Hà Nội

Ai giải quyết chuyện quá tải bệnh viện?

31-05-2013 20:39 | Xã hội
google news

Chuyện quá tải bệnh viện (BV) đã được dư luận nói đến quá nhiều và logic thông thường là muốn bệnh nhân không nằm chung giường thì phải có thêm giường. Muốn có thêm giường thì phải có chỗ kê giường nghĩa là BV cần được mở mang, tăng diện tích cũng như phải xây thêm bệnh viện.

Chuyện quá tải bệnh viện (BV) đã được dư luận nói đến quá nhiều và logic thông thường là muốn bệnh nhân không nằm chung giường thì phải có thêm giường. Muốn có thêm giường thì phải có chỗ kê giường nghĩa là BV cần được mở mang, tăng diện tích cũng như phải xây thêm bệnh viện.

Thế nhưng các thầy thuốc hiện nay làm sao có thể mở mang hoặc xây thêm bệnh viện (BV)? Ai cấp đất, cấp tiền xây bệnh viện cho họ?

Chỉ nhìn vào Hà Nội thôi, không phải nhà khoa học hay nhà quản lý có thể biết năm 1954 thành phố có bao nhiêu BV và lúc đó dân số là bao nhiêu còn hiện nay dân số là bao nhiêu và có bao nhiêu BV? Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì từ năm 1975 đến nay, Hà Nội mới chỉ xây thêm Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trong khi đó, dân số tăng gấp đôi. Số giường bệnh trên 1.000 dân của Việt Nam rất thấp, chỉ 22 giường.

Các thầy thuốc là những nhà chuyên môn phải có điều kiện tốt để phục vụ bệnh nhân mà trước hết là BV cũng như anh phi công cần máy bay và sân bay, nhà khoa học cần phòng thí nghiệm... Công việc trong BV là thuộc thầy thuốc nhưng để có BV và cơ sở vật chất trong đó thì thầy thuốc không làm được. Trách thầy thuốc trước tình trạng quá tải hiện nay là trách oan bởi trước sự quá tải, BN khổ đã đành nhưng thầy thuốc chắc chắn khổ hơn. Bệnh nhân mỗi người không phải lúc nào cũng phải đến BV hoặc nằm viện để chịu sự quá tải nhưng thầy thuốc thì liên tục chịu áp lực này ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, thường xuyên!

Sự phát triển của đô thị phải song hành với cơ sở hạ tầng. Một khu nhà chung cư thôi muốn được cấp phép xây dựng phải có hệ thống thoát nước, cấp nước. Một khu đô thị mới phải có chợ (siêu thị), trường học, cơ sở y tế, nhà tang lễ, nhà văn hóa, rạp chiếu phim... đi cùng. Thế nhưng thật đau lòng khi những khu nhà cao tầng mọc lên, những khu đô thị mới xuất hiện là niềm tự hào về diện mạo thành phố song chỉ thấy đi cùng có siêu thị, hầm giữ xe là chỗ có thể thu tiền, thỉnh thoảng có trường học nhưng cơ sở y tế và cơ sở văn hóa tinh thần cho cư dân lại thiếu. Hà Nội sau cơn mưa, phố thành sông, nước ứ tắc do không đồng bộ cơ sở hạ tầng, dân kêu nhưng kêu chung chung còn BV ứ tắc bệnh nhân thì trăm tội là tại ngành y tế? Đến giao thông bị ùn tắc do hạ tầng không đồng bộ với sự phát triển phương tiện giao thông thì lỗi lại là do... ý thức người dân?

Đô thị phát triển bất cập như thế và nhìn rộng ra, đến các tỉnh, đâu cũng thấy những trụ sở to đùng, xe hơi đậu chật sân; khu công nghiệp được quy hoạch tràn lan; sân golf thì mỗi nơi mỗi cái... trong khi BV thì thế nào? Do nước ta còn nghèo và thiếu kinh phí chăng? Những đề xuất lớn lao xây bảo tàng ngàn tỉ, tượng đài hoành tráng mà vẫn thiếu tiền xây bệnh viện thì chua xót quá! Vấn đề là từ cấp Trung ương đến địa phương có chịu đầu tư cho ngành y tế không, có muốn dân không phải chịu quá tải không mà thôi!

Có lẽ giải pháp hữu hiệu nhất để khắc phục tình trạng quá tải BV hiện nay là cán bộ cấp bộ, tỉnh, thành, Trung ương nên làm dân thật sự một lần khi đi khám bệnh hoặc đưa người thân đến khám bệnh ở các bệnh viện. Khi tận mắt thấy nỗi khổ của người bệnh và của các thầy thuốc bằng trải nghiệm của chính mình, chắc chắn lãnh đạo các cấp sẽ quan tâm và có hành động kịp thời, quyết đoán trước tình trạng quá tải này.

Lê Quý Hiền


Ý kiến của bạn