Ai dễ bị rắn độc cắn?

27-07-2015 16:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Mọi người dân thường bị rắn cắn khi làm ruộng, đi đường hoặc đi vào rừng. Nhiều trường hợp bị rắn cắn vào tay khi đánh bắt cá; thò tay vào để bắt cua, bắt ếch; dỡ đống gạch

Hiện nay do môi trường sống có nhiều thay đổi, nhất là tình trạng mưa lũ làm cho mặt đất ngập nước, rắn độc phải ra khỏi hang, bơi theo nước đi khắp nơi tìm chỗ trú ẩn mới. Rắn độc có thể len lỏi trong khu dân cư, gây ra nguy hiểm cho người dân.

Mọi người dân thường bị rắn cắn khi làm ruộng, đi đường hoặc đi vào rừng. Nhiều trường hợp bị rắn cắn vào tay khi đánh bắt cá; thò tay vào để bắt cua, bắt ếch; dỡ đống gạch, dọn đống củi, kiểm tra chuồng gà ban đêm, ngủ trên nền nhà ban đêm…Trẻ em và thanh thiếu niên thường chêu chọc rắn đang nuôi trong chuồng, đánh rắn không đúng cách bị rắn cắn…Trẻ em nông thôn đi tắm ở ao, hồ, sông, suối… dễ gặp rắn ở cỏ, bèo, cành cây tấn công…

BS.Phạm Văn Thân

 

Cấp cứu người bị rắn độc cắn

Khi gặp người bị rắn độc cắn, người cấp cứu cần động viện bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng. Không để bệnh nhân tự đi lại nếu vết cắn ở chân, vì vận động vùng bị rắn cắn sẽ làm nọc độc ngấm vào cơ thể nhanh hơn. Tháo các đồ trang sức như nhẫn, vòng ở chi bị rắn cắn. Dùng nẹp bất động chân, tay bị cắn. Giữ vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim so với mặt đất. Nếu biết chắc là rắn hổ cắn có thể gây liệt thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động. Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế bằng phương tiện cơ giới. Nếu có điều kiện thì gọi điện đến bệnh viện báo trước để được bác sĩ tư vấn cách cấp cứu bệnh nhân. Đối với vết cắn ở đầu, mặt, cổ cần khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay, vì để lâu nọc độc dễ tác hại đến não  gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân khó thở cần hô hấp nhân tạo: hà hơi thổi ngạt.

Những việc người cấp cứu không nên làm là: không mất thời gian đi tìm thầy lang, lá thuốc; không để bệnh nhân phải đợi ở nhà vì đến muộn sẽ mất cơ hội cứu chữa tại bệnh viện; không chích rạch vết cắn nếu rắn lục cắn vì có thể gây chảy máu khó cầm ở vết rạch; không làm các biện pháp như: chườm đá, nặn máu vết cắn…bệnh nhân không nên tự đi thẳng lên các bệnh viện tuyến trên vì đường xa, có thể bị nguy hiểm trên đường đi mà không được cứu chữa.

Cách băng ép bất động chân tay khi bị rắn cắn: dùng băng rộng khoảng 5-10 cm, dài vài mét, có thể là băng chun, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Nên tháo đồ trang sức ở chi bị cắn vì dễ gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. Không cố cởi quần áo vì dễ làm vùng bị cắn cử động, có thể băng đè lên quần áo. Băng từ ngọn chi về gốc chi, quấn băng tương đối chặt nhưng không quá chặt, vẫn còn sờ thấy mạch đập, đủ để luồn một ngón tay qua giữa các nếp băng. Dùng nẹp cố định chi vừa băng.

Nếu vết cắn ở ngón, bàn, cẳng tay: cũng băng ép từ ngón tay về phía nách. Vết cắn ở thân mình: băng ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động thành ngực. Không băng ép khi biết rõ hay nghi là rắn lục cắn, kể cả rắn lục đuôi đỏ.

Trong quá trình vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện, nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim.  Nếu vết cắn ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

Trong sinh hoạt và lao động mọi người, nhất là trẻ em, nên chú ý phòng ngừa rắn độc cắn.

Những điều nên làm : khi tình cờ gặp rắn, nên chủ động tránh, không nên làm những cử động đe dọa rắn. Khi đi lại ban đêm nên đi ủng hoặc giầy cao cổ để phòng khi giẫm phải rắn bị rắn cắn. Đi đêm nên có cây gậy khua rắn rồi mới bước tới, phải có đuốc hoặc đèn pin soi đường. Mặc quần áo vải dày, đội mũ nón rộng vành khi phải đi vào rừng, làm nương rẫy.

Những việc không nên làm: khi đi lại hay làm việc ở trong rừng không nên bước hoặc cho tay vào những nơi mà mắt chưa quan sát được. Không nên ngồi cạnh gốc cây, gò đất, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối.  Không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây đổ bằng tay trần, mà nên dùng gậy hay chân có đeo giầy. Cẩn thận khi kiểm tra chuồng gà, ổ gà vào ban đêm. Không dùng tay bẻ cành cây, lấy củi trong đêm. Không đi chân đất vào rừng, vào nương, rẫy, nhất là ban đêm. Không trêu chọc rắn độc. Không bao giờ sờ vào miệng rắn, ngay cả khi con rắn đã chết, đã chặt đầu hoặc giả vờ chết. Không nên ngủ dưới đất vì rắn hay bò vào những chỗ ấm…Không nên nằm lên trên đống rơm đống rạ vì rắn thường hay ẩn nấp bên trong rơm rạ…

 

Xem bài sau: Biểu hiện khi bị rắn độc cắn

Vào ngày 29/7/2015

 

 


Ý kiến của bạn