Ai dễ bị suy tim?

05-01-2024 10:08 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Suy tim là một hội chứng bệnh lý thường gặp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Suy tim có thể xảy ra do tổn thương ở tim hoặc do một số bệnh lý, việc điều trị sớm giúp hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.

Suy tim thường xảy ra sau một cơn nhồi máu cơ tim hoặc xuất phát từ bệnh động mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim... Suy tim có thể xảy ra cấp tính hoặc mạn tính, ảnh hưởng đến tim phải hay tim trái, hoặc suy tim toàn bộ. Phần lớn các trường hợp suy tim là mạn tính. Suy tim gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ có khả năng tử vong do suy tim cao hơn.

Theo Hội Tim mạch New York (NYHA), phân độ suy tim theo chức năng như sau:

Suy tim độ I: Hoạt động thể lực gần như bình thường.

Suy tim độ II: Hoạt động gắng sức gây mệt mỏi, khó thở, đánh trống ngực hoặc đau ngực. Bị giảm nhẹ các hoạt động về thể lực.

Suy tim độ III: Thoải mái khi nghỉ ngơi; hoạt động thể lực gắng sức rất ít cũng gây mệt mỏi, khó thở, đánh trống ngực hoặc đau ngực.

Suy tim độ IV: Các triệu chứng của suy tim xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi; bất kỳ hoạt động thể lực nào cũng làm tăng cảm giác khó chịu.

Ai dễ bị suy tim?- Ảnh 1.

Suy tim có thể xảy ra cấp tính hoặc mạn tính, ảnh hưởng đến tim phải hay tim trái, hoặc suy tim toàn bộ.

Nguyên nhân gây suy tim

Bất kỳ tình trạng nào sau đây đều có thể làm tổn thương hoặc suy yếu cơ tim gây suy tim:

Đối với nguyên nhân tại tim, bao gồm: Bệnh nhân có bệnh lý mạch vành (bệnh nhồi máu cơ tim hay bệnh mạch vành) chính vì những trường hợp nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim cục bộ mãn tính kéo dài nó làm cho tổn thương cơ tim, dẫn đến sức bóp của cơ tim bị giảm lâu ngày dẫn đến suy tim.

Tăng huyết áp là nguyên nhân làm tăng bệnh suy tim khá phổ biến trong cộng đồng.

‎‎‎‎‎‎‎‎‎‎‎‎‎‎‎‎Nguyên nhân thứ ba đó là bệnh lý về van tim, chẳng hạn như bệnh nhân bị hẹp, hở van tim, hoặc bệnh lý tim bẩm sinh thông liên thất, thông liên nhĩ điều dẫn đến suy tim.

Nguyên nhân thứ 4 là rối loạn nhịp tim hoặc bệnh lý cơ tim như bệnh lý cơ tim giãn.

Nguyên nhân ngoài tim: bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn, hen phế quản, đái tháo đường, cường giáp, bệnh nhân bị ung thư do sử dụng thuốc.

Ai dễ bị suy tim?- Ảnh 2.

Những người bị các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp... dễ mắc suy tim.

Suy tim có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm thì còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, thể trạng bệnh nhân… Khi suy tim ở giai đoạn cuối, các bệnh nhân phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm. Khó thở, phù, mệt mỏi là những triệu chứng khiến bệnh nhân suy tim phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên người bệnh còn phải đối mặt với hàng loạt những biến chứng nguy hiểm khác như:

  • ‎Nhồi máu cơ tim, đột quỵ: Do hình thành các cục máu đông gây tắc các động mạch.
  • Rối loạn nhịp tim khiến bệnh nhân đột tử: Do nhịp tim quá nhanh, rung thất… có thể dẫn tới nguy cơ đột tử.
  • Tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp: Bệnh gây ứ dịch ở phổi gây ra các cơn ho khan, tức ngực, khó thở…
  • Hỏng van tim: Tim luôn phải gắng sức khiến các dây chằng và van tim dễ bị giãn hỏng.
  • Thiếu máu: Các chức năng cơ thể bị suy giảm, nhất là thận khiến cơ thể bị thiếu máu.
  • Tổn thương thận, gan: Suy tim khiến chức năng thận bị suy giảm. Ngoài ra, suy tim lâu ngày dễ dẫn đến xơ gan, suy gan.

Ai dễ bị suy tim?

Ghi nhận cho thấy những người bị các bệnh mạn tính: tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim bẩm sinh, các bệnh van tim không được kiểm soát; bệnh phổi tắc nghẽn... dễ mắc suy tim.

Ngoài ra các đối tượng người cao tuổi, nam giới hút thuốc lá, ăn mặn và béo phì, lười vận động cũng rất dễ bị bệnh suy tim.

Người bệnh suy tim cần làm gì để giảm tình trạng bệnh nặng hơn?

Đối với người mắc bệnh suy tim thì việc thay đổi lối sống, ăn uống khoa học phù hợp để giảm tình trạng nặng thêm là vô cùng quan trọng. Với mục đích điều trị suy tim là làm sao để giúp phục hồi chức năng tim, để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tăng khả năng gắng sức cho bệnh nhân giúp bệnh nhân hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

‎Ngoài các biện pháp dùng thuốc thì các phương pháp điều trị như: tập thể dục phù hợp, giảm stress, chế độ ăn phù hợp, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

‎Về chế độ ăn của bệnh nhân suy tim thì ăn những thức giàu chất xơ, vitamin, tránh ăn quá no vì sẽ gây ra tình trạng gắng sức cho bệnh nhân, hoặc bệnh nhân hạn chế dầu mỡ, hạn chế ăn muối (3g,4g /ngày).

‎Điều chỉnh lối sống không hút thuốc ra, không dùng rượu bia. Ngoài ra dùng biện pháp tâm lý, phải luôn suy nghĩ tích cực, đồng thời gia đình bệnh nhân luôn động viên người bệnh là điều quan trọng.

Trên thực tế, nhiều người quan niệm suy tim không được tập thể dục, tuy nhiên, hiện nay đối với bệnh nhân suy tim mà có vận động phù hợp theo từng giai đoạn, tình trạng của bệnh nhân sẽ giúp góp phần phục hồi chức năng tim.

‎Để có trái tim khỏe mạnh và phòng ngừa suy tim cần điều trị sớm các nguyên nhân gây suy tim. Cần thực hiện lối sống lành mạnh làm việc kết hợp nghỉ ngơi, tránh stress, vận động thể dục 30 phút mỗi ngày, ăn uống thì đơn giản tránh dùng dầu mỡ, không sử dụng rượu bia thuốc lá... Quan trọng mỗi năm nên tầm soát sức khỏe 6 tháng hoặc một năm 1 lần để chủ động bảo vệ sức khỏe của mình trước khi mắc bệnh. Khi có triệu chứng, điển hình là khó thở khi gắng sức nên đến ngay cơ sở y tế để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Căng thẳng tăng nguy cơ mắc bệnh tim, cách nào để giảm?Căng thẳng tăng nguy cơ mắc bệnh tim, cách nào để giảm?

SKĐS - Căng thẳng kéo dài có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Trên thực tế đã có những trường hợp bị đột quỵ khi gặp phải những cú sốc tâm lý quá lớn. Không những vậy, căng thẳng, stress cũng là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.



BSCK1 Đỗ Kiều Anh
Ý kiến của bạn