Hà Nội

Ai dễ bị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi?

06-03-2020 15:04 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi có thể gặp ở bất cứ ai, nhưng một số người có yếu tố nguy cơ cao hơn, dễ mắc bệnh hơn.Tìm hiểu nguyên nhân gây ra hoại tử vô mạch chỏm xương đùi để phòng tránh và tìm đến bác sĩ chuyên khoa kịp thời là điều mọi người nên làm.

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là tình trạng cấu trúc xương của chỏm xương đùi bị chết do thiếu máu nuôi dưỡng, làm cho cấu trúc xương bị gãy (gãy xương vi thể) và dẫn đến xẹp chỏm xương đùi.

Gãy xương khớp háng, trật khớp háng là những nguyên nhân thường gặp gây nên hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.Ngoài ra bệnh còn thường gặp ở những người nghiện rượu hoặc sử dụng thuốc cortisol liều cao trong thời gian dài.

Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ ai nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi 30-50 tuổi.

Vì sao hoại tử vô mạch chỏm xương đùi?

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi xảy ra khi nguồn cấp máu cho chỏm xương đùi bị tắc hoặc giảm. Các nguyên nhân thường gặp gồm:

Gãy xương khớp háng (gãy cổ xương đùi, gãy chỏm xương đùi, gãy ổ cối).

Trật khớp háng.

Tắc mạch nuôi dưỡng cổ chỏm xương đùi ở những người rối loạn mỡ máu.

Một số tình trạng bệnh lý như: bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh Gaucher...

Điều trị xạ trị vùng khớp háng.

Tuy nhiên khoảng 25% các trường hợp hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là không biết nguyên nhân.

Ai dễ bị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi?Hình ảnh hoại tử vô mạch chỏm xương đùi trên phim.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ có thể làm phát triển tình trạng hoại tử vô mạch chỏm xương đùi bao gồm:

Chấn thương vùng khớp háng.

Dùng cortisol liều cao kéo dài.

Nghiện rượu.

Một số thuốc điều trị bệnh: điều trị xạ trị trong bệnh ung thư, điều trị chống thải ghép trong ghép tạng (gan, thận...)

Một số bệnh lý có nguy cơ như: viêm tụy, đái tháo đường, bệnh lupus ban đỏ, HIV/ AIDS.

Những triệu chứng và dấu hiệu

Rất nhiều người ở giai đoạn sớm của bệnh không có triệu chứng, khi tình trạng hoại tử vô mạch chỏm xương đùi tệ hơn, người bệnh thường có biểu hiện đau vùng khớp háng.Ở giai đoạn đầu, đau xuất hiện khi đi lại, khi tỳ đè chân bị bệnh.Đến giai đoạn nặng hơn, người bệnh đau cả khi nằm.Đau thường tiến triển từng đợt.

Đến giai đoạn muộn người bệnh thường có biểu hiện hạn chế vận động khớp háng và biến dạng chi thể nặng nề mà điển hình là ngắn chân.

Nhiều trường hợp người bệnh bị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi cả 2 bên.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có biểu hiện đau dai dẳng ở vùng khớp háng, đặc biệt triệu chứng đau có tính chất như mô tả ở trên bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được tư vấn phù hợp.

Người thầy thuốc sẽ dựa vào thăm khám người bệnh và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh (Xquang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ và xạ hình xương) để chẩn đoán xác định bệnh và chẩn đoán giai đoạn bệnh.

Điều trị

Trong giai đoạn sớm của hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, điều trị bệnh bao gồm dùng thuốc kết hợp với tập phục hồi chức năng, bao gồm: Sử dụng thuốc chống viêm Non-SAIDs, thuốc chống loãng xương, thuốc điều trị mỡ máu, thuốc chống đông máu để tránh tắc mạch. Kết hợp với nghỉ ngơi, tập thể lực, kích thích điện.

Điều trị phẫu thuật được đặt ra cho những trường hợp hoại tử vô mạch chỏm xương đùi ở giai đoạn muộn. Các biện pháp điều trị bao gồm:

Khoan giảm áp.

Ghép xương.

Đục xương sửa trục.

Thay khớp háng.

Điều trị tái tạo: tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hoặc tế bào gốc sau khi khoan giảm áp...

Cách phòng tránh

Hạn chế các yếu tố nguy cơ gây nên hoại tử vô mạch chỏm xương đùi và giữ cơ thể khỏe mạnh bằng cách:

Hạn chế uống rượu.

Không hút thuốc lá.

Duy trì chế độ ăn hợp lý để không bị tăng mỡ máu, đường máu.

Dùng thuốc cortisol đúng chỉ định và được theo dõi đầy đủ bởi bác sĩ chuyên khoa.


TS. BS. Đỗ Văn Minh (Khoa Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao - BV Đại học Y Hà Nội)
Ý kiến của bạn