Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm xoang nhưng nguyên nhân thường gặp là do virus. Thông thường các bệnh nhiễm trùng xoang đều bắt đầu từ những triệu chứng cảm lạnh. Nguyên nhân do virus, làm sung huyết các mô mũi, chặn bít các lỗ thông thường dẫn lưu xoang.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người bị viêm xoang do dị ứng (viêm xoang dị ứng) có xu hướng bị nặng hơn so với bệnh nhân mắc bệnh do yếu tố khác. Do đó, các dị nguyên như phấn hoa, lông vật nuôi, nấm mốc, nước hoa… đều có thể là nguyên nhân gây viêm xoang.
Vi khuẩn cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm xoang. Nếu bị cảm lạnh và không có dấu hiệu thuyên giảm sau 10 – 15 ngày, nguyên nhân có thể do phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae hoặc vi khuẩn Haemophilusenzae. Đây là những vi khuẩn thường khu trú trong các khoang mũi họng, khi cơ thể gặp vấn đề về sức khỏe, phế cầu khuẩn sẽ phát triển và gây bệnh. Cảm lạnh sau một thời gian sẽ biến chứng thành viêm xoang.
Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân gây viêm xoang còn do các nguyên nhân khác như: Polyp, môi trường không khí ô nhiễm góp phần gây kích ứng mũi, gây viêm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bơi/lặn hồ bơi quá lâu hoặc bơi ở nơi nước bẩn cũng dễ bị nhiễm trùng xoang, viêm xoang.
Aspergillus là loại nấm phổ biến gây viêm xoang. Khi hệ thống miễn dịch suy yếu, nấm có cơ hội phát triển, đặc biệt là trong môi trường ẩm như các xoang.
Khói thuốc lá cũng có khả năng kích ứng mũi và gây viêm, dẫn tới nhiễm trùng xoang. Hoặc các bất thường bẩm sinh vùng mũi (như đường dẫn lưu hẹp, khe hở vòm miệng, lệch vách ngăn mũi…) càng thúc đẩy nguy cơ nhiễm trùng xoang.
Biểu hiện viêm xoang
Triệu chứng đặc thù của viêm xoang là đau xoang, cơn đau có khi chỉ thoáng qua. Cơn đau có thể xuất hiện ở trán, hai bên mũi, hàm trên hoặc giữa hai mắt.
Chảy nước mũi là dấu hiệu viêm xoang mũi với chất dịch xuất phát từ xoang bị nhiễm trùng đôi khi có màu xanh, vàng hay trắng đục sẽ chảy vào mũi, gây ra tình trạng sổ mũi. Có khi chất chảy xuống phía sau cổ họng, gây ngứa ngáy hoặc đau họng khiến ho, nhất là lúc nằm ngủ, giọng khàn.
Tình trạng nghẹt mũi xảy ra khi nhiễm trùng gây phù nề vùng xoang và mũi, cản trở đường thở dẫn đến nghẹt mũi, khứu giác kém nhạy cảm hơn.
Viêm xoang dễ gây đau đầu nhất là vào sáng sớm do chất lỏng đã tích tụ, cơn đau đầu nặng hơn khi đi máy bay làm thay đổi áp suất đột ngột. Họng bị kích ứng và gây ho do dịch tiết ra từ xoang rồi chảy xuống sau cổ họng, nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Ngoài những dấu hiệu trên, người bệnh còn gặp các triệu chứng như: sốt, đau tai, đau răng, sưng vùng mặt, hôi miệng, mệt mỏi.
Ai dễ mắc viêm xoang?
Bệnh viêm xoang rơi vào nguy hiểm nếu thời gian bệnh kéo dài và xuất hiện các biến chứng đường hô hấp, viêm hốc mắt, áp xe mắt, viêm túi lệ, viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, nhiễm trùng não, viêm màng não, áp xe não, biến chứng viêm xoang ở tai, mạch máu, xương.
Những người có nguy cơ cao bị viêm xoang là những người có cơ địa bị dị ứng; Người tiếp xúc nhiều với môi trường ô nhiễm như khói thuốc lá, khói bụi…; Người có hệ thống miễn dịch yếu; Người bị hen suyễn; Vách ngăn mũi lệch; Có polyp mũi; Nhiễm trùng răng và nướu…dễ mắc viêm xoang.
Cần làm gì khi bị viêm xoang?
Khi có biểu hiện viêm xoang cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp. Có thể chỉ định dùng thuốc như giảm đau (paracetamol, ibuprofen) giúp giảm các triệu chứng khó chịu do xoang gây ra như đau đầu, áp lực ở má, trán. Nếu các triệu chứng đau đầu, ho, nghẹt mũi… kéo dài vài tuần, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng có thể kéo dài 14 ngày.
Ngoài ra, có thể các bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm cần thiết để xác định liệu viêm xoang có đến từ nguyên nhân dị ứng. Nếu điều trị thuốc không hiệu quả có thể phẫu thuật có thể làm sạch xoang, loại bỏ polyp hoặc điều chỉnh vách ngăn bị lệch... tùy theo nguyên nhân gây bệnh của bệnh nhân.