Đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi một cục máu đông (huyết khối) gây tắc nghẽn động mạch cung cấp máu cho não, làm dòng máu đột ngột giảm hoặc ngưng lưu thông đến một khu vực của não, tế bào não thiếu oxy và chết đi dẫn đến mất chức năng thần kinh tương ứng. Vậy ai có nguy cơ mắc phải căn bệnh này?
Nguyên nhân đột quỵ nhồi máu não
Đột quỵ nhồi máu não là do tắc nghẽn mạch máu. Có nhiều nguyên nhân gây ra hẹp động mạch cấp máu cho não như hẹp động mạch cảnh ở vùng trước cổ, hẹp các động mạch đốt sống phía sau cổ, hẹp các động mạch trong sọ.
Do cục máu đông do bị bệnh rối loạn nhịp tim (rung nhĩ..), bệnh van tim, đa hồng cầu….
Do bong tróc các mảng xơ vữa động mạch… gây tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn lòng mạch máu dẫn đến việc cung cấp oxy và dưỡng chất cho tế bào não bị ngưng trệ khi tế bào não ngưng hoạt động sẽ dẫn đến đột quỵ (mặt méo, yếu liệt tay chân, nói khó, hôn mê…). Theo nghiên cứu, xơ vữa các mạch máu lớn và trung bình chiếm 50%, trong đó các mạch máu lớn ngoài sọ chiếm 45%, mạch máu lớn trong sọ chiếm 5%: tăng lipid máu, tăng huyết áp, tiểu đường, tăng homocystein máu, xạ trị.
Do thuốc: Nếu sử dụng các chất gây co mạch (chất gây nghiện), viêm mạch, loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạch… có thể dẫn đến đột quỵ nhồi máu não.
Triệu chứng của bệnh nhồi máu não
Những triệu chứng của bệnh nhồi máu não rất đa dạng, phụ thuộc vào mức độ tổn thương cũng như vị trí vùng não bị tổn thương, bệnh nhân thường gặp một số triệu chứng như sau:
– Xuất hiện tình trạng đau đầu: Đau đầu dữ dội, đột ngột mà không rõ nguyên nhân kèm theo các triệu chứng khác như hoa mắt, chóng mặt, khó thở, tức ngực, đi lại loạng choạng, choáng váng, mắt mờ nhìn không rõ, tối sầm mặt mày…
– Có biểu hiện liệt nửa người: Cơ thể bệnh nhân thường rất yếu, mất cảm giác nửa người hoặc tê liệt toàn thân, không phối hợp được các hoạt động tay chân và thân người.
– Biểu hiện lệch mặt, méo miệng, liệt mặt, khó nói hoặc nói ngọng thậm chí không nói được, nôn ói, miệng chảy nước dãi.
– Rối loạn ý thức, suy giảm trí nhớ, lú lẫn, không thể nhận biết rõ xung quanh. Có biểu hiện co giật, đại tiểu tiện không tự chủ hoặc rơi vào hôn mê.
Ai có nguy cơ bị đột quỵ nhồi máu não?
Hầu hết mọi người đều có thể bị đột quỵ nhồi máu não, các yếu tố nguy cơ của đột quỵ không thể thay đổi bao gồm:
- Tuổi: Nguy cơ nhồi máu não tăng theo tuổi, nhất là người trên 65 tuổi.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ đột quỵ nhồi máu não cao hơn phụ nữ, nhưng phụ nữ có tỷ lệ tử vong cao do đột quỵ nhồi máu não cao hơn.
- Di truyền: Gia đình có người bị đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua đều có nguy cơ cao bị đột quỵ nhồi máu não.
- Người có tiền sử đau nửa đầu kiểu migraine cũng có thể bị đột quỵ nhồi máu não.
Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ có thể thay đổi là:
- Kiểm soát tốt tăng huyết áp, chỉ số đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường), rối loạn lipid máu (mỡ máu),… sẽ giảm được nguy cơ mắc đột quỵ nhồi máu não.
- Ở bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch như: rung nhĩ, bệnh van tim, suy tim, hẹp van hai lá, bệnh tim bẩm sinh, giãn tâm nhĩ, giãn tâm thất… đều có nguy cơ đột quỵ nhồi máu não. Do vậy, nếu thực hiện tốt các chỉ định của bác sĩ sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh.
- Một số thói quen không tốt như uống rượu quá mức, hút thuốc lá, ít vận động, béo phì… đều có thể tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não.
Phòng chống đột quỵ nhồi máu não
Cách phòng ngừa bệnh tốt nhất là phát hiện sớm và điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu não như tăng huyết áp, đái tháo đường, các rối loạn nhịp tim, bệnh van tim.
Cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh như tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, giảm ăn mặn và thức ăn chứa nhiều cholesterol; hạn chế rượu bia, phòng tránh thừa cân, béo phì…
Tập thể dục thể thao mỗi ngày, bỏ hút thuốc lá, thuốc lào; tránh căng thẳng, lo âu về thể chất và tinh thần… sẽ giúp bạn phòng chống bệnh nhồi máu não hiệu quả.
Dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để ngăn chặn sự hình thành mảng xơ vữa, thuốc giảm cholesterol, thuốc hạ huyết áp…
Khi xuất hiện một trong những triệu chứng trên nên đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh các biến chứng xấu nhất có thể xảy ra. Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà thực hiện các biện pháp sơ cứu dân gian như cạo gió, nặn máu… sẽ rất nguy hiểm.