Nguyên nhân gây viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu xảy ra khi vi khuẩn di chuyển ngược dòng từ âm đạo và cổ tử cung lên trên tử cung đến ống dẫn trứng và buồng trứng. Vi khuẩn có thể gây viêm hoặc áp xe ở ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm vùng chậu có thể đưa đến các hậu quả lâu dài lên chức năng sinh sản của người phụ nữ.
Nhiễm lậu cầu (Neisseria gonorrheae) và chlamydia trachomatis là hai nguyên nhân chính gây viêm vùng chậu. Ngoài ra, các tác nhân khác cũng có thể gây bệnh như: gardnerella vaginalis, Mycoplasma hominis, Ureaplasma urealyticum. Streptocoques, Staphylocoques, Haemophilus influenzae. Entérobactéries (E. coli, Klebsiella, yếm khí, Bactéroides fragilis).
Triệu chứng khi nhiễm lậu và chlamydia khá mơ hồ, đôi khi không có triệu chứng. Khi người phụ nữ bị nhiễm lậu hoặc chlamydia, chúng có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để phát triển thành viêm vùng chậu. Đôi khi viêm vùng chậu cũng bị gây ra bởi các nhiễm trùng khác không lây qua đường tình dục như viêm âm đạo do vi khuẩn.
Ai dễ mắc viêm vùng chậu?
Viêm vùng chậu có thể xảy ra ở phụ nữ có hoạt động tình dục ở bất kỳ độ tuổi nào và thường gặp nhất ở phụ nữ trẻ, đặc biệt là phụ nữ dưới 25 tuổi.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ dưới đây khiến bạn dễ bị viêm vùng chậu:
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, thường là lậu và chlamydia.
- Quan hệ tình dục với nhiều người hoặc bạn tình của bạn có quan hệ với nhiều người khác.
- Có tiền căn từng bị viêm vùng chậu.
Biểu hiện của viêm vùng chậu
Phần lớn viêm vùng chậu có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số triệu chứng khi có viêm vùng chậu cấp tính có thể nhận thấy là:
- Dịch tiết âm đạo (huyết trắng) bất thường.
- Đau vùng bụng dưới (thường chỉ đau nhẹ) hoặc đau vùng thắt lưng.
- Xuất huyết âm đạo bất thường.
- Sốt và lạnh run.
- Buồn nôn và nôn.
- Đau khi đi tiểu.
- Đau khi quan hệ tình dục.
Mặc dù vậy, có một trong các triệu chứng trên không hoàn toàn có nghĩa là đã bị viêm vùng chậu, nó chỉ là một dấu hiệu gợi ý cho bệnh lý này. Để chẩn đoán xác định, bạn cần được khám phụ khoa và thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như đếm tế bào máu, siêu âm phụ khoa, xét nghiệm tìm lậu hoặc chlamydia…
Cần làm gì khi bị viêm vùng chậu?
Viêm vùng chậu có thể điều trị được bằng kháng sinh. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ giúp loại bỏ nhiễm trùng, không thể giúp phục hồi được các tổn thương sẹo đã hình thành của ống dẫn trứng. Càng kéo dài thời gian viêm nhiễm không được điều trị, càng làm tăng các ảnh hưởng lâu dài lên sức khỏe sinh sản, như vô sinh. Do đó, điều quan trọng là phát hiện bệnh và điều trị sớm để làm giảm các ảnh hưởng lâu dài lên chức năng sinh sản.
Vì vậy, nên phòng ngừa viêm vùng chậu, đặc biệt đối với những phụ nữ có nguy cơ cao như: có nhiều bạn tình, tuổi trẻ < 25 tuổi, tiền căn viêm vùng chậu, bạn tình có viêm nhiễm niệu đạo hoặc nhiễm lậu.
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sử dụng bao cao su ngay cả khi bạn đã áp dụng một phương pháp khác để ngừa thai.
Quan hệ tình dục với chỉ một người và là người không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.