Ai không nên uống sữa đậu nành?

27-07-2025 15:45 | Cảnh giác thực phẩm

SKĐS - Sữa đậu nành là thức uống bổ dưỡng và mang lại lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp để uống sữa đậu nành, đặc biệt là những người có một số tình trạng sức khỏe nhất định.

1. Người có vấn đề về tiêu hóa không nên uống sữa đậu nành

Sữa đậu nành dù mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng nhưng đối với những người có vấn đề về tiêu hóa như viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích, chức năng tiêu hóa kém, việc tiêu thụ có thể gây ra những khó chịu đáng kể như sau:

Sữa đậu nành chứa oligosaccharides: Đối với những người có hệ tiêu hóa kém hoặc mắc hội chứng ruột kích thích, oligosaccharides không được hấp thu hết ở ruột non sẽ di chuyển xuống ruột già. Tại đây chúng bị vi khuẩn đường ruột lên men. Quá trình lên men này tạo ra khí, gây ra các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, chuột rút, đau quặn bụng. Tình trạng viêm sẵn có ở dạ dày hoặc ruột có thể trở nên tồi tệ hơn khi gặp phải áp lực khí và sự kích thích từ quá trình lên men này.

Ai không nên uống sữa đậu nành?- Ảnh 1.

Người có vấn đề về tiêu hóa không nên uống sữa đậu nành.

Sữa đậu nành chứa các chất kháng dinh dưỡng như trypsin inhibitor và lectin: Trypsin inhibitor làm giảm hoạt động của enzyme trypsin – một enzyme quan trọng trong quá trình tiêu hóa protein ở ruột non. Lectin có thể bám vào niêm mạc ruột, gây viêm và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Mặc dù quá trình đun sôi kỹ có thể làm bất hoạt phần lớn các chất này nhưng đối với dạ dày và đường ruột vốn đã yếu hoặc bị tổn thương, ngay cả một lượng nhỏ còn sót lại cũng có thể gây khó khăn trong việc tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu hoặc thậm chí đau bụng.

Môi trường acid trong dạ dày đóng vai trò quan trọng trong việc đông vón và phân giải protein: Đối với người bị viêm dạ dày, lớp niêm mạc dạ dày đã bị tổn thương, quá trình tiết acid có thể không ổn định. Khi protein trong sữa đậu nành vào dạ dày, chúng sẽ đông vón lại. Nếu dạ dày không hoạt động hiệu quả hoặc đang trong tình trạng viêm, việc tiêu hóa khối protein đông vón này có thể trở nên khó khăn hơn, làm tăng áp lực lên dạ dày và gây cảm giác nặng bụng, ợ hơi hoặc khó chịu kéo dài.

2. Người bệnh gout

Sữa đậu nành chứa purine – một chất khi chuyển hóa trong cơ thể sẽ tạo ra acid uric. Ở người mắc bệnh gout, cơ thể gặp khó khăn trong việc đào thải acid uric, dẫn đến nồng độ acid uric trong máu tăng cao. Khi nồng độ này vượt quá ngưỡng cho phép, có thể kết tinh thành các tinh thể urat và lắng đọng tại các khớp, gây ra các cơn đau gout cấp tính và viêm sưng.

3. Người bị suy thận hoặc sỏi thận

Sữa đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành rất giàu protein thực vật. Đối với bệnh nhân suy thận, việc tiêu thụ quá nhiều protein sẽ làm tăng gánh nặng cho thận. Khi thận không còn khả năng lọc hiệu quả các chất thải từ quá trình chuyển hóa protein (như urê), các chất này sẽ tích tụ lại trong máu, gây ra các triệu chứng urê huyết cao và làm suy giảm chức năng thận nhanh hơn.

Trong sữa đậu nành có chứa oxalat. Oxalat có thể kết hợp với canxi trong thận tạo thành sỏi thận (canxi oxalat), do đó người bị sỏi thận hoặc có nguy cơ cao bị sỏi thận nên hạn chế.

Sữa đậu nành cũng có hàm lượng kali và phốt pho cao. Đối với người suy thận, đặc biệt là ở giai đoạn nặng, thường gặp khó khăn trong việc đào thải các chất điện giải như kali và phốt pho ra khỏi cơ thể. Sự tích tụ của các chất này có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

4. Người đang dùng thuốc kháng sinh

Một số loại kháng sinh như erythromycin hoặc fluoroquinolone (ciprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin), có khả năng tạo phức hợp với các khoáng chất như canxi có trong sữa đậu nành (đặc biệt là sữa đậu nành tăng cường canxi). Khi canxi trong sữa liên kết với thuốc, sẽ tạo thành một hợp chất không tan, khiến thuốc khó được hấp thu vào máu từ đường tiêu hóa. Điều này làm giảm nồng độ thuốc trong cơ thể, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị của kháng sinh, khiến bệnh có thể không khỏi hoặc kéo dài.

Sữa đậu nành có thể làm thay đổi độ pH trong dạ dày. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến độ hòa tan và hấp thu của một số loại thuốc kháng sinh cần một môi trường pH ổn định để hấp thu tối ưu.

Ai không nên uống sữa đậu nành?- Ảnh 3.

Không uống kháng sinh cùng lúc với sữa đậu nành.

Do đó, người đang dùng thuốc kháng sinh thường không nên uống sữa đậu nành, cũng như các sản phẩm từ sữa khác, cùng lúc với việc dùng thuốc.

Ngoài ra, người sau phẫu thuật hoặc đang hồi phục sức khỏe thì sức đề kháng và chức năng tiêu hóa của cơ thể thường yếu. Uống sữa đậu nành lúc này có thể gây buồn nôn, tiêu chảy do khó tiêu.

5. Người bị suy giáp

Isoflavone trong đậu nành có thể ảnh hưởng đến sự tổng hợp hormone tuyến giáp. Do đó có thể gây cản trở sự hấp thụ thuốc điều trị tuyến giáp. Nếu muốn sử dụng, người bệnh nên uống sữa đậu nành cách xa thuốc ít nhất 4 giờ hoặc cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

6 loại thực phẩm nên tránh khi uống sữa đậu nành6 loại thực phẩm nên tránh khi uống sữa đậu nành

SKĐS - Sữa đậu nành có hàm lượng protein thực vật cao, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, sữa đậu nành có thể gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Sữa đậu nành còn có tương kỵ với một số loại thực phẩm khác.

Mời độc giả xem thêm video:

Thực hư việc uống sữa đậu nành gây ra vô sinh.

CN. Quỳnh Hương
Ý kiến của bạn