Những người có nguy cơ cao bị huyết khối TM sâu chi dưới và NMP khi đi máy bay là những người đang bị ung thư; bị bệnh tim, phổi mạn tính (suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn...); bệnh nhân có các rối loạn đông máu; béo phì, tiền căn bị viêm tắc, giãn TM chi dưới; người mới bị nằm lâu do phẫu thuật; người phải cố định chi dưới do gãy xương; phụ nữ có thai hoặc trong thời kỳ chu sản; người đang dùng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone thay thế; những người có tuổi từ 40 trở lên, đặc biệt là ở người cao tuổi. Các yếu tố nguy cơ khác gây huyết khối TM sâu chi dưới và NMP là thời gian ngồi trên máy bay lớn hơn 10 tiếng và bay quãng đường từ 5.000km trở lên.
Nhồi máu phổi thường do cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu ở chi dưới di chuyển lên.
Phòng tránh thế nào?
Dựa trên một số nghiên cứu lớn, các bác sĩ đã đưa ra một số khuyến cáo về phòng tránh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và NMP cho hành khách đi máy bay. Các biện pháp bao gồm: đi lại trong khoang máy bay từ 15 đến 30 phút đối với các chuyến bay dài từ 3h trở lên; làm một số động tác tại chỗ như co giãn cơ xương khớp như vận động bàn chân, gấp chân lên ngực, ngả người ra trước, quay cổ...; chỉ nên ngủ tối đa là 30 phút/lần; hạn chế uống rượu, cà phê để tránh nguy cơ mất nước; uống đủ nước trong suốt chuyến bay; nếu có thể, cố gắng đi bộ trong sân bay khi tạm dừng hoặc chuyển máy bay. Đối với những người có các yếu tố nguy cơ cao như trên, nên tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên khoa trước những chuyến bay dài ngày để có thể được tư vấn thêm về các biện pháp dự phòng như băng chun chi dưới, uống các thuốc chống đông, điều trị tốt các bệnh mạn tính đang có để giảm tối thiểu nguy cơ huyết khối TM sâu chi dưới và đột tử do NMP trong quá trình bay.
TS. BS. Vũ Đức Định
Trong một nghiên cứu trên 135 triệu lượt hành khách từ hơn 145 nước đến sân bay Charles de Gaulle (Pháp), có 56 bệnh nhân bị nhồi máu phổi do huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới di chuyển lên. Trong số bệnh nhân đó chủ yếu là những người đã ngồi trên máy bay với khoảng cách lớn hơn 5.000 km…