Hà Nội

Ai giám sát tăng học phí có đi đôi với chất lượng đào tạo?

30-08-2016 07:02 | Thời sự
google news

SKĐS - Vừa qua, việc tăng học phí của một số trường đại học theo lộ trình tự chủ tài chính đã khiến các sinh viên lo lắng và đó cũng là vấn đề được xã hội quan tâm.

Vừa qua, việc tăng học phí của một số trường đại học theo lộ trình tự chủ tài chính đã khiến các sinh viên lo lắng và đó cũng là vấn đề được xã hội quan tâm. Câu chuyện tăng học phí đại học có đi đôi với chất lượng? Ai sẽ là người giám sát? Và đặc biệt, có cần phải công khai minh bạch ngay từ trước khi các em nhập học hoặc thậm chí là trong thời điểm xét tuyển đại học?

Đơn cử như mức tăng học phí sắp tới của sinh viên năm thứ 2 và sinh viên sắp vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lần lượt là 375.000 đồng; 450.000 đồng và 530.000 đồng/1tín chỉ đối với từng ngành. Năm ngoái, mức học phí lần lượt là 295.000 đồng, 355.000 đồng và 415.000 đồng/tín chỉ, trong khi trung bình mỗi sinh viên đăng ký khoảng 40 tín chỉ cho 1 năm học.

Đối với mỗi sinh viên, bên cạnh tiền học phí còn rất nhiều khoản khác phải chi tiêu tối thiểu hàng ngày như tiền ăn, ở, đi lại… và cộng các khoản lại 1 tháng trung bình cũng lên đến 4 - 5 triệu. Để có thể đủ tiền theo học đại học, bố mẹ của nhiều sinh viên, đặc biệt những sinh viên ở vùng sâu, vùng xa, ở nông thôn còn nhiều khó khăn phải chắt chiu đủ thứ để có đủ tiền gửi cho các em mỗi tháng. Bởi bên cạnh tiền học phí còn rất nhiều những khoản chi tiêu khác phục vụ nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và học tập của sinh viên.

Khi nghe tin tăng học phí, nhiều sinh viên rất lo lắng vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện, do vậy, việc lo học phí để duy trì học rất khó khăn đối với các em và gia đình. Sinh viên lo lắng nhưng việc tăng học phí đại học sẽ là câu chuyện không thể đừng được của các trường đại học khi thực hiện lộ trình tự chủ tài chính.

Mặc dù theo giải thích của các trường, khi xây dựng mức học phí mới, các trường đã tính toán đến cả khả năng chấp nhận của thị trường của người học, điều kiện kinh tế xã hội và đưa ra mức học phí tạm gọi là hợp lý, việc tăng học phí được giải thích là để đảm bảo điều kiện tăng chất lượng đào tạo. Tuy  nhiên, trên thực tế, để kiểm định chất lượng đào tạo đại  học có tỉ lệ thuận với mức thu hay không lại cần thêm một thời gian 4-5 năm sau, khi các em ra trường cộng với tỉ lệ chấp nhận của thị trường nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, đối với giáo dục đại học Việt Nam, trước mắt chúng ta chưa có được cơ chế giám sát của xã hội để thấy được trách nhiệm của các trường đại học, do vậy, người học lại cần sự công khai minh bạch trong việc công bố học phí ở mỗi kỳ xét tuyển hoặc trên các phương tiện truyền thông.

Mùa tuyển sinh đại học đang bắt đầu và những ngày vừa qua, sinh viên của một số trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại Hà Nội đã tỏ ra lo lắng trước kế hoạch tăng  học phí của năm học 2016-2017 vì từ năm học 2016- 2017, cả nước sẽ có 14 trường đại học triển khai thí điểm tự chủ tài chính. Các trường đại học tự chủ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng. Sau khi có quyết định giao tự chủ, từng trường sẽ lập đề án trình Thủ tướng xem xét và phê duyệt, trong đó có mức trần học phí và lộ trình.

Theo các chuyên gia giáo dục, vấn đề ở đây là trách nhiệm của các trường đại học tự chủ là cần minh bạch trong trách nhiệm giải trình. Sinh viên và những người quan tâm có thể thấy được sự minh bạch qua báo cáo thường niên (trong đó có báo cáo tài chính của trường tự chủ), Chính phủ có thể kiểm soát được hoạt động của nhà trường nói chung và tài chính nói riêng. Về phía các trường, để đảm bảo các hoạt động của mình thì việc tăng nguồn thu, trong đó có tăng học phí, là cần thiết. Vấn đề là khi chuyển sang tự chủ, các nhà trường này nên công bố lộ trình thu học phí cho xã hội biết và lộ trình ấy phải đủ dài để người học chuẩn bị kinh phí theo học. Và mức tăng học phí hằng năm chỉ nên nằm trong khoảng 10-20% học phí của năm trước (trong đó có tính cả lạm phát). Nhưng quan trọng hơn là phải có chính sách cấp học bổng của trường và chương trình cho vay để học tập của sinh viên. Nếu thiếu những điều này thì chính sách tự chủ sẽ khó thành công.


Hoàng Hà
Ý kiến của bạn