Ai dễ mắc nấm thực quản và lời khuyên của thầy thuốc

06-03-2023 09:07 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS -Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa ẩm tạo điều kiện cho các bệnh do vi nấm ngày càng nhiều, trong đó có nấm thực quản. Đây là một trong những bệnh phổ biến ở đường tiêu hóa và là tác nhân gây ra những rối loạn tiêu hóa trong cơ thể.

Bệnh nấm thực quản là tình trạng thực quản bị nhiễm nấm và gây ra những tổn thương cho vùng thực quản. Đây là một loại bệnh nhiễm trùng do chủng nấm candida gây ra tại thực quản. Có khoảng 50% bệnh nhân có mắc đồng thời cả nấm miệng và nấm thực quản.

Tuy bệnh khá dai dẳng nhưng vẫn có thể điều trị khỏi dứt điểm, quan trọng là sớm phát hiện, tránh để nấm lây lan thêm sang những vùng khác hoặc khiến thực quản bị tổn thương nhiều hơn.

1. Ai dễ mắc nấm thực quản?

Nấm thực quản rất phổ biến hay gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch, nhưng cũng có thể gặp phải ở người bình thường. Do tỷ lệ nhiễm nấm candida nên có thể là một phần của hệ vi sinh khoang miệng và nên nấm không gây hại đối với người trưởng thành khỏe mạnh. Tuy nhiên, đối với người có hệ miễn dịch suy yếu thì đây chính điều kiện giúp nấm sinh sôi, tấn công khoang miệng, họng, thực quản…

Người ta ghi nhận nấm thực quản hay gặp hơn ở các trường hợp như: Người cao tuổi; Bệnh nhân HIV/AIDS; Bệnh nhân ung thư, hóa trị, xạ trị vùng cổ; Bệnh nhân ghép tạng, điều trị thuốc ức chế miễn dịch. Người ta còn thấy những người bị tiểu đường, người bị suy tuyến thượng thận, người dùng kháng sinh và hoặc corticosteroid, bao gồm cả corticosteroid dạng hít để kiểm soát bệnh hen suyễn…. dễ mắc nấm thực quản.

Bên cạnh đó, bệnh nhân điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton, uống rượu bia, hút thuốc lá cũng có nguy cơ cao bị nấm thực quản dù khả năng miễn dịch hoàn toàn bình thường.

Ai dễ mắc nấm thực quản và lời khuyên của thầy thuốc - Ảnh 1.

Nấm thực quản là bệnh nhiễm trùng do chủng nấm candida gây ra tại thực quản

2. Cần khám bệnh định kỳ

Nấm thực quản có thể không triệu chứng, phát hiện tình cờ qua nội soi thực quản- dạ dày- tá tràng. Bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt, trào ngược thực quản, có thể phối hợp với nhiễm nấm ở miệng. Kèm theo đó người bệnh có thể chua miệng, đắng miệng, đau, chảy máu khi bệnh nhân dùng tay cạo lưỡi hoặc đánh răng và có biểu hiện mất vị giác.

Nếu không được điều trị, viêm thực quản do nấm có thể có biến chứng loét, dò thực quản, hẹp thực quản… Ngoài ra, nấm có thể tấn công vào nội tạng và toàn thân rất nguy hiểm.

Vì trên thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp được phát hiện bị nấm thực quản là khi đi khám và nội soi dạ dày. Khi dây soi đi vào dạ dày sẽ khảo sát cả vùng miệng sẽ thấy xuất hiện các mảng trắng ở vùng niêm mạc miệng, họng và ở lưỡi.

Do đó, cần chủ động khám tiêu hóa định kỳ nhất là đối với người có nguy cơ cao hoặc khi có những triệu chứng khác thường ở cơ thể cũng là cách để kiểm soát bệnh nấm thực quản.

3. Lời khuyên của thầy thuốc

Khi có dấu hiệu bất thường hay khi cơ thể có biểu hiện bệnh, nên đi khám và xin ý kiến tư vấn của bác sĩ về phương pháp điều trị phù hợp. Tùy thuộc triệu chứng, biểu hiện của bệnh, bác sĩ có thể đưa chỉ định cách thức điều trị nấm thực quản cho người bệnh.

‎Nấm thực quản thường không xuất hiện riêng rẽ mà sẽ kết hợp cùng với một số bệnh lý tiêu hóa khác như viêm dạ dày, Hp dương tính, trào ngược dạ dày,… Do đó, người bệnh sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc kháng virus, kháng nấm, thuốc giảm đau nhằm ngăn chặn sự phát triển của một số loại nấm cũng như chống nhiễm khuẩn. Sau khi bệnh nấm thực quản được kiểm soát, người bệnh sẽ tiếp tục lộ trình điều trị các triệu chứng bệnh lý tiếp theo.

Do nấm là bệnh lý chỉ có cơ hội phát triển khi cơ thể yếu, hệ thống miễn dịch bị suy giảm hoặc sức đề kháng kém. Vì vậy, đối với người đang mang bệnh cần phải có ý thức trong việc sử dụng các loại thuốc, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc sử dụng thuốc quá liều, đặc biệt các loại thuốc làm giảm hệ miễn dịch như corticoid.

Để ngăn ngừa bệnh nấm thực quản cần có lối sống lành mạnh khoa học, không sử dụng rượu bia, chất kích thích, đồ ăn cay nóng; Không hút thuốc lá và giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

Đối với những người có sẵn bệnh lý, suy giảm hệ miễn dịch cần tăng cường hệ miễn dịch, bổ sung chất dinh dưỡng, chế độ ăn uống để tăng cường hệ miễn dịch cũng như sức đề kháng.

Cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc kháng sinh. Chú ý uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, ngoài ra bổ sung các loại đồ uống có chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng như: sữa, nước ép; sửdụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, dễ nuốt như đồ ăn dạng lỏng: cháo, súp, các món hầm, ăn đa dạng các loại thực phẩm, chất đạm, chất xơ, protein…

Tự ý dừng thuốc điều trị, người đàn ông bùng phát bệnh nấm phổiTự ý dừng thuốc điều trị, người đàn ông bùng phát bệnh nấm phổi

SKĐS - Sau 3 tháng dùng thuốc trị bệnh nấm phổi, người đàn ông tự ý dừng thuốc điều trị nên đã gặp một đợt tái phát bệnh nấm phổi khiến ông mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở khi đi lại.

Mời độc giả xem thêm video:

5 loại trái cây gây tăng cân nhanh hơn thịt mỡ


BS. Nguyễn Đức Linh
Ý kiến của bạn