Ai cần tầm soát sớm ung thư gan?

24-09-2020 11:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Việt Nam nằm trong top những quốc gia có tỷ lệ ung thư gan cao nhất thế giới, trong 100.000 người thì có khoảng 23-24 người mắc bệnh. Tình trạng này xảy ra là do phát hiện bệnh quá muộn, giai đoạn phát triển của bệnh đã đi vào giai đoạn cuối. Lúc này việc điều trị rất khó khăn, tỷ lệ có thể kéo dài tuổi thọ thấp.

Tầm soát ung thư gan giúp phát hiện được bệnh ở giai đoạn rất sớm, ngay cả khi chưa có triệu chứng. Ở giai đoạn sớm, bác sĩ phẫu thuật để loại bỏ khối u giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và không để lại di chứng. Phẫu thuật ở giai đoạn này còn giúp ngăn chặn khối u di căn đến các cơ quan khác trên cơ thể.

Bệnh nhân mắc ung thư gan khi mới 20 tuổi

Vừa qua, Khoa Phẫu thuật Gan mật tuỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân mắc ung thư gan khi mới 20 tuổi, bệnh nhân có tiền sử viêm gan virus B chưa điều trị, biểu hiện đau tức hạ sườn phải 1 tháng, đi siêu âm phát hiện khối u kích thước rất lớn với đường kính trên 15cm, các chỉ số ung thư như AFP và PIVKA II đều tăng rất cao. Bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi cắt gan, sau mổ sức khỏe hồi phục tốt, ra viện vào ngày thứ 6 và tiếp tục được theo dõi định kỳ sau mổ.

Đối tượng nào cần tầm soát ung thư gan sớm?

Vượt qua ung thư phổi, ung thư gan trở thành bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nước ta. Do phát hiện muộn nên tỷ lệ tử vong rất cao trong khi bệnh không khó phát hiện. Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất thế giới, bệnh có xu hướng gia tăng. Theo GLOBOCAN 2018, với 19.568 ca mắc mới, ung thư gan vượt qua ung thư phổi (16.722 ca) trở thành bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nước ta.

Đáng lưu ý đây cũng là loại ung thư có tỷ lệ tử vong hàng đầu cho cả hai giới. Đa số bệnh nhân đến khám khi đã muộn, thời gian sống trung bình không quá 1 năm. 60% đến viện khi đã ở giai đoạn trung gian và tiến triển, tỷ lệ được phát hiện sớm rất thấp.

Trong khi đó, ung thư gan chữa được nếu phát hiện sớm. Có rất nhiều cách chữa trị như phẫu thuật cắt bỏ phần gan có khối u, ghép gan, nút mạch gan bằng hóa chất, xạ trị, hóa trị...

Thông thường chia làm 2 nhóm đối tượng có khả năng mắc ung thư gan cao lần lượt như sau: Đang nhiễm virus và các bệnh liên quan đến gan như: Tiền sử gia đình có người bị ung thư gan. Virus viêm gan B và viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát.

Viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác như đái tháo đường type 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ,... Gan nhiễm mỡ không do rượu. Mắc các bệnh khác nhưng có nguy cơ bị ung thư gan. Các bệnh béo phì, tiểu đường làm tăng nguy cơ bị ung thư gan. Xơ gan do sử dụng rượu bia, các chất kích thích quá nhiều....

Khi có những biểu hiện như thường xuyên mệt mỏi, nước tiểu có màu vàng đậm, đau âm ỉ vùng gan, xuất huyết dưới da thì cũng nên khám thường xuyên để nhận được lời khuyên của bác sĩ.

Các phương pháp tầm soát ung thư gan

Hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư gan phổ biến nhất là:

Xét nghiệm máu tìm dấu vết AFP trong máu: AFP là một loại protein có trong thai nhi, tuy nhiên sau khi trưởng thành thì tỷ lệ AFP trong máu rất thấp. Bệnh nhân mắc ung thư gan thì chỉ số AFP tăng lên bất thường. Tuy nhiên, khi xét nghiệm bước đầu mà chỉ số AFP tăng, không có nghĩa là mắc bệnh ung thư. Việc chỉ số AFP tăng là biểu hiện nghi ngờ ung thư gan, bạn nên thực hiện các phương pháp tầm soát khác theo chỉ dẫn của bác sĩ để kết luận chắc chắn hơn tình trạng bệnh của mình. Trong giai đoạn điều trị ung thư gan thì chỉ số AFP có tác dụng theo dõi tiến trình chữa bệnh, kiểm tra khả năng di căn của khối u.

Phương pháp siêu âm gan: Siêu âm gan có thể phát hiện được khối u nhỏ hơn 1cm với chi phí tiết kiệm và không ảnh hưởng đến cơ thể. Ngoài ra siêu âm gan còn giúp phát hiện xơ gan và một số bệnh khác về gan.

Dựa vào hình ảnh của siêu âm gan mà các bác sĩ có thể xác định được các thương tổn của gan. Kết hợp siêu âm gan với xét nghiệm máu tìm dấu vết AFP sẽ cho ra kết quả chẩn đoán chính xác hơn việc thực hiện riêng lẻ từng phương pháp.


BS. Lê Trung Hiếu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)
Ý kiến của bạn