Vậy ai dễ mắc dịch bệnh này và khi đã mắc thì đối tượng nào dễ có nguy cơ tử vong? Một vấn đề nữa cũng được đặt ra là làm thế nào để cách ly và điều trị những trường hợp đã mắc hiệu quả? Xung quanh những nội dung đang được cộng đồng quan tâm này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
PGS.TS. Trần Đắc Phu.
PV: Theo ông, những ai dễ có nguy cơ bị mắc COVID-19?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Trước tiên, tôi xin nhấn mạnh rằng chúng ta chỉ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Theo những hiểu biết ban đầu, hiện nay, nguồn bệnh có thể là động vật mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh COVID-19. Bệnh lây theo đường hô hấp nên có thể lây truyền qua giọt nước bọt qua ho, hắt hơi hoặc lây truyền qua tay chân, vật dụng mà virus bám vào.
Vậy ai là những người có nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm. Trước tiên là những người đi từ vùng dịch trở về, những người tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với những người đi từ vùng dịch về mà nhiễm bệnh như những người cùng chung sống, sinh hoạt với những người nhiễm bệnh, những người đi cùng máy bay, ôtô, tàu..., trong các đám tụ họp, trong bệnh viện mà có người bị nhiễm bệnh, những người làm công tác ở sân bay, cửa khẩu mà phải tiếp xúc với những người nhập cảnh nhiễm bệnh..., những người nhà, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân...
Nói tóm lại, những người có nguy cơ cao là những người tiếp xúc với nguồn bệnh mà không thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách nghiêm ngặt vì bệnh do COVID-19 rất dễ lây.
PV: Vậy người trở về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người trở về từ vùng dịch thì cần phải cách ly như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Những người đi từ vùng dịch trở về phải tuân thủ khai báo y tế, nếu chưa có những dấu hiệu cơ bản của bệnh như sốt/ ho/khó thở... trong 14 ngày thì có thể cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với nhiều người và thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, tuân thủ rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác vì đây là bệnh có cơ chế lây qua đường hô hấp, qua không khí, qua giọt bắn khi hắt hơi.
Vì bệnh này thường ủ bệnh trong thời gian 14 ngày nên người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng sớm hơn hoặc có thể lâu nhất là 14 ngày. Do vậy, trong thời gian cách ly tại nhà, nếu có các dấu hiệu như sốt, ho, khó thở... thì cần ngay lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn cách ly y tế, điều trị kịp thời, tránh lây lan cho cộng đồng.
Tại các cơ sở y tế, khi bệnh nhân đã nghi ngờ mắc bệnh đang chờ kết quả xét nghiệm cũng cần tuân thủ quy trình về cách ly, điều trị và bảo hộ để tránh lây lan cho cộng đồng, đặc biệt lây nhiễm chéo sang nhân viên y tế.
Việc điều trị cho những trường hợp bệnh nhân đã mắc bệnh sẽ tuân theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành và dựa trên từng thể trạng của bệnh nhân.
PV: Ông có thể cho biết những đối tượng nào có nguy cơ tử vong cao nếu mắc COVID-19?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Những người đã mắc bệnh này nhưng có những bệnh nền là những bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh người cao tuổi... thì nguy cơ tử vong sẽ cao hơn.
Tôi khẳng định thêm lần nữa là những người mắc bệnh phải là những người tiếp xúc gần với người trở về từ vùng dịch hoặc hải sản, động vật của vùng dịch. Do đó, để phòng bệnh mỗi người đều phải tuân thủ khuyến cáo cập nhật thường xuyên của Bộ Y tế, trong đó, cần lưu ý yếu tố vệ sinh cá nhân thường xuyên, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho; tránh tiếp xúc gần với động vật nuôi và động vật hoang dã; chỉ sử dụng thực phẩm chín...
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!