhất là các cấp địa phương cũng phải nâng cao ý thức trân trọng, xây dựng hoặc bổ sung đáng kể mức hỗ trợ cho các NNND, NNƯT. Dự thảo cũng cần bổ sung những yêu cầu đối với cơ sở trong việc chủ động, tích cực hỗ trợ nghệ nhân hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, tổ chức trưng cầu ý kiến… Có như vậy thì các nghệ nhân, nhất là nhiều cụ “gần đất xa trời” mới không bị thủ tục hành chính làm mệt mỏi, mới được “dựa” phần nào vào Nhà nước, vào ngành văn hóa và địa phương sau cả đời hoặc nửa đời miệt mài giữ nghề, lưu truyền vốn cổ.

Dương Xuân


Ý kiến của bạn