Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của Israel đưa ra lời đe dọa này.
Hồi tháng 5, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo sẽ dừng một số chuyến hàng vũ khí nếu Israel tiến hành tấn công thành phố Rafah, ở rìa phía Nam Dải Gaza. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu vẫn tiếp tục chiến dịch và dòng vũ khí từ Mỹ vẫn được duy trì.
Lần cảnh báo mới nhất của Mỹ đưa ra thời hạn 30 ngày cho Israel cải thiện tình hình nhân đạo tại Dải Gaza. Nếu không, Israel có nguy cơ vi phạm các quy định của Mỹ về viện trợ quân sự nước ngoài. Điều này đặt ra sức ép lớn hơn bao giờ hết, cho thấy viện trợ quân sự từ Mỹ có thể bị đe dọa cắt đứt.
Mỹ
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2023, Mỹ cung cấp tới 69% lượng vũ khí nhập khẩu của Israel. Đứng thứ hai là Đức với 30%, Italia với 0,9%. Anh, Pháp và Tây Ban Nha cũng cung cấp một lượng nhỏ vũ khí cho Israel.
Các loại vũ khí từ Mỹ đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Israel chống lại Hamas và Hezbollah. Năm 2023, hàng nghìn quả bom và tên lửa dẫn đường đã được chuyển từ Mỹ sang Israel, cùng với các máy bay chiến đấu F-35 và F-15 hồi tháng 1.
Phân tích của đài CNN đã chỉ ra rằng, nhiều vũ khí Mỹ đã được sử dụng trong các cuộc tấn công khiến dân thường thiệt mạng. Gần đây, có bằng chứng cho thấy bom 2.000 pound do Mỹ sản xuất đã được Israel sử dụng trong cuộc tấn công giết chết thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tại thủ đô Beirut, Lebanon.
Mỹ cũng hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho Israel, với hơn 130 tỷ USD viện trợ song phương kể từ năm 1948. Năm 2019, Mỹ cam kết cung cấp 3,3 tỷ USD hàng năm từ chương trình Tài trợ Quân sự nước ngoài và thêm 500 triệu USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel.
Đức
Năm 2023, Đức cung cấp 30% lượng vũ khí cho Israel, nhưng trong năm 2024, con số này đã giảm đáng kể. Vào tháng 3, viện trợ quân sự của Đức đã giảm từ 200 triệu euro xuống chỉ còn 1 triệu euro. Tuy nhiên, ngày 10/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này vẫn sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel trong tương lai gần.
An ninh của Israel là yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đức do quá khứ của nước này trong cuộc thảm sát người Do Thái dưới thời Đức Quốc xã.
Italia, Anh, Tây Ban Nha, Pháp
Italia cũng là một nguồn cung cấp vũ khí cho Israel, bao gồm trực thăng, súng và là đối tác sản xuất của chương trình máy bay chiến đấu F-35.
Tuy nhiên, từ tháng 10/2023, Italia đã ngừng cung cấp vũ khí cho Israel, dù vẫn tôn trọng các hợp đồng đã ký trước đó.
Anh đã hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Israel, với giấy phép trị giá 23,42 triệu USD được cấp năm 2023. Dù vậy, một số giấy phép đã bị đình chỉ, nhất là sau khi Đảng Lao động lên nắm quyền vào tháng 7. Việc đình chỉ này nhằm ngăn chặn vũ khí có thể được sử dụng trong các hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Tây Ban Nha đã ngừng bán vũ khí cho Israel kể từ tháng 10/2023. Thủ tướng Pedro Sanchez đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Israel vào Lebanon và kêu gọi cộng đồng quốc tế ngừng xuất khẩu vũ khí cho Israel.
Mặc dù Pháp có cung cấp vũ khí cho Israel, quan hệ giữa hai nước đã căng thẳng trong thời gian gần đây. Tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi ngừng xuất khẩu vũ khí cho Israel nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Lebanon và Dải Gaza. Dữ liệu của SIPRI cho thấy, Pháp không có hoạt động xuất khẩu vũ khí lớn nào cho Israel từ năm 2019-2023, mặc dù có cung cấp các linh kiện cho vũ khí.