Người có cơ địa dị ứng, viêm nhiễm các vùng lân cận như: tai, mũi, viêm amidan, viêm họng mạn tính hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm... là các đối tượng dễ bị viêm xoang tấn công nhất.
Coi chừng viêm xoang
Khi nói đến đối tượng dễ viêm xoang, đầu tiên phải kể đến những người có cơ địa dị ứng. Kế đến là nhóm người bị viêm nhiễm các vùng lân cận như: viêm tai, viêm mũi, thường xuyên nghẹt tắc mũi, viêm amidan, viêm họng mãn tính, viêm VA quá phát.
Thứ hai là những người có dị hình cấu trúc giải phẫu như: vách ngăn mũi dày, vẹo, lệch hoặc mào vách ngăn; người nghiện thuốc lá, mắc bệnh đường hô hấp, bệnh toàn thân, suy giảm hệ thống miễn dịch…; người thường xuyên làm việc trong môi trường khói, bụi, nấm mốc, hóa chất… cũng là các đối tượng rất dễ bị viêm xoang.
Ngoài ra, theo các bác sĩ, còn một nhóm đối tượng khác cũng rất dễ mắc bệnh viêm xoang như: phụ nữ khi mang thai bị nghẹt mũi do hiện tượng ứ huyết sinh lý, người làm công việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều trẻ em, người đang bị viêm nhiễm (nấm, khuẩn siêu vi, dị ứng), người rối loạn di truyền (xơ nang, khối u)… Viêm xoang thường sẽ tiến triển sau một đợt bị cảm cúm hoặc viêm mũi dị ứng nặng và kéo dài.
Nhận biết chứng viêm xoang theo mùa
Viêm xoang theo mùa là một thể bệnh của viêm xoang mũi dị ứng. Những bệnh nhân thuộc thể bệnh này thường lo lắng khi chuyển mùa, thường là từ mùa đông sang mùa xuân.
Bệnh viêm mũi xoang theo mùa thường gặp ở người trẻ, độ tuổi bắt đầu tham gia lao động nên ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động. Nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân của bệnh có thể xác định do yếu tố gia đình và di truyền ở 60% số bệnh nhân, nguyên nhân khác liên quan đến một số loại phấn hoa, ví dụ như hoa sữa.
Bệnh nhân viêm xoang theo mùa có biểu hiện ngứa mũi, dụi mũi thường xuyên, sau đó hắt hơi từng tràng mỗi khi thời tiết thay đổi. Ngoài ra, bệnh nhân thường chảy nước mũi trong, đồng thời nghẹt tắc mũi, cảm giác đầu nặng trịch do thiếu oxy. Một số trường hợp bị đau nhức vùng mặt, trán, chẩm tùy theo vị trí của xoang viêm.
Đau đầu trong viêm xoang có thể xuất hiện vào những giờ nhất định. Người viêm xoang trán thường đau đầu lúc 10 giờ đến 12 giờ, người viêm xoang sàng và xoang bướm lại đau vào tối... Bệnh có thể diễn biến kéo dài từ 7 ngày - 1 tháng hoặc lâu đến khi thời tiết của mùa đó ổn định.
Tình trạng trên liên tục biểu hiện trong nhiều năm. Lâu dần, bệnh gây ra hiện tượng thoái hóa niêm mạc mũi, tạo thành các polype mũi. Lúc này, người bệnh sẽ nghẹt tắc mũi thường xuyên, tăng dần tới khi nghẹt tắc mũi hoàn toàn, thuốc co mạch không còn tác dụng và dấu hiệu mất ngủ xuất hiện.
Phân biệt viêm mũi dị ứng và viêm xoang
Viêm mũi dị ứng đôi khi dễ nhầm với bệnh viêm xoang. Viêm mũi dị ứng chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ (dị nguyên) đối với cơ thể, ví dụ như: bụi, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm (nấm mốc)… Hiện tượng phản ứng dị ứng này xảy ra ngay ở lớp nhầy niêm mạc của hệ thống đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang… gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc.
Viêm mũi dị ứng có liên quan đến các cơ địa dị ứng. Thông thường người bị viêm mũi dị ứng gặp ở người có cơ địa dị ứng nhiều hơn như viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, tổ đỉa… Hầu hết người bị viêm mũi dị ứng có nhiều triệu chứng: ngứa mũi, chảy mũi nước, đặc biệt là hắt hơi hàng tràng liền. Nếu đã thành mạn tính thì có thể nghẹt mũi gần như thường xuyên, ù tai, nhức đầu (dễ nhầm với viêm xoang). Một số trường hợp viêm mũi mạn tính kéo dài có thể có hiện tượng loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi. Người ta phân viêm mũi dị ứng thành 2 loại chính là viêm mũi dị ứng theo mùa và viêm mũi dị ứng có quanh năm.
Tuy nhiên, viêm mũi dị ứng có liên quan đến viêm mũi xoang là khi viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời thì nó cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm xoang dị ứng, polype mũi, polype xoang.
Hiểu được những vấn đề trên sẽ giúp người bệnh có ý thức tầm soát, điều trị bệnh viêm mũi xoang và hạn chế các nguy cơ gây đến bệnh.
BS. Phước Huy