1. Nguyên nhân gây viêm cơ tim
Trước đây, viêm cơ tim thường do tình trạng thấp khớp cấp. Tuy nhiên, ngày nay viêm cơ tim do các nguyên nhân khác trong đó thường thấy là:
- Viêm cơ tim do virus: Các virus gây viêm cơ tim thường là virus coxsackie B, adenovirus, parvovirus chủng B19, echovirus, virus cúm, virus Epstein-Barr, virus Dengue và virus Rubella…
Ngoài ra, viêm cơ tim còn do virus HIV/AIDS, có khả năng xâm nhập cơ tim trực tiếp.
- Viêm cơ tim do vi khuẩn: Các vi khuẩn Staphylococcus aureus, Borrelia burgdorferi có thể gây viêm cơ tim. Tuy nhiên, Staphylococcus aureus còn có thể gây viêm các van tim và nội tâm mạc.
Viêm cơ tim còn xảy ra ở trên 1/4 bệnh nhân bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae.
- Viêm cơ tim do ký sinh trùng: Ký sinh trùng cũng gây viêm cơ tim trong đó ký sinh trùng thường gặp là: Trypanosoma cruzi, toxoplasma và ký sinh trùng gây bệnh Chagas,… gây suy tim sung huyết.
- Viêm cơ tim do nấm: Các loại nấm Candida, aspergillus, histoplasma là những nguyên nhân gây viêm cơ tim nhưng cũng hiếm gặp.
Viêm cơ tim còn xảy ra khi bệnh nhân tiếp xúc với một số hóa chất: Như arsenic và hydrocarbons hay các bệnh hệ thống như: bệnh lupus, các bệnh khác của mô liên kết, viêm mạch máu …
2. Ai có nguy cơ bị viêm cơ tim?
Nhiều người khi nói đến viêm cơ tim thì lo lắng, không biết ai là đối tượng dễ mắc căn bệnh này.
Thực tế cho thấy ai cũng có thể mắc viêm cơ tim, bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ em đến người cao tuổi. Tuy nhiên, viêm cơ tim thường gặp hơn cả là bệnh nhân trong nhóm 20 -40 tuổi, trong đó nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới.
Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng đặc biệt có nguy cơ viêm cơ tim nhiều hơn, cụ thể:
- Người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ viêm cơ tim: Các nhà khoa học cho rằng, khi cơ thể giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng đề kháng với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, trong đó có viêm cơ tim.
Đối với người bị suy giảm miễn dịch thường do bệnh HIV, điều trị ức chế miễn dịch do nhiễm HIV, đang điều trị ức chế miễn dịch, người mắc bệnh ung thư, người mắc bệnh tự miễn,…
- Người có tiền sử nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm: Các nghiên cứu cho thấy virus, vi khuẩn, ký sinh trùng là nguyên nhân gây viêm cơ tim vì vậy, nếu đã từng bị nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,… sẽ có nguy cơ bị viêm cơ tim.
- Nguy cơ viêm cơ tim ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Đối với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị nhiễm trùng làm tăng nguy cơ mắc viêm cơ tim.
3. Dấu hiệu viêm cơ tim
Các dấu hiệu của viêm cơ tim có thể thay đổi tùy theo nguyên nhân và độ nặng nhẹ của bệnh. Các dấu hiệu thường gặp nhất là:
- Người bệnh thấy đau ngực mơ hồ, tim nhanh hoặc loạn nhịp.
- Người bệnh thường khó thở, đặc biệt khi vận động thể lực và giữ nước khiến phù cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân.
- Ngoài ra, người bệnh thường xuyên mệt mỏi và dấu hiệu khác ít gặp như ngất xỉu có thể kết hợp với rối loạn nhịp tim.
- Nếu nhiễm virus thì có thêm các biểu hiện khác như: nhức đầu, đau nhức, đau khớp, sốt, viêm loét họng hoặc tiêu chảy…
4. Biến chứng của viêm cơ tim
Tuy viêm cơ tim thể nhẹ không có triệu chứng rõ rệt. Bệnh nhân có những triệu chứng toàn thân của nhiễm virus mà không hề biết được tim mình đang có vấn đề. Một số bệnh nhân có thể không đi khám bệnh và tự hồi phục mà không biết là mình vừa mắc viêm cơ tim.
Nhưng đa số viêm cơ tim trầm trọng sẽ làm suy vĩnh viễn chức năng cơ tim. Khi đó, suy tim dễ tạo ra các cục máu đông trong các buồng tim và tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Các ghi nhận cho thấy viêm cơ tim là một trong những nguyên nhân gây bệnh cơ tim dãn nở. Bệnh nhân viêm cơ tim có thể bị những rối loạn nhịp tim rất nặng, ở một số trường hợp gây đột tử.
5. Lời khuyên thầy thuốc
Đôi khi viêm cơ tim không có biểu hiện rõ vì vậy, chúng ta cần cảnh giác với bệnh nhất là khi đang bị nhiễm virus hoặc nhiễm trùng và khi có các triệu chứng nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc viêm cơ tim cần tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm virus, cảm cúm. Cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên là một biện pháp rất tốt để phòng tránh bệnh lan rộng.
Tránh những hành vi nguy cơ lây nhiễm nên cần thực hiện tình dục an toàn, tuyệt đối không tiêm chích ma tuý.
Tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài che hoặc dùng thuốc xua đuổi côn trùng. Ngoài ra, cần tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của ngành y tế.
Mời độc giả xem thêm video:
5 loại thực phẩm bà bầu cần bổ sung để con khoẻ, thông minh