Bệnh hoại tử chỏm xương đùi là một gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội. Với người già, nguyên nhân thường gặp là gãy cổ xương đùi. Với người trẻ, thường là phái nam uống bia rượu, hút thuốc lá. Với phụ nữ, thường gặp ở tuổi trung niên đau khớp nhiều năm sử dụng dexa (corticoid) có trong tân dược hay thuốc tễ nguồn gốc không rõ ràng.
Cần phát hiện sớm
Bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi hay còn gọi là hoại tử vô mạch làm cho chỏm xương đùi bị hoại tử do thiếu máu nuôi. Vùng hoại tử lúc đầu chỉ thấy là vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, dần dần sẽ dẫn đến gãy xương dưới sụn và giai đoạn cuối cùng là gây xẹp chỏm xương đùi, dẫn đến hậu quả người bệnh không còn chức năng bình thường của khớp háng mà trở nên tàn phế.
Đây là căn bệnh diễn biến âm thầm, từ từ cho đến khi chúng ta bắt đầu cảm nhận được cảm giác đau ở khớp háng bị tổn thương thì đồng nghĩa bệnh đã tiến triển đến giai đoạn trung bình trở lên. Một số trường hợp người bệnh không có triệu chứng đầu tiên đau tại khớp háng mà trong giai đoạn sớm người bệnh có cảm giác đau khớp gối cùng bên khớp háng bị tổn thương, chính vì thế một số người bệnh dễ bị chẩn đoán là thoái hóa khớp gối hay bệnh lý tại khớp gối mà bị bỏ qua chẩn đoán hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn sớm.
Ảnh chụp chỏm xương trước và sau khi phẫu thuật.
Ai có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này?
Bệnh gặp chủ yếu ở nam giới (chiếm khoảng 80%) và tuổi trung bình 40-50. Nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa dần đặc biệt ở nhóm nam thanh niên khoảng 30 tuổi đã có biểu hiện bệnh hoại tử chỏm xương đùi.
Thủ phạm chủ yếu gây hoại tử chỏm xương đùi sớm ở nam là do lạm dụng rượu bia và hút thuốc lá quá nhiều, đây là yếu tố chính làm tổn thương, viêm mạn tính và làm tắc các mao mạch nuôi chỏm xương đùi, dẫn đến các tế bào xương sụn vùng chỏm bị thiếu máu và hoại tử dần.
Bên cạnh đó cũng còn do nhiều nguyên nhân khác gây bệnh hoại tử chỏm xương đùi như: chấn thương tại khớp háng (trật khớp háng, gãy cổ xương đùi), bệnh khí ép (thợ lặn, công nhân làm hầm mỏ), bệnh lý tự miễn (viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ,...), ghép tạng, bệnh lý tăng đông và bệnh tắc mạch tự phát, đái tháo đường, lạm dụng thuốc có chứa corticoid.
Chính vì thế, người bệnh nên nghĩ đến bệnh hoại tử chỏm xương đùi khi thấy mình nằm trong nhóm nguy cơ cao như đã nêu và kèm theo có biểu hiện đau khớp háng 1 bên hay 2 bên đặc biệt khi ngồi xổm, dạng khép khớp háng, xoay trong xoay ngoài khớp háng, đau khi đi nhiều hay đứng lâu và giảm khi nghỉ ngơi hoặc có biểu hiện đau khớp gối dai dẳng mà chưa tìm ra nguyên nhân tổn thương tại khớp gối. Người bệnh cần đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán sớm và điều trị.
Chẩn đoán và điều trị
Để chẩn đoán chính xác bệnh này, người bệnh sẽ được chỉ định chụp Xquang khung chậu, nếu trong giai đoạn sớm chưa ghi nhận hình ảnh trên Xquang thường quy thì khi đó người bệnh sẽ được chỉ định chụp MRI (cộng hưởng từ) khớp háng. MRI là phương tiện chẩn đoán hình ảnh có khả năng phát hiện sớm và nhạy nhất trong bệnh hoại tử chỏm xương đùi.
Việc điều trị hoại tử chỏm xương đùi phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh, các yếu tố khác như tuổi, các yếu tố nguy cơ đi kèm. Phương pháp điều trị hiệu quả và triệt để nhất là phẫu thuật khớp háng bên cạnh loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể (hút thuốc lá, rượu bia, corticoid). Các phương pháp khác như: giảm đau, điều trị bệnh lý phối hợp, khoan giảm áp,... chỉ là phương pháp nhằm trì hoãn phẫu thuật.
Vì vậy, việc dự phòng hoại tử chỏm xương đùi đòi hỏi mỗi người cần thiết lập cho mình chế độ sinh hoạt lành mạnh, thể lực vừa sức, đều đặn và đặc biệt tránh các yếu tố nguy cơ có thể loại bỏ được như rượu bia, thuốc lá, lạm dụng thuốc có chứa corticoid.