Ai dễ bị bệnh sỏi tiết niệu?

08-06-2011 08:21 | Tin nóng y tế
google news

Sỏi đường tiết niệu là sỏi ở các vị trí: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, có tiền sử bệnh nhiều năm, ít thấy ở trẻ em.

Sỏi đường tiết niệu là sỏi ở các vị trí: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, có tiền sử bệnh nhiều năm, ít thấy ở trẻ em. Mùa hè nóng nực, cơ thể tiết nhiều mồ hôi nên nước tiểu bị cô đặc, nếu phối hợp với viêm nhiễm… thì rất dễ tạo thành sỏi ở hệ tiết niệu. Làm thế nào để phòng tránh bệnh sỏi tiết niệu, nhất là trong mùa nắng nóng này? Câu giải đáp sẽ có ở bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu

Sỏi đường tiết niệu gặp nhiều nhất ở thận, tiếp theo là sỏi niệu quản, sỏi bàng quang ít gặp hơn, sỏi niệu đạo chỉ gặp ở nam giới, có lẽ do niệu đạo của nam dài, sỏi khó thoát ra ngoài theo dòng nước tiểu. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam so với nữ là 5/1. Độ tuổi thường mắc sỏi niệu ở nam là từ 20 - 40 tuổi, còn phụ nữ  từ 25 - 40 tuổi. Nhưng ở độ tuổi từ 55 trở lên, tỉ lệ phụ nữ lại mắc bệnh có chiều hướng tăng lên. Lý giải điều này, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, do có sự thay đổi về nội tiết tố nữ và tình trạng loãng xương gia tăng ở lứa tuổi mãn kinh, nên bệnh sỏi tiết niệu ở phụ nữ tăng lên. Đối với trẻ em, lứa tuổi mắc bệnh thường gặp ở dưới 10 tuổi, còn từ 10 - 18 tuổi lại ít bị sỏi niệu hơn. Khoảng 30% bệnh nhân sỏi tiết niệu có yếu tố di truyền và những bệnh nhân này rất hay tái phát sỏi, điều trị khó. Một nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy: người nông thôn mắc bệnh sỏi nhiều hơn người thành thị, người sống ở các vùng ven biển và các vùng núi đá vôi dễ bị bệnh hơn các vùng khác.

Bệnh sỏi tiết niệu chịu ảnh hưởng rõ rệt của khí hậu: trong mùa hè  nóng bức, mồ hôi ra nhiều và nước tiểu bị cô đặc làm cho các tinh thể muối trong nước tiểu bị bão hòa và dễ bị kết tủa tạo sỏi. Mùa hè và mùa thu bệnh dễ mắc hơn mùa xuân và mùa đông. Nếu uống nhiều nước ngọt trong mùa hè cũng là nguyên nhân gây sỏi niệu. Người làm việc ở môi trường nắng nóng như công nhân luyện kim, xây dựng, nông dân, thợ đốt lò gạch, ngói, vôi, thợ rèn… dễ mắc bệnh. Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh: người uống nhiều loại nước có chất canxi như sữa, ăn quá mặn, ăn nhiều các thức ăn giàu canxi cũng tăng nguy cơ bị bệnh.

Các loại sỏi tiết niệu

Thường gặp có nhiều nguyên nhân phối hợp để tạo sỏi, còn một nguyên nhân gây sỏi thì ít gặp hơn. Có các loại sỏi tiết niệu khác nhau về bản chất hóa học, do các nguyên nhân đặc thù gây ra gồm: Một là sỏi canxi, chiếm 90% trường hợp, do nước tiểu quá bão hòa muối canxi mà tạo sỏi. Có thể do thiếu hay giảm citrat niệu: vì citrat có tác dụng ức chế sự kết tinh muối canxi, nên khi citrat niệu giảm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo sỏi như trong các trường hợp toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ K máu. Hai là sỏi urat: khi tăng acid uric máu (như trong bệnh gút) nước tiểu bị bão hòa acid uric và tạo sỏi, nếu phối hợp với tình trạng toan hóa nước tiểu thì acid uric càng dễ kết tinh. Ba là sỏi struvit: do nhiễm khuẩn tiết niệu, vi khuẩn tiết ra men urease làm phân hủy urê, tạo thành amoniac (NH4OH) chất này bị phân hủy tạo thành amonium NH4 và OH- gây kiềm hóa nước tiểu. Từ đó struvit (MgNH4PO4.6H2O) được tạo thành, nếu nước tiểu kiềm hóa thì chất này khó hòa tan và tạo thành sỏi. Bốn là sỏi oxalat: do di truyền gây loạn dưỡng oxalat, khi tăng oxalat niệu là điều kiện tạo sỏi oxalat canxi. Năm là sỏi cystin: do yếu tố di truyền, rối loạn vận chuyển cystin ở ống thận và ở niêm mạc ruột. Sỏi cystin thường kèm bệnh ống thận di truyền với biểu hiện đa niệu, hạ K máu. Trên thực tế sỏi tiết niệu thường là sỏi hỗn hợp, từ sỏi không có canxi (các loại sỏi struvit, acid uric, cystin) nhưng sau đó lắng đọng canxi, nên sỏi tiết niệu hầu hết là sỏi cản quang.

Chữa trị và phòng bệnh

Tùy trường hợp cụ thể mà dùng một hay nhiều hơn các biện pháp sau đây: uống thuốc Tây hoặc thuốc Nam làm tan sỏi, phối hợp thuốc lợi tiểu để đẩy sỏi ra ngoài. Tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua nội soi, lấy sỏi qua soi niệu quản, lấy sỏi niệu đạo. Mổ lấy sỏi trong các trường hợp: sỏi to, sỏi san hô bể thận, sỏi gây biến chứng ứ nước, ứ mủ, sỏi do nhiễm khuẩn, sỏi trên dị tật tiết niệu… Điều trị triệu chứng và biến chứng như: nhiễm khuẩn, viêm thận bể thận cấp, mạn, suy thận, điều trị đái máu, cơn đau quặn thận…

Phòng bệnh bằng các biện pháp: uống đủ nước, nhất là khi thời tiết quá nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao. Phòng tránh và điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Ăn uống hợp lý, không ăn nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi...
 

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Biểu hiện của sỏi tiết niệu rất đa dạng, tùy thuộc vào vị trí, kích thước của sỏi và các biến chứng do sỏi gây ra. Dấu hiệu thường gặp là: nhiễm khuẩn tiết niệu gây đái buốt, đái rắt, đái đục, đái mủ, có khi đái ra sỏi. Ðau với các tính chất: đau dữ dội, thường được gọi là “cơn đau quặn thận”, khởi phát từ các điểm niệu quản, lan dọc theo đường đi của niệu quản xuống phía gò mu hay bìu, đau xuyên cả ra hông, lưng. Ðau âm ỉ nếu sỏi to vừa hay sỏi lớn nhưng nằm ở bể thận. Sỏi niệu quản di chuyển theo dòng nước tiểu nên gây cơn đau nhẹ hơn. Ðau hông lưng do ứ nước bể thận, do sỏi gây tắc nghẽn niệu quản. Ðau kèm theo bí đái do sỏi bít tắc ở cổ bàng quang hoặc lọt ra niệu đạo. Ðái máu: khi sỏi di chuyển bên trong niệu quản gây đau kèm đái ra máu. Sốt cao, rét run kèm theo triệu chứng đau hông lưng, đái buốt, đái rắt, đái mủ là dấu hiệu của viêm thận, bể thận cấp. Chụp Xquang, siêu âm: phát hiện sỏi. Soi bàng quang phát hiện sỏi và tình trạng viêm niêm mạc bàng quang. Xét nghiệm nước tiểu thấy vi khuẩn, tế bào mủ, chất gây sỏi…

BS. Ninh Hồng


Ý kiến của bạn