Ai dễ bị suy giáp?

12-10-2015 10:26 | Y học 360
google news

SKĐS - Núi đôi của phụ nữ là một cơ quan nhạy cảm. Hàng tháng nơi này có những thay đổi khiến bạn không thể không quan tâm, có lúc bạn thấy ngực cương...

Suy giáp là một tình trạng trong đó tuyến giáp không sản xuất đủ một số hormon quan trọng. Phụ nữ, đặc biệt là những người luống tuổi có nhiều khả năng bị suy giáp. Suy giáp làm rối loạn sự cân bằng bình thường của phản ứng hóa học trong cơ thể. Nó ít khi gây ra các triệu chứng ở giai đoạn đầu, nhưng theo thời gian, suy giáp không được điều trị có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

Vì sao suy giáp?

Tuyến giáp là một tuyến có hình con bướm nhỏ nằm ở đáy mặt trước của cổ, ngay dưới quả táo Adam. Tuyến giáp tạo ra hai hormon chính, thyroxin (T-4) và triiodothyronin (T-3). Duy trì tốc độ sử dụng các chất béo và carbohydrat, giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể, ảnh hưởng đến nhịp tim và giúp điều chỉnh sản xuất các protein. Tuyến giáp cũng sản xuất calcitonin, một hormon điều chỉnh lượng canxi trong máu. Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormon, cân bằng các phản ứng hóa học trong cơ thể có thể bị phá vỡ.

Ai dễ bị suy giáp?

Khám định kỳ để phát hiện sớm suy giáp. Ảnh: Trần Minh

Mặc dù ai cũng có thể bị suy giáp, nhưng nguy cơ gia tăng nếu: phụ nữ trên 50 tuổi; có bệnh tự miễn hoặc có thân nhân (chẳng hạn như cha mẹ hoặc ông bà bị bệnh tự miễn); đã được điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc các thuốc kháng tuyến giáp hay đã phẫu thuật tuyến giáp...

Nhận biết sớm cách nào?

Biểu hiện ban đầu của suy giáp thường không rõ, chỉ có thể nhận thấy các triệu chứng như mệt mỏi và chậm chạp. Sau đó có thể phát triển các dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng hơn như: mệt mỏi, tăng nhạy cảm với lạnh, táo bón, khô da, khuôn mặt sưng húp, khàn giọng, xét nghiệm cholesterol trong máu tăng cao, tăng cân không rõ nguyên nhân. Cơ bắp yếu, đau, tê cứng hoặc sưng các khớp xương, giòn móng tay và tóc, trầm cảm. Khi suy giáp không được điều trị, các dấu hiệu và triệu chứng dần dần có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Liên tục kích thích tuyến giáp tăng tiết kích thích tố có thể dẫn tới bướu cổ. Ngoài ra, có thể trở nên đãng trí hoặc có thể cảm thấy chán nản. Suy giáp nặng có thể đe dọa tính mạng. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm hạ huyết áp, khó thở, giảm nhiệt độ cơ thể, thậm chí hôn mê. Trong trường hợp cực đoan, suy giáp nặng có thể gây tử vong.

Biến chứng nào nguy hiểm nhất?

Nếu không điều trị, suy giáp có thể dẫn đến một số biến chứng sau:

Bướu cổ: Khi bị suy giáp sẽ liên tục kích thích tuyến giáp tăng tiết kích thích tố dẫn đến tuyến giáp to ra gây bướu cổ. Viêm tuyến giáp Hashimoto là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh bướu cổ. Mặc dù thường không khó chịu, nhưng bướu cổ to có thể ảnh hưởng đến hoạt động nuốt và thở.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Suy giáp có thể làm tăng mức cholesterol toàn phần và làm giảm khả năng bơm máu của tim. Suy giáp cũng có thể dẫn đến tim giãn và suy tim.

Trầm cảm: Bệnh trầm cảm có thể xảy ra sớm trong suy giáp và có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Thần kinh ngoại biên: Không kiểm soát được suy giáp lâu dài có thể gây ảnh hưởng cho dây thần kinh ngoại vi. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại vi có thể bao gồm đau, tê và ngứa ran trong khu vực bị ảnh hưởng bởi những tổn thương thần kinh. Nó cũng có thể gây ra yếu cơ hoặc mất kiểm soát cơ bắp.

Phù niêm: Tuy hiếm, nhưng tình trạng này có thể đe dọa tính mạng. Dấu hiệu và triệu chứng của nó bao gồm không chịu được lạnh, buồn ngủ, thậm chí bất tỉnh và hôn mê. Nếu có dấu hiệu hoặc triệu chứng của phù niêm, cần được điều trị cấp cứu ngay.

Vô sinh: Mức hormon tuyến giáp thấp có thể cản trở sự rụng trứng, làm suy yếu khả năng sinh sản. Ngoài ra, một số trong những nguyên nhân của suy giáp (chẳng hạn như rối loạn tự miễn dịch) cũng làm giảm khả năng sinh sản.

Ai dễ bị suy giáp?

Hình ảnh giải phẫu tuyến giáp.

Phòng bệnh thế nào?

Điều trị suy giáp là điều trị nội khoa bằng thuốc hormon tuyến giáp tổng hợp levothyroxin (levothroid, synthroid...) uống hằng ngày. Thường sau điều trị 1-2 tuần sẽ nhận thấy mệt mỏi ít dần, giảm mức cholesterol trong máu và giảm tăng cân. Tuy nhiên, cần theo dõi và dùng thuốc suốt đời nên bệnh nhân phải khám và xét nghiệm TSH mỗi năm.

Vì suy giáp phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi và phụ nữ mang thai, do vậy các chuyên gia khuyên những người có nguy cơ cần được sàng lọc rối loạn hormon giáp trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm hoặc trước khi mang thai và trong khi mang thai để phòng ngừa suy giáp bẩm sinh ở thai nhi. Hoặc có thể xét nghiệm hormon tuyến giáp nếu cảm thấy ngày càng mệt mỏi hoặc chậm chạp, có da khô, táo bón và giọng nói khàn hoặc đã có vấn đề tuyến giáp hoặc bướu cổ trước đây.

Ngay khi phát hiện bệnh, bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu iốt, đặc biệt là các loại hải sản và các loại rau xanh đậm. Muối iốt sẽ giúp cải thiện quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng như ổn định hoạt động của tuyến giáp. Bạn có thể lựa chọn các loại rong biển, hải tảo, tảo bẹ... làm thực đơn hàng ngày cho bữa ăn. Đặc biệt là phụ nữ thời kỳ sinh đẻ càng nên chú ý bổ sung iốt, để phòng ngừa việc trẻ sinh ra bị suy giáp bẩm sinh và nguy cơ bị đần độn do cơ thể người mẹ thiếu iốt. Như vậy có thể thấy iốt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi chúng ta nói chung và bệnh nhân suy giáp nói riêng.

BS. Nguyễn Kiên Cường

 


Ý kiến của bạn