Yếu tố nguy cơ chính liên quan đến hạ đường huyết
Yếu tố nguy cơ thường gặp có liên quan đến Insulin. Thường gặp khi bệnh nhân đái tháo đường đang được điều trị tích cực bằng Insulin hay thuốc uống nhóm Sulfonylureas, có thể xảy ra do những nguyên nhân sau: Ăn quá ít, ăn muộn, hay bỏ bữa, tiêm quá liều Insulin, những thuốc hạ đường huyết uống như nhóm Sulfonylureas (Diamicron, Amaryl…) và Meglitinides, tăng hoạt động hay tập thể dục quá mức, uống quá nhiều rượu, suy thận…
Nguyên nhân khác gây hạ đường huyết: Do nghiện rượu, hạ đường huyết trong bệnh lý gan, thận; Insulinoma, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng…
Trong một số nghiên cứu có đề cập đến yếu tố gây hạ đường huyết, các tác giả đều ghi nhận rằng không phải luôn luôn tìm được nguyên nhân rõ ràng, nhất là ở bệnh nhân lớn tuổi. Một bệnh nhân có thể có nhiều yếu tố thuận lợi, cần xác định yếu tố nào là quan trọng nhất, trực tiếp nhất cho mỗi lần bị hạ đường huyết.
Hạ đường huyết gây tổn thương gì?
Nguy cơ bị hạ đường huyết nếu không được kịp thời bổ sung đường, người bị hạ đường huyết có thể bị tổn thương não không phục hồi, ảnh hưởng đến trí nhớ.
Đối với tim mạch, hạ đường huyết có thể gây loại nhịp tim, ngưng tim. Hạ đường huyết nhiều lần gây tổn thương thành mạch và làm gia tăng nguy cơ xuất huyết não. Hạ đường huyết được cho là đóng góp vào tình trạng chết trên giường.
Hơn nữa người thường hạ đường huyết thường bị hoảng sợ, dẫn đến nhiều hậu quả như: Không đạt mục tiêu đường huyết, mất thời gian làm việc, giảm chất lượng cuộc sống, sợ hãi, giới hạn hoạt động xã hội.
Ngoài ra, hạ đường huyết có thể gây té ngã dẫn đến liệt, chấn thương đầu, chấn thương mô mềm, chấn thương cột sống, thậm chí gãy xương, trật khớp.
Những đối tượng dễ bị hạ đường huyết
- Người dễ bị hạ đường huyết là người lớn tuổi, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân, những người hay bị rối loạn tiêu hoá (nôn ói, ăn không được), bệnh nhân đang mắc bệnh cấp tính dẫn đến ăn uống kém, bệnh nhân bị gan, thận nặng hoặc đang chạy thận nhân tạo.
- Những người có tiền sử hạ đường huyết nặng hoặc hạ đường huyết không nhận biết, hạ đường huyết sau luyện tập hoặc hạ đường huyết khi ngủ.
- Những người đang khỏe mạnh cũng có thể xảy ra hạ đường huyết khi tập thể dục quá nhiều mà không bổ sung thêm thức ăn trước tập.
- Hạ đường huyết do điều trị quá tích cực (mục tiêu đường huyết thấp hoặc hba1c thấp). Ở người cao tuổi mà luôn cố gắng duy trì đường huyết < 100 mg/dl, hba1c < 6.5 % thì dễ có nguy cơ hạ đường huyết.
Hạ đường huyết nghiêm trọng là tình trạng hạ đường huyết cần có sự hỗ trợ, cấp cứu của nhân viên y tế. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng co giật, hôn mê, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Làm gì khi bị hạ đường huyết?
Khi đường huyết thấy thấp thì sẽ ăn hoặc uống những món có đường. Đối với bệnh nhân còn tỉnh táo, còn ăn được thì có thể ăn 1 phần ăn 15g đường như kẹo, 1 thìa cà phê đường, nửa lon nước ngọt và kiểm tra đường huyết sau 15 phút.
Nếu như đường huyết còn thấp thì lặp lại 1 lần tương tự như vậy. Nếu đường huyết ổn định thì theo dõi tiếp. Trong trường hợp tình trạng bệnh nhân vẫn không được cải thiện thì phải cho nhập viện.
Bệnh nhân phải theo dõi và xử trí hạ đường huyết tiếp tục trong vòng 3 - 7 ngày sau đó. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân hôn mê, không thể ăn được thì người nhà không được cố gắng đút cho bệnh nhân, vì sẽ gây sặc trên đường thở, dẫn đến tử vong không thể cứu kịp.
Phòng ngừa hạ đường huyết
Để phòng ngừa hạ đường huyết khi dùng thuốc điều trị đái tháo đường: Tiêm Insulin và uống thuốc hạ đường huyết đúng liều lượng và đúng thời điểm.
- Bữa ăn: Không bỏ bữa ăn, thời điểm tiêm Insulin phải phù hợp với bữa ăn.
- Hoạt động hàng ngày: Nếu hoạt động nhiều hơn hàng ngày hay tập thể dục nhiều hơn bệnh nhân nên ăn nhẹ trước khi hoạt động.
- Điều trị đái tháo đường: Điều trị đái tháo đường tích cực. Giữ đường huyết gần bình thường để tránh các biến chứng lâu dài, có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
- Bệnh nhân phải để ý nhận biết những dấu hiệu hạ đường huyết để có thể xử trí sớm.
- Khám bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị các bệnh lý gây hạ đường huyết.