Không ít người đã từng nói rằng phi scandal bất thành sao nhạc Việt. Điều đó nói lên một thực tế, họ là những người nổi tiếng: đẹp về thể hình, bắt mắt về phục trang, hát hay, múa đẹp và quan trọng hơn, họ luôn nằm trong tầm ngắm của các thế lực “chống lưng” trong làng showbiz.
Từ công nghệ lăng xê
Vào thời điểm này, có thể nói phần đông các ca sĩ đều cần đến và thông qua công nghệ lăng-xê (PR) nếu muốn trở thành sao. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn tính toán, dù có quan trọng đến đâu thì PR cũng chỉ chiếm tối đa không quá 30% khả năng thành công của ca sĩ. Phần còn lại, ngoài thực lực giọng ca, phong cách biểu diễn của bản thân mỗi người thì quan trọng nhất vẫn là lực lượng các công ty đào tạo và quản lý cùng bàn tay của các đại gia đứng đằng sau.
Ai cũng biết hiện công nghệ lăng-xê đã có những bước tiến dài trên con đường phát triển của mình. Trước hết, các ca sĩ Việt phần đông chưa đủ trình độ và năng lực “thiên lý độc hành” được. Thế nhưng, mơ ước thành sao thì luôn cháy bỏng. Nắm bắt được tâm lý đó, đặc biệt là các ca sĩ trẻ, công nghệ lăng-xê đã nhanh chóng “đi trước đón đầu”, trở thành “bà đỡ” hiệu quả đối với họ. Chả thế mà nhiều khi công chúng cảm thấy ngơ ngác khi một ca sĩ nào đó bỗng dưng nổi tiếng đùng đùng, mà Uyên Linh - quán quân Vietnam Idol 2010 là một minh chứng sống động nhất.
Không đợi đến bây giờ, mà ngay từ khi làng giải trí Việt khởi sắc, không ít ca sĩ đã ôm trong mình giấc mộng thành sao, bất chấp cả những việc eo xèo như phát ngôn gây sốc, lộ ảnh nude, khoe hàng cố ý... Tất cả những thứ đó, công chúng đã phát hiện ra kẻ đứng trong cánh gà sân khấu là các ông bầu, những người quản lý cố tình PR như vậy. Thậm chí đôi khi chính ca sĩ cũng còn phải ngơ ngác, bàng hoàng trước các chiêu lăng-xê vượt rào của người quản lý.
Còn nhớ, nữ ca Lê Kiều Như đoạt một giải thưởng của chương trình Bài hát Việt cách đây 6 năm. Ai cũng cho rằng đấy là bệ phóng vững chắc để cô có thể bay vào bầu trời sao Việt trong làng giải trí. Nhưng không, sau khi ẵm giải, Lê Kiều Như lặn một hơi không sủi tăm. Mọi người thấy thực sự ngỡ ngàng khi cô xuất hiện trong bộ phim Chuông reo là bắn tai tiếng đến mức có người đặt cho nó một cái tên rất sát hợp “Chuông reo là cởi” khiến các nhà quản lý văn hóa phải đau đầu.
![]() Sao nào hát bằng thực lực? (Ảnh chỉ có tính chất minh họa). |
Các công ty chuyên đào tạo ca sĩ mọc lên như nấm sau mưa. Ngay cả các ca sĩ đã thành danh cũng sẵn sàng “nhào zô” thành lập công ty truyền thông và giải trí. Trước đây, cũng có công ty chuyên đào tạo ca sĩ, người mẫu bằng cách đặt những nghệ danh diễn viên nước ngoài như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc cho ca sĩ những mong họ có thể được lột xác. Chả thế mà hiện nay không hiếm các ca sĩ Việt có nghệ danh nửa ta, nửa Tây hay nửa ta, nửa Tàu để PR. Tuy các công ty chuyên đào tạo kiểu này làm ăn có vẻ bài bản và có chiến lược hẳn hoi như đặt bài hát độc quyền, xây dựng hình tượng ca sĩ trong mắt người hâm mộ cho đến việc bỏ ra một lượng tiền “khủng” để làm các liveshow hay album cho đứa con cưng của mình, dẫu họ biết rằng đối với những ca sĩ chưa thành sao, làm thế chỉ có lỗ toàn phần là cái chắc, nhưng họ hy vọng trong vòng từ 3 - 5 năm sau sẽ có được 70% số tiền thu được từ mỗi catse, ngay cả khi ca sĩ này đã bay lơ lửng trên bầu trời sao nhạc Việt.
Đến bàn tay của các đại gia
Có một công đoạn bắt buộc trong công nghệ “chế tạo” sao ca nhạc là phải có album. Nếu ai đó bỏ tiền làm một album tử tế hàng trăm triệu, có khi lên đến tiền tỉ để rồi chỉ thu về vài chục triệu, thì người đó chắc chắn là kẻ “có vấn đề” về sức khỏe tâm thần, trừ các đại gia.
Ngoài một số ca sĩ chọn công ty quản lý và đào tạo mình hay cố tình tạo nên các vụ scandal để tự PR cho mình, số còn lại có vẻ thông minh hơn là tìm đến “cây gậy chống lưng” là các đại gia. Các cụ ta ngày xưa chả bảo thế là gì: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nhưng tiền lấy đâu ra, ngoài hầu bao của các đại gia. Có thể nói trong làng giải trí Việt hiện nay, rất ít có ca sĩ đứng ngoài vòng tay vẫy của các đại gia. Còn một số ca sĩ thông minh hơn nữa lại chủ động đi tìm các đại gia “dễ thương” để sẵn sàng ngã đẹp vào lòng họ. Các đại gia cũng thừa biết các ca sĩ trẻ cần gì ở họ. Nhưng tiền của họ đâu phải là vỏ hến. Thế cho nên chẳng ai cảm thấy ngạc nhiên khi nữ ca sĩ Yến Trang, người cố gắng xây dựng thương hiệu cho mình là “ca sĩ sexy” đã tuyên bố xanh rờn: “Tôi không từ chối đại gia”.
![]() |
Đại gia đồng nghĩa với lắm tiền, nhiều bạc và chịu chơi. Vậy thì ăn nhằm gì mấy trò vớ vẩn như mở liveshow, làm album, xe hơi đúng chuẩn, nhiều chấm, trang sức đắt tiền, quần áo hàng hiệu... và những chỗ ngồi sang trọng tại các cuộc chiêu đãi, dạ tiệc, các sự kiện kinh tế, văn hóa đẳng cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, tất cả từ tiền của đại gia. Người ta chẳng bảo đấy là gì: Ai ngồi chỗ người ấy. Chỗ ngồi là một cách khẳng định đẳng cấp. Và đương nhiên các ca sĩ trẻ bây giờ thường “thoáng” nên có quyền và sẵn sàng lựa chọn cho mình cái giá cần phải trả trong các phi vụ đổi chác, bán mua trên thị trường đẳng cấp này, tiền nào của ấy cả thôi, đi đâu mà thiệt.
Áp lực từ giấc mộng nổi tiếng của các ca sĩ trẻ thường hàm chứa trong nó đầy rẫy những mánh lới của một thế giới ngầm, mặc dù thi thoảng họ có vẻ như giả nai về một vụ scandal nào đó. Những người tinh ý đều biết rằng vụ ấy đã được sắp đặt sẵn nên rất ít ai tin để tự biến mình thành kẻ ngố “ta” thì khốn. Nếu có thể, chỉ tin duy nhất một người chính là “ca sĩ bán rau” Tần Khánh. Nhưng tiếc rằng bầu trời sao nhạc Việt lại chẳng bao giờ có chỗ chen chân cho mấy anh, mấy ả hàng rau nên Tần Khánh cứ mãi ôm giấc mộng ấy cho đến ngày về cõi thiên thu. Bởi lẽ lấy đâu ra cơ hội nổi tiếng cho những người có đam mê như Tần Khánh, khi mà công nghệ lăng-xê ngoảnh mặt làm ngơ trước những giấc mơ của chủ nhân một sạp rau, còn các đại gia chẳng ai chịu chơi món hàng đồng tính với anh.
Chẳng biết đến bao giờ các sao nhạc Việt vượt qua ngưỡng 30% sự thành công dành cho giọng ca và phong cách biểu diễn, còn lại trên 70% chia đều cho công nghệ PR, các vụ scandal khó đỡ và phần lớn là “chiếc gậy chống lưng” của các đại gia. Nghĩ mà cám cảnh cho làng ca nhạc Việt.
Phương Thảo