Ai cần phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành?

19-01-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Hơn 20 năm qua, từ những ca phẫu thuật mạch vành lẻ tẻ tại một số trung tâm phẫu thuật lớn trong cả nước đến nay nó đã trở thành phẫu thuật ...

Hơn 20 năm qua, từ những ca phẫu thuật mạch vành lẻ tẻ tại một số trung tâm phẫu thuật lớn trong cả nước đến nay nó đã trở thành phẫu thuật thường quy ở nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn ở nước ta. Có hàng ngàn bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành.

Bệnh lý mạch vành là nguyên nhân thường gặp nhất trong các bệnh lý tim mạch ở người lớn tuổi. Nó gây ra do sự lắng đọng cholesterol vào thành của động mạch vành làm cản trở dòng máu đến nuôi cơ tim. Các bệnh lý động mạch vành thường gây ra những triệu chứng đau ngực hoặc nặng nề là nhồi máu cơ tim. Điều trị bệnh lý động mạch vành bao gồm thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn, giảm cân nặng, giảm cholesterol, kiểm soát đái tháo đường, tăng huyết áp. Bỏ thuốc lá nếu có thể. Nhiều bệnh nhân cần phải dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, một số bệnh nhân cần phải can thiệp lập lại dòng chảy động mạch vành bằng cách đặt stent hoặc mổ bắc cầu nối động mạch vành.

Phẫu thuật nối chủ vành.

Phẫu thuật nối chủ vành.

Phẫu thuật cầu nối động mạch vành là tạo ra một mạch máu mới nhằm cung cấp máu đến vùng cơ tim mà mạch vành bình thường bị nghẽn tắc. Trong phần lớn các trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng ít nhất một mạch máu là động mạch vú trong làm cầu nối. Các mạch máu khác có thể dùng làm cầu nối là mạch ở chân (tĩnh mạch chân) hoặc ở tay (động mạch). Hầu hết các ca, phẫu thuật phải mở một đường mổ ở giữa ngực. Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật sẽ tiến hành trên quả tim ngừng đập (dùng tim phổi nhân tạo). Nhưng cũng có trường hợp bác sĩ phẫu thuật khi tim đang đập.

Trường hợp nào cần phải phẫu thuật bắc cầu nối?

Các thầy thuốc tim mạch sẽ cân nhắc xem bệnh nhân có cần phải phẫu thuật hay không? Vị trí, số lượng các mạch máu bị tắc của động mạch vành thường sẽ quyết định lựa chọn điều trị cho mỗi bệnh nhân. Nếu như trước đó bệnh nhân đã đặt stent giờ đây bị hẹp lại mà không phù hợp với đặt stent nữa có thể sẽ được phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành. Hoặc nếu bệnh nhân cần phải thay van tim mà cũng có tổn thương động mạch vành thì có thể phẫu thuật thay van tim và mổ cầu nối động mạch vành. Những bệnh nhân phải mổ phình tách động mạch chủ, có thể cũng sẽ phải mổ bắc cầu nối chủ vành kèm theo.

Những điều cần làm sau khi phẫu thuật

Sau phẫu thuật vài giờ bệnh nhân sẽ được rút nội khí quản cùng một số các ống nối ở ngực. Lúc này người bệnh vẫn được truyền một số thuốc và dịch truyền, một số có thể được truyền máu. Ngoài aspirin, các thuốc khác như chẹn bêta, ức chế men chuyển, các thuốc hạ mỡ máu cũng sẽ được kê cho bệnh nhân.

Sau ngày đầu tiên, bệnh nhân đã có thể dậy và đi lại. Hầu hết các bệnh nhân sau phẫu thuật đều hồi phục nhanh chóng và ra viện một tuần sau phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành. Người bệnh có thể đi xe đạp hoặc xe máy sau 3 tuần phẫu thuật và quan hệ vợ chồng sau 3 - 4 tuần sau phẫu thuật. Giới hạn nhiều nhất là hoạt động liền vết thương của xương ức. Như các xương khác, xương ức sẽ hồi phục hoàn toàn ở tuần thứ 12. Vì vậy, các hoạt động tập thể dục hoặc các hoạt động thể thao hoặc các công việc nặng nên tránh khi xương ức hồi phục hoàn toàn.

Các biến chứng thường gặp ngay sau phẫu thuật cầu nối động mạch vành là nhịp tim nhanh và không đều (rung nhĩ). Các biến chứng nguy hiểm hơn thường gặp là tai biến mạch não (1 - 2% bệnh nhân) và nhiễm trùng xương ức (1 - 2% bệnh nhân).

Khi nào người bệnh có thể đi làm lại?

Trở lại với công việc phụ thuộc nhiều vào tình trạng hồi phục của bệnh nhân cũng như phụ thuộc vào công việc có đòi hỏi nhiều các hoạt động nặng hay không. Nếu làm công việc nhẹ nhàng như ở trong văn phòng, người bệnh có thể trở lại làm việc sớm từ 4 - 6 tuần sau phẫu thuật. Nếu làm những hoạt động tay chân như xây dựng, mang vác nặng, bạn có thể trở lại làm việc hoàn toàn sau 12 tuần. Bạn cũng có thể trao đổi với thầy thuốc về công việc để bác sĩ có thể có lời khuyên giúp bạn trở lại với công việc.

Sau phẫu thuật cầu nối động mạch vành, người bệnh nên đi kiểm tra đều đặn. Các bác sĩ sẽ theo dõi các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân để điều chỉnh như mức cholesterol, huyết áp, đường máu. Kiểm soát cân nặng và bỏ thuốc lá là hai yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống người bệnh sau phẫu thuật.

TS.BS. Phạm Như Hùng (Viện Tim mạch Việt Nam)

 

 


Ý kiến của bạn