Ai đang thực sự kê đơn cho người bệnh sử dụng?
Bác sỹ là người đầu tiên chúng ta nghĩ tới khi trả lời câu hỏi này. Thực tế cũng đã có những ý kiến cho rằng, tình trạng kháng kháng sinh hiện nay là do bác sỹ lạm dụng kê kháng sinh cho người bệnh. Nhưng đây không phải là nguyên nhân chính. Tại các bệnh viện bao giờ cũng có cơ chế kiểm soát chuyên môn việc kê đơn cho bác sỹ, đặc biệt là các thuốc quan trọng như kháng sinh. Nếu như bệnh viện nào có tỷ lệ bác sỹ lạm dụng kháng sinh cao thì điều đó cho thấy hội đồng chuyên môn làm việc chưa tốt.
Mặc dù vậy, vẫn có một nhóm các bác sỹ có chuyên môn kém hoặc lười cập nhật kiến thức, hoặc tham lam, hoặc vì tất cả những lý do trên, đã kê đơn thuốc phụ thuộc vào trình dược viên.
Việc đưa ra các chính sách tiền hoa hồng cho các bác sỹ, với kênh liên lạc là các trình dược viên đã khiến cho đơn thuốc xuất hiện các loại thuốc không cần thiết. Đời sống vật chất thiếu thốn so với công sức lao động bỏ ra dẫn đến các bác sỹ này vốn đã yếu về chuyên môn và y đức không thoát được cám dỗ và kê đơn theo những gì trình dược viên cung cấp.
Nhiều hãng thuốc có tiền hoa hồng cao cũng đồng nghĩa với việc chất lượng thuốc cần phải xem xét lại (mặc dù đã được cấp phép lưu hành). Những hãng thuốc hoặc dòng sản phẩm này thường thuê các trình dược viên là trung cấp dược để tiếp cận bác sỹ, chào hàng cũng như giao dịch tiền hoa hồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, số lượng bác sỹ nằm trong nhóm này là bao nhiêu, chúng ta chưa có điều tra cụ thể. Hơn nữa, các thuốc mang tính chất “vô thưởng vô phạt” có vẻ được ưa chuộng sử dụng để thêm vào đơn thuốc, hơn là việc kê đơn kháng sinh bừa bãi. Người đang kê đơn kháng sinh điều trị nhiều nhất cho người dân lại không phải là các bác sỹ này, mà đó là các dược sỹ trung cấp đứng tại quầy thuốc.
Làm thay nhiệm vụ của bác sỹ
Hãy hỏi hàng xóm nhà bạn, một người lớn bất kỳ: “khi ông/bà hoặc con /cháu của ông/bà bị ho, ông/ bà sẽ làm gì?” Và câu trả lời hầu hết sẽ là: “Tôi sẽ ra hiệu thuốc”.
Thói quen có triệu chứng bất thường thì ra hiệu thuốc là một thói quen rất xấu của người dân Việt Nam. Nhưng ngược lại, chúng ta nên tự trách rằng thông tin tham khảo y tế không sẵn có, do vậy họ tìm đến nơi sẵn có gần nhất. Nếu như mô hình “bác sỹ gia đình” được áp dụng thành công, thì may ra tình trạng này mới chấm dứt.
Người đứng bán ở quầy thuốc rất tiếc lại không phải là Dược sỹ đại học mà thường là người bán thuốc đã tốt nghiệp trung cấp dược. Sự lập lờ trong danh xưng đã khiến người dân không nhận ra được điểm khác biệt. Trên thực tế, những người này không xứng đáng được gọi là dược sỹ. Họ chỉ là những người được đào tạo nghề về thuốc và dược phẩm. Giới hạn của luật pháp đã ghi rất rõ, họ chỉ có quyền tư vấn sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ đã kê mà không được quyền thay đổi hay kê đơn.
Nhưng,
Các hãng dược đã nhắm vào những kẽ hở này để tiếp cận với nhà thuốc, quầy thuốc. Thứ nhất, đây là một kênh phân phối tuyệt vời bởi tính sẵn có và phổ biến; Thứ hai, tận dụng được nhu cầu cấp thiết của người dân khi ốm đau, sự thiếu hiểu biết của họ đối với y tế; Thứ ba, lách được các kẽ hở của luật pháp trong việc thanh kiểm tra bán thuốc theo đơn; Thứ tư, đánh vào lòng tham của những người bán thuốc khi thu được hoa hồng nếu đạt doanh số.
Và trong khi chúng ta còn đang mải mê phát triển khoa học công nghệ ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị y khoa, thì chúng ta lại quên đi mất một kênh tiếp cận thường trực đối với người dân, quên đi mất vai trò quản lý giám sát điều trị cần phải đến tận dạ dày của người bệnh, để rồi sự thao túng trắng trợn của những người bán thuốc như họ đã biến chúng ta trở thành những con rối, thằng hề. Kết quả kiểm tra gần đây nhất cho thấy: có tới 88% kháng sinh ở thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, con số này ở nông thôn là 91%.
Sẽ sớm thôi, chúng ta có một nền Y Khoa Trung Cấp Dược – Nếu không quyết liệt thay đổi.