Tất cả nạn nhân các vụ tai nạn sẽ được tiếp nhận ngay lập tức và được điều trị miễn phí tại khoa cấp cứu của các bệnh viện công trên toàn quốc. Đó là chính sách mới của chính phủ Ai Cập
Bộ trưởng Y tế Ai cập Adel Adawy phổ biến chính sách mới
Quyết định này được thực hiện chính thức từ ngày 21/6 vừa qua. Theo đó, Bộ trưởng Y tế Adel Adawy cho biết tất cả các trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông không tham gia bảo hiểm y tế hoặc không có đủ tiền chữa bệnh sẽ được điều trị miễn phí. “Chính sách này sẽ được áp dụng ngay lập tức” Mohamed Sultan, người đứng đầu Cục Điều trị Cấp cứu Ai Cập (Bộ Y tế Ai Cập) cho biết. Bộ Y tế Ai Cập dự kiến sẽ tăng giờ khám bệnh vào buổi tối (kéo dài đến 9h tối) để điều trị xử lý hết các ca bệnh trong ngày và giảm tải bệnh nhân.
Quyết định trên của Bộ Y tế Ai Cập được đưa ra sau vụ việc nạn nhân một vụ tấn công tình dục tại quảng trường Tahrir ngay trong ngày nhậm chức của tân Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã phải lưu lại trên xe cấp cứu trong 12 giờ trước khi tìm được một bệnh viện đồng ý điều trị. Nguyên nhân là do bệnh nhân trên không có tiền, không có thẻ bảo hiểm y tế. Sự việc này khiến cho dư luận Ai Cập tỏ ra bất bình và gây ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ.
Bộ trưởng Y tế Adel Adawy đã sa thải những bác sỹ ở khoa Tiếp nhận và Cấp cứu thuộc Bệnh viện công El-Mounira ở trung tâm Cairo, đồng thời thuyên chuyển công tác một bác sỹ phụ khoa trong kíp trực do không phối hợp với Trung tâm Cấp cứu để chuyển nạn nhân tới các bệnh viện khác. Trước đó, ở một số bệnh viện công Ai Cập cũng đã xảy ra tình trạng không tiếp nhận hoặc “từ chối khéo” các bệnh nhân bị tai nạn giao thông không có tiền và bảo hiểm y tế.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ tính riêng tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ ở Ai Cập đã lên tới 24 ca trên 100.000 dân với khoảng 12.000 người thiệt mạng mỗi năm. Vì thế, chính sách mới điều trị miễn phí cho các bệnh nhân tai nạn giao thông ở nước này được đánh giá tích cực.
“Quyết định này có ý nghĩa rất lớn đối với người dân, đặc biệt đối với người dân nghèo và cận nghèo ở Ai Cập”. Một người dân Ai Cập nhận định.
Theo thống kê của LHQ, tỷ lệ người nghèo (thu nhập dưới 2 USD/ngày) ở Ai Cập rất lớn, khoảng 25%. Trong khi đó, tỷ lệ tai nạn giao thông ở Ai Cập cũng xếp vào hàng cao nhất thế giới.
Người dân Ai Cập cho biết họ đồng tình với quyết định mới. “Quyết định miễn phí điều trị các nạn nhân tai nạn giao thông thể hiện quyết tâm của chính phủ trong các nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội cho người dân”. Anh Abu Hamed, một người dân Ai Cập cho biết. “Nó cũng là một bước đi quan trọng nhằm cải thiện chất lượng phục vụ của ngành y tế Ai Cập đối với người dân chúng tôi”.
Cùng với chính sách trên, bắt đầu từ ngày 1/7, chính phủ Ai Cập cũng đã nhất trí áp dụng mức lương cơ bản mới đối với lao động làm việc trong lĩnh vực công, trong đó có ngành y tế trong năm tài chính 2014-2015. Thủ tướng Ibrahim Mahlab đánh giá đây là "bước đi đầu tiên nhằm thực hiện công bằng xã hội". Theo đó, người lao động trong lĩnh vực công sẽ được nhận tối thiểu 1.200 bảng Ai Cập (tương đương 167 USD) mỗi tháng và tối đa 42.000 bảng (khoảng 6.900 USD), cao hơn 35 lần so với mức lương tối thiểu. Mức lương của các y tá, bác sỹ cũng được nâng lên đáng kể tùy theo từng vị trí đảm nhiệm và trình độ chuyên môn.
Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách mới điều trị miễn phí cho người gặp tai nạn giao thông cũng đặt ra không ít thách thức đối với chính phủ Ai Cập. Dự kiến, ngân sách để thực hiện chính sách mới trên sẽ ngốn khoảng 5 tỷ bảng Ai Cập (hơn 650 triệu USD) mỗi năm. Trong bối cảnh kinh tế xã hội Ai Cập chưa hồi phục sau khủng hoảng chính trị, số tiền này quả thật là một khó khăn.
Nhật Quang (The Cairopost, RFI)