Ai chịu trách nhiệm?

29-03-2012 11:02 AM | Xã hội

Sau khi báo SK&ĐS có bài “Chịu trách nhiệm” trên số 36 ra ngày 3/3/2012, chúng tôi nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi chứng tỏ vấn đề “Chịu trách nhiệm” hiện nay đang được bạn đọc rất quan tâm.

LTS: Sau khi báo SK&ĐS có bài “Chịu trách nhiệm” trên số 36 ra ngày 3/3/2012, chúng tôi nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi chứng tỏ vấn đề “Chịu trách nhiệm” hiện nay đang được bạn đọc rất quan tâm. Xin giới thiệu một trong những ý kiến trao đổi lại của ThS. Ngô Đồng đang công tác tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Trách nhiệm gắn với nghĩa vụ và quyền lực. Quyền càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Trong gia đình, người vợ, người con luôn mong có một người chồng, người cha sống có trách nhiệm. Bên ngoài xã hội, người dân chỉ mong quan chức có trách nhiệm với vai trò công bộc của mình.

Khi nói “mong” nghĩa là trong cuộc sống trách nhiệm luôn bị “thiếu”, vì thiếu nên cần phải nhắc nhở nhau nhiều là hãy sống có trách nhiệm, nhưng nói mãi rồi mà trách nhiệm vẫn cứ lơ lửng tận đâu. Sống thiếu trách nhiệm bao giờ cũng dễ, bởi nó gắn với lợi ích riêng tư, trong khi đòi hỏi trách nhiệm là gắn với lợi ích cộng đồng, tập thể.

Chúng ta vẫn thường nói: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi tổ chức mình, ngành mình, tỉnh mình, huyện mình... có “vấn đề”! Nhưng rồi, dư luận cứ râm ran rỉ tai nhau từ năm này qua năm khác rằng, vụ này bị “chìm xuồng”... đã xử theo “ân sủng” của cấp có thẩm quyền!? Cái thì ông A can thiệp, cái thì bộ B thụ lý hồ sơ... Vậy là trách nhiệm lại bị bỏ ngỏ.

Khi vụ việc Tiên Lãng xảy ra, phản ứng của một số cán bộ địa phương có phần tiêu cực, thiếu trách nhiệm khiến cho vụ việc phức tạp. Trước khi có kết luận cuối cùng của Thủ tướng, trách nhiệm vụ việc bị “nghiêng” về phía người dân.

Gần đây, “Dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động nhiếp ảnh” có bổ sung một số điều để “lái” những vụ việc lùm xùm do việc chụp ảnh khỏa thân tung lên mạng. Người có trách nhiệm của dự thảo phát biểu: “Luật pháp hiện hành không quy định chụp ảnh nude, nếu họ chụp để làm tư liệu cá nhân thì không sao... Việc tung lên mạng là một xu hướng rất khó quản lý, bởi nó thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện nay, họ cũng bó tay với chuyện này”. Phát biểu trên thể hiện trong lĩnh vực văn hóa đôi chỗ cũng rất “khó” nói chuyện trách nhiệm?

Nói “không” với trách nhiệm rất đáng trách, nhưng tệ hơn là “đùn đẩy” trách nhiệm cho người khác, nếu rủi không có “người khác” thì đổ trách nhiệm cho mọi thứ chung chung hay trừu tượng nào đó, như yếu tố khách quan chẳng hạn. Vừa qua, khi gas đồng loạt tăng giá bị báo chí phản ánh thì Cục này lại nói đó thuộc trách nhiệm của Bộ kia, thật không biết đâu mà lần.
 
Khi tai nạn đường sắt có xu hướng gia tăng thì có tiếng nói là “đừng đề cập tới trách nhiệm thuộc về ai, về ngành nào, mà trách nhiệm đó thuộc về toàn dân”. Chúng ta vẫn nghe nói tới “sự nghiệp toàn dân” mà chưa thực hiện được “trách nhiệm toàn dân”. Cứ đà này thì mọi cái xấu như ô nhiễm, rác thải, ùn tắc giao thông, thất nghiệp... có lẽ cũng thuộc “trách nhiệm toàn dân” hết, nhưng nếu may mà có thành tích nào đó thì thông thường thành tích đó lại thuộc về người có trách nhiệm.

Hằng ngày, đọc báo, xem truyền hình đâu đó chúng ta vẫn thấy ở nước ngoài có những sự kiện kiểu: bộ trưởng từ chức vì lạm phát leo thang, thất nghiệp tăng mạnh, hay từ chức vì một cây cầu nào đó bị gãy, một tòa nhà bị sập... Ở ta, hành động nhận trách nhiệm như vậy thường bị xem là hành động lạ đời, rất ít người ca ngợi và thể hiện trách nhiệm kiểu vậy thì phải?          

ThS.Ngô Đồng


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH