Ai cần phải siêu âm tim?

20-05-2025 19:24 | Phòng mạch online

SKĐS - Siêu âm tim được xem là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh vô cùng cần thiết khi kiểm tra sức khỏe tổng quát, tầm soát các bệnh lý cũng như những biến chứng nguy hiểm về tim mạch.

8 bí quyết duy trì một trái tim khỏe mạnh8 bí quyết duy trì một trái tim khỏe mạnh

SKĐS - Lối sống ít vận động cùng với chế độ ăn uống nhiều chất béo là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch. Hãy thực hiện 8 bí quyết duy trì một trái tim khỏe mạnh dưới đây.

Ngoài việc khám sức khỏe định kỳ thì khi nào phải siêu âm tim, đối tượng nào cần phải siêu âm tim?

Tim là cơ quan quan trọng hàng đầu với cơ thể người, là trung tâm của hệ tuần hoàn máu đi nuôi các tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể. Bất cứ vấn đề sức khỏe hay bệnh lý nào ở tim đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cơ thể cũng như hoạt động của các cơ quan.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch

Các nguyên nhân chính của bệnh tim mạch chủ yếu liên quan đến các thói quen sinh hoạt hàng ngày và hầu hết các bệnh tim mạch có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi các yếu tố nguy cơ, hành vi này.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý tim mạch như:

Trong thuốc lá có chất Nicotine và Carbon monoxide, chính là nguyên nhân gây co thắt các mạch máu, xơ vữa động mạch. Các chất này gây tăng nhịp tim, bóp nghẹt các động mạch lớn và làm cho nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến loạn nhịp tim... khiến hoạt động của tim kém hiệu quả và trở nên khó khăn hơn.

Ít vận động, hoạt động thể dục thể thao sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những người thường xuyên tập thể dục. Căng thẳng kéo dài có thể làm hỏng các động mạch và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.

Thừa cân, béo phì sẽ góp phần gia tăng tổng mức cholesterol trong máu, đồng thời mang đến nguy cơ huyết áp cao và bệnh mạch vành. Có thể nói béo phì là một yếu tố nguy cơ mang đến nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể gây ra bệnh tim mạch.

Tăng cholesterol máu gây hình thành các mảng xơ vữa động mạch. Các chất béo bão hòa này làm gia tăng lượng cholesterol "xấu" (LDL), tạo ra những mảng bám trên thành động mạch và bắt đầu quá trình xơ vữa động mạch. Khi các mảng bám tích tụ trong các động mạch vành cung cấp máu cho tim, nguy cơ đau tim sẽ tăng cao.

Tăng huyết áp có thể dẫn đến xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu. Chứng cao huyết áp sẽ dẫn đến nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nếu kết hợp thêm cả béo phì, nghiện thuốc lá và cholesterol cao thì nguy cơ bệnh tim hay đột quỵ sẽ tăng lên đáng kể.

Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Một phần của nguyên nhân này là do bệnh đái tháo đường làm ảnh hưởng đến cholesterol và triglyceride, ngoài ra người bị đái tháo đường cũng có thể bị huyết áp cao và béo phì kèm theo, do vậy nguy cơ cũng cao hơn.

Người lớn tuổi càng tăng nguy cơ hẹp động mạch, suy yếu mạch máu, động mạch xơ cứng làm giảm độ đàn hồi thành mạch gây tăng huyết áp hoặc phì đại động mạch.

Bệnh lý tim mạch gây đau tim có thể tiến triển nhanh, gây suy giảm chức năng tim nghiêm trọng nên cần khám và điều trị sớm.

Siêu âm tim được xem là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh vô cùng cần thiết khi kiểm tra sức khỏe tổng quát

Triệu chứng nhận biết sớm nhất bệnh tim

Khi có vấn đề tim mạch các biểu hiện có thể là: Khó thở là biểu hiện nghi ngờ đầu tiên, khó thở xuất hiện từ từ, tăng lên khi người bệnh gắng sức, đặc biệt khi nằm xuống.

Người bệnh tim luôn có cảm giác bị đè nặng trong ngực, đau tức ngực, tuy nhiên cũng xuất hiện ở các bệnh lý khác như hô hấp, thần kinh.

Người bệnh tim thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức: Cơ thể mệt mỏi, kiệt sức khi thực hiện các hoạt động thường ngày. Đây là dấu hiệu thiếu máu đến tim, não và phổi.

Tim bơm máu không đủ để cung cấp cho cơ thể khiến máu bị ứ lại. Dịch ứ ở phổi lâu ngày gây tình trạng ho mạn tính, thở khò khè.

Ngoài ra, người bệnh tim sẽ cảm nhận được mạch không đều: Tim đập với tốc độ nhanh hơn, đánh trống ngực hoặc đập dồn dập. Thở nhanh, lo lắng, lòng bàn tay đổ mồ hôi.

Những người cần siêu âm tim

Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật siêu âm tim đối với những bệnh nhân có xuất hiện các triệu chứng về tim hoặc mạch máu như loạn nhịp tim, tăng huyết áp, đau thắt ngực, khó thở…

Bên cạnh đó những bệnh nhân khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường về tim mạch thông qua các xét nghiệm khác như: Chụp x-quang phổi thấy bóng tim to, nghe thấy tiếng tim bất thường bằng ống nghe… cũng sẽ được chỉ định thực hiện siêu âm tim để kiểm tra tình trạng tim mạch một cách kỹ lưỡng hơn.

Ngoài ra, nếu bạn đang gặp phải các biểu hiện nghi ngờ liên quan đến tim cũng nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thực hiện siêu âm tim kịp thời. Bao gồm:

  • Chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, đau thắt vùng ngực.
  • Cảm thấy khó thở, nhịp tim không ổn định, đập loạn nhịp lúc nhanh lúc chậm. Đặc biệt khi làm việc nặng tim đập nhanh, hụt hơi, thở khó khăn, nôn ói.
  • Xuất hiện các triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim như: Đau cánh tay, đau vùng vai trái, đau lưng, đau cổ hay hàm.
  • Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ có thể tới thăm khám tại khoa Nội tim mạch để được các bác sĩ khám, tư vấn và siêu âm tim nhằm phát hiện những bất thường trong thời gian sớm nhất.

Tóm lại bệnh tim là một trong những bệnh nguy hiểm, diễn biến hết sức phức tạp và là bệnh có nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nguy cơ tử vong, gánh nặng cho ngành y tế. Vì vậy, khi thấy có biểu hiện nghi ngờ người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bệnh.

5 biện pháp để ổn định huyết áp và bảo vệ tim mạch5 biện pháp để ổn định huyết áp và bảo vệ tim mạch

SKĐS - Bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi, xuất hiện nhiều ở những người 30 đến 40 tuổi. Các bệnh tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong toàn cầu, chiếm khoảng 31% tổng số ca tử vong mỗi năm.

BS Ngô Hồng Hạnh
Ý kiến của bạn