Hà Nội

Ai dễ mắc chứng rối loạn tiền đình?

04-01-2023 15:16 | Y học 360
google news

SKĐS - Rối loạn tiền đình là chứng bệnh đang ngày càng phổ biến và tỉ lệ người mắc có xu hướng gia tăng.

Mức độ bệnh có thể nhẹ hoặc cũng có thể diễn biến khá nặng và nghiêm trọng tùy từng trường hợp. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tuổi trưởng thành thường chiếm tỉ lệ cao hơn. Rối loạn tiền đình đang có xu hướng gia tăng ở đối tượng lao động trí óc.

Tiền đình là một bộ phận nằm ở phía sau ốc tai hai bên, đó là một hệ thống giữ vai trò quan trọng trong sự điều chỉnh thăng bằng tư thế, dáng bộ và các phối hợp khác của cơ thể như cử động mắt, đầu và thân mình. Rối loạn tiền đình là bệnh lý gây ra trạng thái mất cân bằng về tư thế làm cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo... Có hai loại rối loạn tiền đình là rối loạn tiền đình ngoại biên và trung ương.

Rối loạn tiền đình là chứng bệnh đang ngày càng phổ biến và tỉ lệ người mắc có xu hướng gia tăng. Ảnh minh họa

Rối loạn tiền đình là chứng bệnh đang ngày càng phổ biến và tỉ lệ người mắc có xu hướng gia tăng. Ảnh minh họa

Rối loạn tiền đình ngoại biên: Biểu hiện của bệnh như chóng mặt khi thay đổi tư thế, cơn chóng mặt thường thoáng qua, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, chúng xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi. Trường hợp nặng hơn, người bệnh có biểu hiện tình trạng chóng mặt thật nặng và kéo dài, không thể đi đứng được, thậm chí không thể ngồi được mà phải nằm bệt trên giường. Đặc biệt cơn chóng mặt thường kèm theo nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung, choáng váng, hồi hộp…

Rối loạn tiền đình ngoại biên xảy ra thường là do tổn thương tai trong, hoặc dây thần kinh tiền đình xuất phát từ các nguyên nhân như: viêm tai xương chũm mạn tính, do dùng các thuốc có độc tính gây tổn thương tiền đình như thuốc kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosis, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau, uống nhiều rượu...

Rối loạn tiền đình trung ương: Là bệnh lý thường gặp với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. Rối loạn tiền đình trung ương là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do động mạch mang máu đến nuôi não bộ bị thiểu năng bởi tình trạng xơ mỡ động mạch, các trường hợp bị hạ huyết áp tư thế, thoái hóa đốt sống cổ làm chèn ép mạch máu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn tiền đình trung ương.

Những người dễ mắc chứng rối loạn tiền đình

Theo những đánh giá mới đây, giới văn phòng có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình rất cao do làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ít vận động và thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính, phòng lạnh kín nên cột sống vùng cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày sẽ làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi vùng não bộ gây ra chứng rối loạn tiền đình.

Những đối tượng chủ yếu của rối loạn tiền đình là: người càng cao tuổi có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình cao hơn người trẻ. Người quá béo hay người gầy quá đều có thể bị rối loạn tiền đình. Những trường hợp bị thiếu máu như: phụ nữ sau sinh, người bị các chấn thương gây mất máu nặng hoặc trường hợp mắc các bệnh gây thiếu và mất máu…

Huyết áp thấp khiến lượng máu lên não không đủ cũng là một nguyên nhân gây rối loạn tiền đình. Cơ thể bị nhiễm độc hóa chất, hoặc nhiễm độc do sử dụng thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.

Uống rượu quá nhiều cũng là một nguyên nhân gây rối loạn tiền đình. Những trường hợp thường xuyên bị căng thẳng do stress, áp lực công việc lớn, phải ngồi lâu trước máy vi tính…cũng là đối tượng của rối loạn tiền đình.

Cách phòng ngừa rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình là bệnh lý rất hay tái phát, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Vì vậy mọi người cần chủ động phòng tránh, đặc biệt là những trường hợp trong nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh như đã nêu trên.

Để phòng ngừa rối loạn tiền đình, tránh tái phát bệnh, cần tránh ngồi nhiều trong phòng lạnh, hạn chế ngồi lâu trước máy vi tính… Nên thư giãn khi phải ngồi lâu làm việc trong văn phòng bằng các bài tập cho vùng đầu, cổ gáy. Tập đẩy hơi vào 2 tai bằng cách dùng 2 bàn tay áp vào 2 bên tai mỗi ngày 50-100 lần. Uống nước thường xuyên khoảng 2 lít nước một ngày. Năng tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, giúp tăng cường lưu thông máu cho cơ thể đặc biệt là lượng máu đưa lên não. Mọi người cần chủ động giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô dễ bị chóng mặt.

Điều trị rối loạn tiền đình chủ yếu là điều trị nội khoa và hoàn toàn phải do bác sĩ chỉ định về chế độ dùng thuốc cụ thể.

Điều trị rối loạn tiền đình chủ yếu là điều trị nội khoa do bác sĩ chỉ định về chế độ dùng thuốc cụ thể.

Đặc biệt với những người đã từng bị rối loạn tiền đình, không nên quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc nếu thường xuyên bị choáng váng.

Nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt. Người bệnh cần biết, chóng mặt ít khi là triệu chứng của một bệnh lý trầm trọng, nhưng nếu thấy chóng mặt kèm theo một trong các biểu hiện như: nhức đầu đột ngột, sốt từ 38 độ C trở lên, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật, nhìn đôi, mất thị lực, giảm thính giác… thì nên đi khám ngay vì ngoài rối loạn tiền đình, các triệu chứng và dấu hiệu này có thể báo hiệu những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng…

Khi có những biểu hiện như chóng mặt, ù tai, đi đứng không vững, nghi ngờ bệnh lý rối loạn tiền đình, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và xác định chính xác nguyên nhân để từ đó có hướng chữa trị thích hợp, càng sớm càng tốt.

Điều trị rối loạn tiền đình chủ yếu là điều trị nội khoa và hoàn toàn phải do bác sĩ chỉ định về chế độ dùng thuốc cụ thể. Người bệnh không được tự ý điều trị hoặc không tuân thủ y lệnh điều trị của bác sĩ, làm như vậy hiệu quả điều trị bệnh sẽ không cao, bệnh dễ tái phát, nhất là với rối loạn tiền đình ngoại biên.

Xem thêm video được quan tâm

khoảnh khắc bé trai 10 tuổi rơi xuống cọc bê tông


BS. Hồng Hạnh
Ý kiến của bạn