Ai dễ bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii?

02-06-2014 06:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Ước tính có tới 1/3 dân số thế giới đã từng ít nhất một lần phơi nhiễm với Toxoplasma gondii và trong số đó

Ước tính có tới 1/3 dân số thế giới đã từng ít nhất một lần phơi nhiễm với Toxoplasma gondii và trong số đó, tỷ lệ nhiễm loại ký sinh trùng này ở phụ nữ có thai chiếm tới 15%. Điều gì sẽ xảy ra khi bị nhiễm loại ký sinh trùng này?

Toxoplasma gondii là gì?

Toxoplasma gondii (T. gondii) là loại động vật nguyên sinh thuộc họ Toxoplasma sống ký sinh chủ yếu ở các loài động vật máu nóng (chim, động vật có vú), trong đó mèo là ký chủ chính. Khi xâm nhập cơ thể con người (chủ yếu qua đường tiêu hóa), người bị nhiễm T.gondii khi ăn phải những loại thức ăn như thịt chó, mèo còn sống hoặc nấu chưa chín kỹ, T. gondii có thể gây bệnh ở hầu hết các cơ quan nhưng chủ yếu nhất vẫn là ở não và hệ cơ, bao gồm cả cơ tim.

Chu trình phát triển của T. gondii có hai giai đoạn chính: Giai đoạn sinh sản (hữu tính) chỉ xảy ra trong giai đoạn loài ký sinh trùng (KST) này đang sống trong cơ thể mèo hoặc những cá thể thuộc họ mèo (nên mèo được gọi là vật chủ chính) và giai đoạn vô tính (không sinh sản) có thể xảy ra ở mèo hoặc tất cả những loài động vật máu nóng khác (bao gồm cả con người). Vì thế, con người được gọi là vật chủ trung gian, chứa các thoa trùng là những “bản sao” của T. gondii khi chúng nhân lên.

Biểu hiện bệnh T. gondii

Sau khi xâm nhập cơ thể 1 - 2 tuần, biểu hiện của nhiễm T. gondii có thể xuất hiện bằng những triệu chứng giống cúm như mệt mỏi, đau mình mẩy, đau đầu, sốt nhẹ. Giai đoạn này nhanh chóng qua đi và bệnh sẽ tiến triển theo hai chiều hướng: bệnh không thể tiến triển thêm ở người khỏe mạnh, KST không có cơ hội nhân lên và gây bệnh và biểu hiện bệnh rõ tại các cơ quan như não, mắt, cơ, tim... ở các đối tượng như người già yếu, trẻ em và nhất là ở những người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.

Phụ nữ có thai bị nhiễm T. gondii có nguy cơ lây cho con khoảng 15% đối với 3 tháng đầu, 30% đối với 3 tháng giữa và 60% đối với 3 tháng cuối của thời kỳ có thai.

Thai phụ bị nhiễm T. gondii sẽ bị nhiều nguy cơ như sẩy thai, sinh non, thai chết lưu hoặc trẻ bị các bệnh về mắt, động kinh, não úng thủy, chậm phát triển về trí tuệ hoặc thể chất sau khi sinh ra.

Những ai có thể bị bệnh do T.gondii?

Mặc dù số lượng người bị phơi nhiễm với T. gondii là rất lớn nhưng trên thực tế, T. gondii rất khó gây bệnh ở người khỏe mạnh. T. gondii chỉ có thể phát triển và gây tổn thương các cơ quan (trong đó có não bộ) ở những đối tượng như người đang bị suy giảm miễn dịch mắc phải: người bị HIV/AIDS, người đang dùng hóa trị liệu pháp làm suy giảm hệ miễn dịch, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch (corticoid, azathioprin...), người suy kiệt nặng, phụ nữ có thai và những đối tượng bị các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh (bệnh lý của cơ quan miễn dịch).

Điều trị thế nào?

Điều trị tổn thương não do T. gondii bao gồm điều trị triệu chứng như cho các thuốc giảm đau đầu (paracetamol, diclofenac...); chống co giật bằng các thuốc an thần (diazepam, lorazepam...); chống phù não bằng corticoides và điều trị bằng thuốc đặc hiệu diệt KST T. gondii: pyrimethamin, clindamycin... kết hợp với điều trị bệnh lý là nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch (như HIV). Trường hợp người mẹ bị nhiễm T. gondii mà thai nhi chưa bị, spiramycin là lựa chọn hàng đầu. Nếu cả mẹ và thai nhi cùng bị nhiễm nặng, cân nhắc dùng pyrimethamin và sulfadiazin vì cả hai loại thuốc này đều có tác dụng phụ không tốt đến mẹ và con.

Phòng bệnh vẫn là cách tốt nhất

Dự phòng nhiễm T. gondii bằng các biện pháp như không ăn thịt chưa nấu chín kỹ hoặc thịt sống, tiết canh; vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với chó, mèo hoặc các chất tiết của chúng. Đối với những người nuôi thú cảnh, nên cho chó, mèo đến khám thường xuyên tại các trung tâm thú y. Có biện pháp dự phòng nghiêm ngặt và kiểm tra thường xuyên đối với những người có nguy cơ cao bị mắc T. gondii.

TS.BS. Vũ Đức Định (Bệnh viện E Trung ương)

 


Ý kiến của bạn