Ai đúng, ai sai?

17-03-2011 11:13 | Thời sự
google news

Với thông báo và quyết định là không khởi tố hình sự nhưng kèm theo việc không có kết quả điều tra làm cho gia đình chị vẫn chưa biết chồng mình bị nạn dẫn đến chết là do anh Thùy sai luật hay có ẩn khuất gì đằng sau đó?

Vừa qua, chúng tôi nhận được đơn thư kêu cứu của chị Vũ Thị Hiền (SN 1969, hộ khẩu thường trú tại số 13 - phố Lò Rèn – Hàng Bồ - Hà Nội) với nội dung chồng chị là Nguyễn Đắc Thùy, SN 1964 đã chết vì tai nạn giao thông. Thế nhưng đến nay, vụ việc đã kéo dài hơn 1 năm trời, cơ quan Công an huyện Từ Liêm vẫn chưa có kết luận điều tra thông báo cho gia đình chị Hiền được rõ ràng về nguyên nhân cái chết của anh Thùy. Cái chết của chồng chị vẫn chưa được làm sáng tỏ...

Vụ tai nạn thương tâm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ tai nạn kinh hoàng dẫn đến cái chết cho anh Thùy diễn ra vào hồi 19h00 ngày 28/2/2010 tại đường Phương Canh, Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội đang để lại nhiều dấu hỏi cho dư luận. Lúc đó, anh Thùy đi xe máy BKS 29U1-5418 hướng từ ngã tư Canh ra Cầu Diễn va chạm với xe máy BKS 33M1-6188 do anh Nguyễn Thanh Tùng, SN 1976, HKTT tại 18 tổ 7 - Xuân Mai, Chương Mỹ hiện ở tại xóm 8, Xuân Phương điều khiển đi ngược chiều.

Sau khi ngã xuống đường, anh Thùy bất tỉnh, gia đình anh có mặt tại hiện trường và đưa ngay vào Bệnh viện 198 cấp cứu và chuyển lên Bệnh viện Việt Đức chữa trị. Các bác sĩ kết luận, anh Thùy bị va đập mạnh, vỡ sọ phải, mắt trái bị mù và chấn thương sọ não quá nặng nên bệnh viện trả về để gia đình lo hậu sự. Gia đình chị Hiền lại chuyển anh lên Bệnh viện Xanh Pôn với niềm hy vọng mong manh. Tại đây, anh Thùy được mổ não, với tổng thiệt hại tiền lên đến trên 100 triệu đồng cho ca phẫu thuật và 5 ngày hậu phẫu. Thế nhưng anh không qua khỏi và mất vào ngày 6/3/2010. Trong suốt thời gian nhập viện đến lúc mất, anh Thùy luôn trong tình trạng hôn mê sâu, không có cơ hội trăn trối với vợ con cũng như cung cấp thông tin cho cơ quan công an về vụ tai nạn.

Còn người va chạm với anh Thùy là Nguyễn Thanh Tùng vẫn bình yên vô sự và không có động thái thăm nom, hỏi thăm xem anh Thùy sống chết thế nào. Điều đó làm chị Hiền bức xúc, bản thân người nhà của anh Thùy là các cháu, anh em nổi khùng định tìm người va chạm “hỏi tội”, nhưng với niềm tin ở công lý, chị Hiền khuyên can và tin tưởng vào kết quả điều tra của cơ quan công an sẽ xử lý công bằng. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, sau một năm trời, khi tiếp xúc với PV chúng tôi, chị Hiền cho biết: “Mãi đến gần 49 ngày anh nhà tôi thì có vợ và em anh Tùng có đến nhà thắp hương và đưa cho tôi 10 triệu đồng để xin lỗi nhưng tôi bảo người là quan trọng thì đã mất, gia đình cũng tốn hơn 100 triệu đồng cứu chữa anh mà không tiếc huống hồ là 10 triệu đồng muộn mằn. Tôi không nhận tiền để chờ sự phán xử công bằng của pháp luật. Thế mà đến nay chồng tôi đã được 1 giỗ vẫn chưa biết anh chết vì đâu. Đã thế cơ quan công an còn kết luận “người có hành vi nguy hiểm đã chết”, thật lòng tôi cũng không hiểu thế nào”.

Có đủ cơ sở định tội người đã mất?

Chị Hiền với tập đơn thư khiếu nại về cái chết của chồng mình.

Trở lại với vụ tai nạn, theo điều tra của chúng tôi và căn cứ vào tài liệu của vụ tai nạn tại hiện trường thì, đường Xuân Phương rộng 4,80m, được bố trí đi 2 chiều, thiếu biển báo giao thông. Hôm đó anh Thùy vào Xuân Phương, quê ngoại chơi, lúc về đến đoạn đường trên va chạm với xe của anh Tùng. Theo điều tra hiện trường, xe anh Thùy có BKS 29U1-5418 đổ về bên phải, bên phần đường của anh đi, đầu xe hướng Phúc Diễn, đuôi xe hướng Xuân Phương. Tâm trục 1 của xe cách mép đường bên phải, hướng Phú Diễn đi chợ Canh 2,80m, tâm trục 2 cách 2,70m, vẫn thuộc bên phần đường của anh Thùy.

Còn xe 33M1-6188 sau tai nạn vị trí xe đỗ sát lề đường, đổ nghiêng về bên phải xe, đầu xe hướng lề đường và đuôi xe hướng tâm đường. Điều đặc biệt dễ nhận thấy ở hiện trường là vết cà trượt mà xe 33M1 - 6188 dài tới 7,80m và kết thúc tại bàn để chân xe 33M1-6188 với điểm đầu vết cà trượt với chiều đi của xe 33M1-6188 là 1,50m... Như vậy, với hiện trường vụ tai nạn, rất khó nhận định ai đi đúng đường, ai đi sai và kết quả chưa thuyết phục lòng người cũng là điều dễ hiểu. Cơ quan có nghiệp vụ cần lật lại vụ việc để làm sáng tỏ, giải toả nỗi thắc mắc cho gia đình người đã chết càng sớm càng tốt.

Cũng theo điều tra của chúng tôi, trong khi gia đình người chết là anh Thùy đang thắc mắc và gửi đơn kiện khắp nơi thì khoảng 3 tháng sau cái chết của anh Thùy, Công an huyện Từ Liêm đã gọi và trả phương tiện liệu có đúng luật? Và việc trả phương tiện này lại làm cho gia đình người chết lo lắng liệu vụ việc có chìm đi? Kể từ khi được trả phương tiện, chị Hiền nhiều lần đến công an huyện Từ Liêm xin kết quả điều tra theo luật định xem sự thể thế nào nhưng vẫn không chỉ là con số không. Kêu oan mãi, đến ngày 30/09/2010, chị Hiền nhận được 2 văn bản trái chiều nhau đó là Thông báo số 580/TB (ĐTHS) là không khởi tố hình sự nhưng điều khó hiểu là trong thông báo cơ quan công an chỉ kết luận một câu khá “chung chung” là vì “hành vi không cấu thành tội phạm” mà không nói rõ ai chưa đủ hành vi cấu thành tội phạm? Đi kèm với thông báo trên là Quyết định số 16/QĐ (ĐTHS) làm chị Hiền chết lặng vì nội dung có đề rõ rằng “Không khởi tố hình sự vì người có hành vi nguy hiểm đã chết”.

Nỗi nghi ngờ còn đó…

Trao đổi với chúng tôi, chị Hiền cho biết sau 7 tháng trời chờ đợi nhưng khi có được Quyết định số 16, nỗi bức xúc lại bùng lên, chị gửi đơn kiện khắp nơi như Công an TP, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án và UBND TP.Hà Nội, nhưng nơi nào chị cũng nhận được thông báo đã chuyển đơn thư về Công an huyện Từ Liêm giải quyết. Cách đây 2 tháng, cơ quan công an huyện Từ Liêm có gọi chị lên nhưng không thông báo bằng văn bản, mà chỉ bằng miệng. Chị Hiền lại quay sang xin kết luận điều tra thì được trả lời rằng không khởi tố vụ án nên không có kết luận điều tra, sẽ chuyển bằng văn bản có dấu đỏ hẳn hoi cho chị, nhưng chờ mãi rồi vẫn chưa thấy? Như vậy, với thông báo và quyết định là không khởi tố hình sự nhưng kèm theo việc không có kết quả điều tra làm cho gia đình chị vẫn chưa biết chồng mình bị nạn dẫn đến chết là do anh Thùy sai luật hay có ẩn khuất gì đằng sau đó?

Bây giờ, trong căn nhà lạnh lẽo vắng bóng người chồng, người cha, ba mẹ con chị vẫn rơi những giọt nước mắt, bởi người đã chết nhưng quyền lợi mà gia đình đòi hỏi là cái kết luận vụ tai nạn chưa rõ ràng. Liệu người bị quy là “người có hành vi nguy hiểm đã chết” ấy có thật là sai luật?      

  Bài, ảnh: Băng Tâm


Ý kiến của bạn