1. Nhiễm virus HPV - Yếu tố quan trọng gây ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung biến đổi và phát triển bất thường một cách không kiểm soát. Có nhiều yếu tố gây ung thư cổ tử cung, trong đó nhiễm virus HPV là yếu tố phổ biến quan trọng nhất.
HPV là từ viết tắt của Human Papilloma Virus. Đây là loại virus gây u nhú ở người, lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất thế giới hiện nay và là yếu tố có liên quan đến 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
HPV không chỉ là một chủng virus mà nó có hơn 100 chủng khác nhau nhưng không phải tất cả trong số đó đều gây bệnh nghiêm trọng. Một số chủng virus chỉ gây ra mụn ở bộ phận sinh dục và hậu môn. Một số chủng nguy hiểm có thể xâm nhập và gây bệnh ở bên trong cơ quan sinh dục và trở thành nguyên nhân gây nên các loại ung thư ở cổ tử cung, hậu môn và các bộ phận sinh dục khác.
Bất cứ ai có hoạt động tình dục đều có thể bị nhiễm virus HPV. Phần lớn mọi người bị nhiễm đều không có bất kỳ dấu hiệu nào. HPV có thể tự biến mất nhưng có một tỷ lệ nhỏ trong số đó sẽ là nguyên nhân gây ung thư. Nhiễm HPV dai dẳng là nguyên nhân tổn thương tiền ung thư hay ung thư.
2. Virus HPV lây truyền qua quan hệ tình dục
Theo BSCKI Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa Ung bướu, BVĐK khu vực Bắc Quang - Hà Giang, nhiễm virus u nhú ở người (HPV) là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của ung thư cổ tử cung.
HPV có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với da, đặc biệt là lây lan thông qua quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và thậm chí cả đường miệng.
Ngoài ra, có một số yếu tố liên quan đến tiền sử tình dục có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung bởi việc tăng khả năng tiếp xúc với HPV bao gồm: Quan hệ tình dục khi còn trẻ (đặc biệt là dưới 18 tuổi), quan hệ tình dục không an toàn, có nhiều bạn tình.
Tuổi mà phụ nữ bắt đầu lần quan hệ tình dục đầu tiên của họ cũng được coi là một yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung vì tổn thương có thể gây ra cho cổ tử cung vào thời điểm nó vẫn đang phát triển.
Nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ bắt đầu quan hệ tình dục khoảng 15 tuổi đã được chứng minh là cao gấp đôi so với những người có quan hệ tình dục sau 20 tuổi (theo WHO).
Quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như chlamydia, lậu, giang mai và HIV/AIDS… cũng làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
3. Ngăn ngừa ung thư cổ tử cung do virus HPV như thế nào?
Không chỉ quan hệ tình dục qua đường âm đạo, các hình thức quan hệ tình dục khác như: quan hệ tình dục bằng miệng, chạm vào bộ phận sinh dục, chia sẻ đồ chơi tình dục… cũng có thể lây truyền HPV.
Do đó, quan hệ tình dục an toàn (tốt nhất là sử dụng bao cao su bảo vệ), quan hệ với một bạn tình sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV. Tuy nhiên, những vùng bao cao su không che kín được vẫn có thể bị nhiễm virus.
Nhiễm HPV không có cách điều trị nhưng có vaccine phòng ngừa. Hiện nay đã có vaccine phòng ngừa những type HPV gây bệnh phổ biến nhất và việc tiêm vaccine HPV kết hợp với khám tầm soát định kỳ sẽ giúp chị em phụ nữ phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này.
Vaccine được tiêm cho trẻ em gái và phụ nữ trước và trong độ tuổi sinh sản từ 9-26 tuổi. Những phụ nữ đã được tiêm vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung vẫn cần khám và tầm soát ung thư cổ tử cung đều đặn.
Mục tiêu của khám tầm soát ung thư cổ tử cung là phát hiện sớm tiền ung thư hoặc ung thư khi nó có khả năng điều trị và chữa khỏi cao hơn. Những thay đổi tiền ung thư có thể được phát hiện bằng xét nghiệm và được điều trị để ngăn ngừa ung thư phát triển.
Xem thêm video đang được quan tâm
Chỉ quan hệ với một bạn tình - Biểu hiện của lòng chung thủy hay sự gắn kết tình dục?