Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là bệnh mạn tính, tiến triển. Đường trong máu cao và kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cuộc sống và chất lượng cuộc sống của người bệnh như tổn thương mắt gây ra mù loà, suy thận, nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi.
Đặc biệt đái tháo đường gây biến chứng tim mạch như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho bệnh nhân đái tháo đường.
Theo thống kê của Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF), cứ 24h, trên thế giới lại có 3.600 trường hợp đái tháo mới được chẩn đoán, 580 người bị tử vong, 225 người bị cắt đoạn chi, 120 người bị suy thận giai đoạn cuối và 55 người bị mù do bệnh đái tháo đường gây nên.
Trên thế giới, mỗi năm có 3,2 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến đái tháo đường tương đương với số người tử vong vì bệnh HIV/AIDS. Bệnh đái tháo đường đang là gánh nặng cho kinh tế xã hội, chi phí để điều trị các biến chứng của bệnh tiểu đường đã chiếm 5-10% kinh phí chi cho chăm sóc y tế chung trên toàn thế giới.
Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường cho biết, so với các nước, số người mắc bệnh tiểu đường Việt Nam sẽ tăng nhanh hơn. Ở Việt Nam xuất phát điểm khá thấp, số người mắc tiểu đường khoảng 2% dân số. So với Singapore số người mắc tiểu đường ở người lớn khoảng 14%. Dân số nước ta trẻ nhưng tỷ lệ người ít vận động, uống rượu bia nhiều lại cao, chính vì vậy trong tương lai bệnh nhân bị tiểu đường sẽ tăng lên rất nhiều. Sau 15 năm nữa con số này tăng gấp 2 – 3 lần. So với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ người mắc tiểu đường tăng 170%, nhưng với người Việt Nam tỷ lệ này sẽ là khoảng 300%, thạc sĩ Cường khuyến cáo.
TS.BS. Lê Phong những người có thể mắc bệnh đối với đái tháo đường typ 1: Thường xảy ra trong nhóm gia đình và anh chị em sinh đôi cùng trứng. Anh chị em ruột cùng HLA (Phức hợp tương thích mô chính (Major Histocompatibility Complex, MHC) hay ở người còn được gọi kháng nguyên bạch cầu người (Human Leucocyte Antigen, HLA) là một nhóm gene mã hoá cho các protein trình diện kháng nguyên trên bề mặt tế bào của đa số động vật có xương sống. Những protein này đóng vai trò quan trọng trong tổ chức miễn dịch của cơ thể cũng như những cơ chế giao tiếp giữa các tế bào)
Những người có thể mắc bệnh đái tháo đường typ 2: Những người hay mắc là những người có yếu tố nguy cơ như thừa cân béo phì, béo bụng, tiền sử gia đình có người cùng huyết thống bị đái tháo đường, Tăng HA, rối loạn mỡ máu, ít hoạt động thể lực, và phụ nữ sinh con trên >4kg hoặc ở phụ nữ bị buồng trứng đa nang.
Đái tháo đường typ 1 và đái tháo đường typ 2 hoàn toàn khác nhau về cơ chế bệnh sinh và thái độ điều trị. Đái tháo đường typ 1 là do tổn thương tuyến tụy hoàn toàn do nguyên nhân miễn dịch là chủ yếu, bệnh thường sảy ra ở người trẻ tuổi, tính chất cấp tính, triệu chứng sảy ra rầm rộ hơn, tỷ lệ bệnh thấp và hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh. Khi mắc bệnh chỉ có thể điều trị bằng thuốc insulin thay thế. Đái tháo đường typ 2 thường hay gặp ở người lớn tuổi, tuổi càng cao tỷ lệ mắc càng nhiêu.
Tuy nhiên, ngày nay do lối sống thay đổi bệnh có xu hướng trẻ hóa, bệnh thường biểu hiện âm thầm, đôi khi tình cờ khám sức khỏe phát hiện ra, bệnh có tỷ lệ mắc cao, bệnh đái tháo đường typ 2 có thể phòng được. Cơ chế gây bệnh chủ yếu là do thiếu hụt insulin do suy giảm bài tiết insulin của tế bào bêta tuyến tụy hoặc đề kháng insulin ở ngoại vi. Dù đái tháo đường typ 1 hay đái tháo đường typ 2 nếu không được điều trị kịp thời và theo dõi cẩn thận thì đều nguy hiểm như nhau.