Chóng mặt thường được mô tả với các triệu chứng như hoa mắt, choáng váng, ngất xỉu, muốn nôn, đầy hơi, cảm giác thăng bằng không ổn định, như sắp ngã... Hầu hết những người bị chóng mặt đều mô tả các triệu chứng của mình một cách đa dạng. Vậy chóng mặt do đâu, ai dễ bị chóng mặt?
Phân loại các loại chóng mặt
Chóng mặt thường được chia thành 4 loại sau:
- Chếnh choáng: Cảm giác đầu choáng váng nhẹ, cơ thể chao đảo khi ngồi yên hoặc đứng yên.
- Muốn té xỉu: Người bệnh cảm thấy váng đầu hay cảm giác như sắp ngất xỉu.
- Mất thăng bằng: Cảm giác đi đứng không vững, loạng choạng, mất cân bằng.
- Chóng mặt xoay (chóng mặt thực sự): Một ảo giác vận động quay cuồng trong khi cơ thể hoàn toàn yên định so với môi trường xung quanh, gây bất an khó chịu. Người bệnh cảm giác như cơ thể đang xoay tròn hoặc các vật xung quanh xoay tròn.
Biểu hiện của chóng mặt
Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến hay gặp, tần suất đến khám có triệu chứng này từ 5 - 10% trong tổng số lượt khám bệnh. Triệu chứng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi trung niên và người cao tuổi (> 40 tuổi) là hay gặp nhất.
Khi cơn chóng mặt xảy ra thì người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện sau: Mất thăng bằng; Quay cuồng, nghiêng ngả; Bị kéo về một hướng; Choáng váng, đau đầu; Buồn nôn, nôn ói; Tầm nhìn mờ, hoa mắt; Ù tai, nghe kém; Chuyển động mắt bất thường hoặc giật nhãn cầu; Đổ mồ hôi, thay đổi mạch – huyết áp; Tinh thần suy giảm hoặc không ổn định.

Chóng mặt không phải là bệnh mà là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây ra.
Ai dễ bị chóng mặt?
Thông thường chóng mặt hay xuất hiện ở người cao tuổi, tuy nhiên tình trạng này ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Đa phần các trường hợp chóng mặt là lành tính, nhưng cũng có những nguy cơ tiềm ẩn đằng sau gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh. Những đối tượng có nguy cơ cao bị chóng mặt bao gồm:
Người cao tuổi
Trong cuộc sống hàng ngày người cao tuổi hay than phiền vì chứng chóng mặt - đây là cảm giác chủ quan của bệnh nhân. Bệnh nhân tự nhiên cảm thấy mọi vật xung quanh mình chuyển động như đứng giữa một cơn lốc, mất cân bằng, đi đứng không vững, cảm giác bồng bềnh như ngồi trên thuyền, nhìn mọi vật nhòe không rõ, người nôn nao khó chịu, ruột gan như bị đảo lộn. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn ở người cao tuổi, bị té ngã dẫn đến chấn thương, tàn phế.
Như chúng ta đã biết người cao tuổi bị rối loạn tiền đình chiếm tỷ lệ khá cao, do con người đến độ tuổi bắt đầu bị lão hóa cơ thể, một số cơ quan bị suy giảm chức năng.
Một số nghiên cứu gần đây về dịch tễ học ước tính có khoảng 35 – 40% người từ 40 tuổi trở lên đã trải qua một số cơn chóng mặt. Những người từ 65 tuổi trở lên thì tỉ lệ này có thể tăng lên 50 – 60%.
Người làm việc trong môi trường căng thẳng
Môi trường làm việc áp lực cao, thường xuyên căng thẳng hoặc thói quen sinh hoạt không khoa học cũng tiềm ẩn nguy cơ cao.
Stress khiến cơ thể sản sinh một lượng lớn hormone cortisol gây ra một loạt các bệnh như: Cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… gây tổn thương hệ thống thần kinh, trong đó có dây thần kinh số 8, hệ thống thần kinh thực vật gây rối loạn hệ thống tiền đình. Do đó tỷ lệ mắc bệnh ở dân văn phòng, người lao động trí óc… ngày càng gia tăng.
Phụ nữ mang thai, tiền mãn kinh
Phụ nữ mang thai thường hay bị ốm nghén nên sẽ dẫn đến việc bị chán ăn, đặc biệt trong 3 tháng đầu nếu cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ khiến thai phụ bị chóng mặt, choáng váng.
Ở giai đoạn mang thai hay tiền mãn kinh thì tâm sinh lý của phụ nữ thay đổi rất nhiều. Họ hay cáu gắt, lo lắng, suy nghĩ tiêu cực, đa nghi, giận dỗi vô cớ. Lý do khiến tâm lý trở nên thất thường như vậy là bởi lượng hormone nữ giới trong cơ thể thay đổi đột ngột, làm khởi phát cơn chóng mặt.
Các phương pháp điều trị chóng mặt
Điều trị chóng mặt tùy thuộc vào từng nguyên nhân. Nhiều trường hợp cơn chóng mặt thường tự động hết mà không cần điều trị do não bộ có thể thích nghi và tự điều chỉnh với sự thay đổi của hệ tiền đình để duy trì sự cân bằng. Tuy nhiên đối với một số người thì việc điều trị chóng mặt là cần thiết và các phương pháp điều trị bao gồm:
Phục hồi chức năng tiền đình
Đây là một phương pháp vật lý trị liệu nhằm giúp củng cố hệ thống tiền đình. Chức năng của hệ tiền đình là gửi tín hiệu đến não về chuyển động của đầu và cơ thể so với trọng lực. Phục hồi chức năng tiền đình có thể được khuyến nghị nếu người bệnh bị chóng mặt tái phát. Biện pháp này giúp rèn luyện các giác quan khác để bù đắp cho hệ thống tiền đình, nhằm làm giảm chứng chóng mặt.
Người đã làm thủ thuật tái định vị sỏi tai
Viện Hàn lâm Thần kinh học Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều hướng dẫn thực hiện các thủ thuật chuyển dời sỏi tai về vị trí cũ để điều trị cho bệnh nhân bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tình. Các thủ thuật này nhằm di chuyển hạt sỏi tai từ ống bán khuyên vào khoang tai trong để được cơ thể hấp thụ. Trong khi làm thủ thuật thì người bệnh có thể sẽ bị chóng mặt nhiều hơn do hạt sỏi tai di chuyển. Bác sĩ sẽ thực hiện và hướng dẫn cho người bệnh phối hợp để tiến hành thủ thuật một cách an toàn và hiệu quả nhất.