Năm nào cũng vậy, mình có phần được thư giãn hơn vào tuần làm việc sát với dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Năm nay thời tiết lạnh hơn, bệnh nhân cũng đến khám ít hơn. Sáng nay, mình khám cho một bệnh nhân là nam thanh niên còn trẻ, có vẻ như cậu thanh niên rất khỏe và trông rất nhanh nhẹn... Mình hỏi lý do đi khám bệnh, cậu ta trả lời: Em mất ngủ, mệt mỏi, ăn kém…
Người thầy thuốc luôn tận tụy với bệnh nhân.
Mình chỉ định cho cậu ấy đi kiểm tra những xét nghiệm cần thiết trong đó có đánh giá xem mức độ có lo âu trầm cảm hay không. Đó là một bộ câu hỏi phỏng vấn để đánh giá. Những câu hỏi này chỉ có tính chất chủ quan của người bệnh và bác sĩ căn cứ vào đó để tham khảo cho chẩn đoán của mình. Khi nhận kết quả từ tay cậu ta, mình thấy có sự khác nhau rõ ràng giữa những gì mình tiếp xúc, cảm nhận và kết quả trắc nghiệm. Trắc nghiệm trả lời cậu ta có trầm cảm nặng. Thật băn khoăn quá, mình để chẩn đoán: Theo dõi trầm cảm.
Sau khi cầm tờ chẩn đoán trong tay cậu ta nhìn rất kỹ và hỏi: Chị ơi chẩn đoán bệnh của em đâu? Mình chỉ và nói: Tôi chỉ theo dõi cậu bị bệnh này thôi, tôi chưa chẩn đoán khẳng định. Cậu ta mừng rỡ thể hiện rõ trên khuôn mặt. Mình hỏi lại: Cậu cần chẩn đoán để làm gì? À, để em nộp cho ban tuyển nghĩa vụ quân sự. Nói rồi cậu ta đi thẳng ra khỏi phòng mình với vẻ mãn nguyện giống như người đã đạt được mục đích.
Mình thực sự bất ngờ trước mục đích khám bệnh của cậu ta và điều mình cảm thấy căng thẳng kèm theo cảm giác thất vọng đó là mình đã bị lừa. Có lẽ cậu ta cũng đã được tư vấn và tìm hiểu kỹ khi đi khám bệnh phải làm thế nào để đạt được mục đích của mình.
Mình cũng đã gặp nhiều trường hợp vì những mục đích riêng nào đó nên họ tìm mọi cách để có giấy chứng nhận tâm thần, trong đó có bệnh tâm thần phân liệt. Khi đạt được mục đích ấy rồi, họ ung dung sử dụng như một chiếc giấy thông hành để không phải đi nghĩa vụ quân sự, đi lao động công ích hoặc hưởng chế độ trợ cấp hay thậm chí là có những việc liên quan đến pháp luật.
Còn nhớ, cách đây không lâu, có trường hợp một bệnh nhân 30 tuổi đến khám với lý do muốn chẩn đoán là em đã khỏi bệnh tâm thần phân liệt.
Mình hỏi người bệnh:
- Thế em được chẩn đoán bệnh này lâu chưa?
- Em được chẩn đoán cách đây 10 năm rồi.
- Mà em muốn xác nhận khỏi bệnh để làm gì?
- Dạ để em đăng ký kết hôn ạ. Chính quyền xã nói là em bị bệnh tâm thần không đăng ký kết hôn được, muốn đăng ký phải xác nhận là em đã khỏi bệnh ạ!
- Thế em có biết là bệnh này không khỏi được không?
Cậu thanh niên không nói gì.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp xuân sang, mỗi nơi lại đưa tiễn hàng ngàn thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Đó cũng là trách nhiệm và vinh dự tự hào với mỗi người con Việt Nam. Cũng có những trường hợp rất mong muốn đi nhưng vì lý do sức khỏe không thể cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, những trường hợp như vậy mình sẵn sàng hướng dẫn họ làm những thủ tục cần thiết để chứng minh rằng mình có bệnh và tiếp tục điều trị. Nhưng thật đáng chê trách những trường hợp với sức khỏe tốt nhưng họ cố tình và tìm mọi cách để có thể trì hoãn năm này sang năm khác và đến khi quá tuổi thì sẽ không phải đi nữa!
Đất nước đã trải qua bao nhiêu gian nguy và nhiều người đã hy sinh để được như ngày nay. Khi Tổ quốc gọi tên, họ đều sẵn sàng ra đi vì tiếng gọi thiêng liêng ấy.
Mình chợt nhớ một câu hát: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai? Một bài hát mà mình yêu thích và cũng từng gợi cho mình nhiều suy ngẫm.