1. Lợi ích của kefir
Kefir chứa nhiều loại lợi khuẩn, giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa và hệ miễn dịch. Nhờ vào hàm lượng probiotics cao, kefir có thể giúp điều chỉnh hệ vi sinh vật trong đường ruột, giúp cải thiện tiêu hóa và giảm các triệu chứng như khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón...
Ngoài ra, kefir còn giúp:
- Xây dựng xương chắc khỏe hơn
Kefir là một sản phẩm từ sữa có chứa canxi, vitamin D, K2 và phốt pho… Các chất này đều quan trọng cho sức khỏe xương, răng; giúp xây dựng và duy trì xương chắc khỏe. Một đánh giá của các nghiên cứu kiểm tra các chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của xương cho thấy, các sản phẩm sữa lên men có liên quan đến việc giảm nguy cơ gãy xương hông.
Kefir là một sản phẩm từ sữa giúp xương chắc khỏe.
- Hỗ trợ quản lý lượng đường trong máu
Tiêu thụ kefir có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt ở những người mắc đái tháo đường type 2.
Trong một nghiên cứu nhỏ năm 2015, một nhóm người mắc bệnh đái tháo đường type 2 đã tiêu thụ 600 ml kefir, hai lần một ngày hoặc giả dược trong 8 tuần. Những người tiêu thụ kefir có chỉ số HbA1c (thước đo lượng đường trong máu theo thời gian), thấp hơn đáng kể so với giả dược.
Một nghiên cứu khác năm 2019 cho thấy rằng, tiêu thụ một cốc kefir mỗi ngày làm giảm lượng đường huyết lúc đói, mức HbA1c và tình trạng kháng insulin ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 2 mới được chẩn đoán.
- Có thể giảm viêm
Các nghiên cứu cho thấy kefir có thể hỗ trợ giảm viêm bằng cách ức chế hoạt động của các cytokine tiền viêm (các protein có vai trò gây đau và viêm), đồng thời tăng nồng độ cytokine chống viêm để giảm nguy cơ mắc một số bệnh và biến chứng liên quan.
Trong một nghiên cứu kiểm tra tác dụng của kefir đối với các dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa, nhóm người mắc hội chứng chuyển hóa đã tiêu thụ 180 ml kefir hoặc sữa không lên men mỗi ngày trong 12 tuần. Những người tiêu thụ kefir đã tăng đáng kể apolipoprotein A1 (một thành phần chính của cholesterol "tốt" HDL) và giảm các cytokine so với những người uống sữa không lên men.
- Có thể cải thiện sức khỏe não bộ và tâm trạng
Trong khi các nghiên cứu chỉ ra rằng kefir cùng với chế độ ăn giàu chất xơ, có thể cân bằng hệ vi sinh vật để giảm nguy cơ và triệu chứng rối loạn tâm trạng như lo lắng, trầm cảm, nó cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và nhận thức, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh các bệnh về thần kinh nhờ khả năng giảm viêm.
Điều quan trọng là phải bổ sung chất xơ khi tiêu thụ men vi sinh vì chất xơ là nhiên liệu được các sinh vật sinh học sử dụng khi ở trong đường tiêu hóa.
Trong một nghiên cứu kiểm tra tác dụng của kefir đối với trí nhớ, những người trưởng thành tiêu thụ 230ml kefir mỗi ngày, trong bốn tuần đã cải thiện đáng kể trí nhớ và tăng nồng độ Lactobacillus trong ruột so với giả dược.
Phụ nữ mang thai dùng kefir nên tham khảo ý kiến bác sĩ do kefir chứa một lượng rượu nhỏ trong quá trình lên men.
- Giúp bảo vệ chống lại virus
Chuyên gia dinh dưỡng Alyssa Pacheco có trụ sở tại Boston (Anh) cho biết, đặc tính chống virus của Kefir có thể giúp hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng do virus. Đánh giá các nghiên cứu kiểm tra tác dụng của kefir đối với hệ thống miễn dịch cho thấy, kefir thúc đẩy sản xuất các tế bào miễn dịch có thể ngăn chặn hoạt động của virus.
Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng probiotics có thể giúp giảm cân và giảm mỡ bụng. Probiotics trong kefir có thể giúp cải thiện các vấn đề về da như mụn trứng cá, viêm da và tình trạng da khô…
2. Ai không nên dùng kefir?
Theo chuyên gia dinh dưỡng Pacheco, kefir truyền thống thường có nguồn gốc từ sữa, vì vậy bất kỳ ai bị dị ứng với sữa nên tránh dùng kefir.
Tuy nhiên, hầu hết những người không dung nạp lactose đều có thể dung nạp sữa kefir vì nó thường chứa ít lactose hoặc không chứa lactose. Lactobacillus giúp phá vỡ đường sữa, giúp quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn, đặc biệt đối với những người không dung nạp đường sữa.
Nếu bạn không dung nạp tốt sữa hoặc theo chế độ ăn thuần chay, thì có những lựa chọn kefir không sữa, thường được gọi là kefir nước.
Do quá trình lên men, một số kefir có thể chứa một lượng nhỏ rượu nên những người đang mang thai hoặc tránh uống rượu nên kiểm tra nhãn và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng kefir.
Những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi tiêu thụ kefir, vì nó chứa các vi khuẩn sống và hoạt động.
Mặc dù kefir có nhiều lợi ích, nhưng nếu bạn có bất kỳ tình trạng sức khỏe cụ thể nào, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi thêm kefir vào chế độ ăn uống của mình.
Mời bạn xem thêm video:
Những thực phẩm cần tránh khi bị tiêu chảy I SKĐS