Theo PGS. TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế, hội nghị lần này là hội nghị tổng thể có sự tham gia của nhiều bên liên quan để tìm ra giải pháp tối ưu, hiệu suất cao nhằm thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử theo đúng lộ trình của Thông tư số 46, đồng thời thực hiện theo phương châm về phát triển Chính phủ điện tử là Nghĩ lớn, nhìn tổng thể; hành động nhanh, làm đâu chắc đấy; bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Nhiều vấn đề nóng đã được đưa ra thảo luận, qua thời gian bắt tay triển khai bệnh án điện tử, như hồ sơ bệnh án điện tử có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy, vấn đề sử dụng chữ ký số, lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, khi triển khai xong hồ sơ bệnh án điện tử thì bệnh viện có cần phải lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy không? Bệnh viện cần thực hiện những hạng mục nào để đáp ứng đủ điều kiện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử? Vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật đối với hồ sơ bệnh án điện tử; Những lợi ích mang lại từ hồ sơ bệnh án điện tử? Phương án chia sẻ hồ sơ bệnh án điện tử giữa các bệnh viện như thế nào, khi người bệnh chuyển viện?
PGS.TS. Trần Quý Tường thẩm định bệnh án điện tử tại BVĐK tỉnh Phú Thọ.
Sau khi bệnh án điện tử được ký số, thì thông tin trên bệnh án điện tử này có chỉnh sửa được không? Những ai được phép tiếp cận hồ sơ bệnh án điện tử? Người dân có được quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án điện tử của họ không? Những thuận lợi, khó khăn khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử? Phương án ngăn chặn tấn công vào hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử; Những tiêu chuẩn CNTT y tế được sử dụng trong hồ sơ bệnh án điện tử? Bệnh viện cần có phương án, chính sách gì để bảo vệ tính riêng tư về dữ liệu của người bệnh? Phương án sao lưu và phục hồi dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử? Kế hoạch để đẩy mạnh việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.
Với mục tiêu đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT đã nêu các giải pháp chính để triển khai bệnh án điện tử. Đó là, (i) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách và các quy định về bệnh án điện tử, trong đó đặc biệt phải khẩn trương xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế (ID); xây dựng chuẩn kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin tại bệnh viện; quy định và giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; xây dựng cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế và hồ sơ bệnh án điện tử, trong đó tập trung xây dựng kết cấu chi phí CNTT trong chi phí dịch vụ y tế.
Đối với thanh toán điện tử ở các bệnh viện, PGS. TS. Trần Quý Tường đề nghị cần khắc phục trong thời gian tới là: Phí dịch vụ thanh toán điện tử còn cao, Bộ Y tế sẽ đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xem xét nội dung này; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử, do đó cần đẩy mạnh truyền thông về tiện lợi của thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đến nhân dân.