Hà Nội

Ai bảo vệ thầy thuốc?

01-08-2014 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Vụ việc hành hung bác sĩ ở BV Bạch Mai sáng 25/7 vừa qua khiến một điều dưỡng đang mang thai tháng thứ 7 choáng, ngất đã gây phẫn nộ trong dư luận

Vụ việc hành hung bác sĩ ở BV Bạch Mai sáng 25/7 vừa qua khiến một điều dưỡng đang mang thai tháng thứ 7 choáng, ngất đã gây phẫn nộ trong dư luận. Bệnh viện hay cơ sở y tế nói chung là nơi cứu chữa người bệnh, đem lại sự sống cho con người nhưng đang phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Điều trớ trêu thay, sự hiểm nguy đó đến từ việc người nhà bệnh nhân hành hung thầy thuốc, đập phá cơ sở chữa bệnh… Có bác sĩ cấp cứu đã phải thốt lên đầy ai oán trên trang cá nhân của mình: Ai bảo vệ chúng tôi?

Từ chửi bới đến dao kề cổ

Tin từ cơ quan công an cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Tiến Dũng (35 tuổi, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Dũng là người đã có những hành động đánh điều dưỡng Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai bị choáng, ngất và đập phá Khoa Cấp cứu.

Hình ảnh cơ sở y tế bị đối tượng côn đồ tấn công. Ảnh: Nhật Thắng

Hình ảnh cơ sở y tế bị đối tượng côn đồ tấn công. Ảnh: Nhật Thắng

Đã có không ít vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại các bệnh viện lớn ở các địa phương: Thái Bình, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nội... Cụ thể như vụ đối tượng Nguyễn Văn Dũng (SN 1993, trú tại xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, Thái Bình) đâm chết BS. Phạm Văn Giàu (59 tuổi) và đâm trọng thương BS. Ngô Văn Hoàn (30 tuổi) vào rạng sáng 16/8/2011 tại Bệnh viện huyện Vũ Thư (Thái Bình) hay vụ BS. Phạm Thị Nguyệt (SN 1958, Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Lào Cai) bị giết trong ca trực đêm 10/6/2012; vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương xảy ra vào ngày 3/11/2011...

Những việc hành hung trên đây là những vụ điển hình và công luận biết đến. Còn hàng loạt những vụ đe dọa với tính chất quy mô nhỏ mà hàng ngày, hàng giờ các bác sĩ, nhân viên y tế vẫn phải gánh chịu mà không biết kêu ai. Sau khi sự việc hành hung bác sĩ tại BV Bạch Mai được báo chí thông tin, anh N.T.C. - nhân viên Phòng Cấp cứu, Bệnh viện huyện An Lão (TP. Hải Phòng) bức xúc chia sẻ với phóng viên, mặc dù không bị hành hung như vậy, nhưng anh và các đồng nghiệp cũng không ít lần “toát mồ hôi” với những lời lẽ đe dọa từ người nhà bệnh nhân, thậm chí là dao kề cổ với những lời dọa nạt như “mày không cấp cứu cẩn thận, coi chừng tao đâm” và kèm theo những lời nói khiếm nhã “cái bọn này phải thế nó mới làm hoặc phải nhét cho nó ít tiền mới xong...”. Tất nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đều như vậy, nhưng nếu gặp phải những trường hợp ấy thì “cũng hồn bay phách lạc”. Như vậy hệ lụy là bản thân các cán bộ y tế không yên tâm, chắc chắn hiệu quả khám chữa bệnh sẽ không cao và cuối cùng người bệnh vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. BS. Ngô Đức Hùng - bác sĩ trực chính trong ca trực ngày 25/7 tại BV Bạch Mai đã phải thốt lên: “Ai sẽ là bảo vệ để chúng tôi có thể yên tâm làm chuyên môn một cách chính đáng?”.

Chia sẻ về những nỗi lo từ góc nhìn của bác sĩ tiếp nhận và xử lý bệnh nhân, BS. Nguyễn Văn Thanh - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong quá trình làm việc đã có nhiều tình huống bất ngờ, vượt khả năng ứng phó của các nhân viên y tế. Đã có nhiều nhân viên y tế của bệnh viện từng bị người nhà bệnh nhân đe dọa hành hung, trang thiết bị bị đập phá.

Nhu cầu được bảo đảm an toàn trong khám, chữa bệnh của người dân cũng như nhu cầu được hành nghề khám chữa bệnh trong điều kiện an toàn của người thầy thuốc và nhân viên y tế là đòi hỏi chính đáng của cả hai phía. Tuy nhiên, vì sao tình trạng bất ổn tại các bệnh viện vẫn chưa được giải quyết triệt để vẫn là câu hỏi còn để ngỏ?

Vì đâu?

Nguyên nhân của tình trạng trên tồn tại cả ở trong và ngoài bệnh viện. Những nguyên nhân xuất hiện bên trong bệnh viện như tình trạng quá tải bệnh viện, hạ tầng cơ sở xuống cấp cũng như thiết kế bệnh viện chưa phù hợp khiến kẻ gian dễ trà trộn vào bệnh viện; lãnh đạo bệnh viện chưa quan tâm đúng mức, chưa xem an ninh trật tự (ANTT) bệnh viện là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, chưa phân bổ nguồn lực hợp lý cho công tác này; chưa xây dựng được mạng lưới về ANTT từ cấp bệnh viện xuống các khoa phòng...

Những nguyên nhân ngoài bệnh viện được các chuyên gia nhìn nhận đó là tình hình ANTT xã hội đang diễn biến phức tạp, tội phạm xảy ra ở nhiều nơi; nhận thức của một bộ phận người dân về hoạt động của ngành y tế chưa đúng nên dễ bức xúc, manh động; chính quyền địa phương, công an trên địa bàn chưa có sự phối hợp, trấn áp tội phạm hiệu quả, chưa có sự phối hợp chặt chẽ khi sự cố xảy ra...

Còn về phía người bệnh và thân nhân của họ qua tiếp xúc có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau. Có người cho rằng không có lửa thì sẽ không có khói và vì bức xúc trước thái độ thờ ơ, thiếu trách của cán bộ ngành y và đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người thân mình nên họ cho mình cái “quyền” được làm như vậy với bác sĩ. Từ góc độ người nhà bệnh nhân, chị Nguyễn Thị Hảo (ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, hành hung bác sĩ là sai và người nhà cũng không thể đánh bác sĩ sau đó biện minh là do họ tắc trách nên người thân mình bị chết. Đúng hay sai thì sẽ có pháp luật, các cơ quan chức năng đứng ra làm sáng tỏ chứ không thể hành xử kiểu giang hồ như vậy được. Chị Hảo cũng thẳng thắn, theo tôi, khi nào giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa bác sĩ và bệnh nhân trong ứng xử, giao tiếp hoặc chí ít là nhân viên y tế giải thích cặn kẽ, chu đáo về tình trạng người bệnh thì sẽ không xảy ra những sự việc đáng tiếc trên...

Để nâng cao công tác đảm bảo ANTT ở các cơ sở y tế, nhiều cơ sở y tế địa phương đã ký quy chế phối hợp giữa ngành y tế và cơ quan công an. Tại Hà Nội, Công an thành phố đã ký quy chế phối hợp giữa ngành công an với Sở Y tế và các bệnh viện trên địa bàn. Theo đó, hiện có trên 100 bệnh viện, viện nghiên cứu, trong đó có 24 bệnh viện, viện nghiên cứu Trung ương, 19 bệnh viện của các Bộ, ngành; trên 7.100 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân rất lớn, do vậy các bệnh viện thường xuyên bị quá tải. Lợi dụng tình trạng này, kẻ xấu đã hoạt động phạm tội. Bên cạnh đó, lượng người đến khám bệnh đông nên phương tiện qua lại xung quanh các bệnh viện cũng là một “điểm nóng” về ANTT... Từ khi có quy chế phối hợp, các bệnh viện trên địa bàn luôn có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết.

Hiện Bộ Y tế đã đưa an ninh trật tự là 1 trong 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Chính vì vậy, các bệnh viện đã triển khai hàng loạt biện pháp như củng cố lực lượng bảo vệ bệnh viện, lắp đặt camera giám sát tại những khu vực nhạy cảm... nhưng dường như vẫn chưa đủ sức ngăn ngừa tận gốc rễ việc hành hùng thầy thuốc. Trong số báo 123 ra ngày 4/8/2014, chúng tôi sẽ đi sâu hơn về vấn đề này.

Một trong những hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự là Bộ Y tế đã đưa an ninh trật tự tại bệnh viện là một trong 83 tiêu chí đánh giá trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện được ban hành theo Quyết định 4858/ QĐ-BYT ngày 3/12/2013. Đây thể hiện sự quan tâm của Bộ Y tế với công tác an ninh bệnh viện, coi nhiệm vụ đảm bảo an toàn người bệnh, an toàn cho nhân viên y tế cần được coi trọng không kém với công tác đảm bảo chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, nguyên nhân của an ninh bệnh viện chưa được tốt là do nhận thức của cán bộ ngành y tế về vai trò công tác xã hội trong bệnh viện hiện nay chưa đầy đủ. Bên cạnh những giải pháp về khoa học, thiết bị, cần có sự phối hợp của bệnh viện và chính quyền địa phương (bởi một mình ngành y không thể làm nổi việc này), đồng thời cần tuyên truyền giáo dục để người bệnh cũng như người thân cùng tham gia xây dựng, đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự bệnh viện, đặc biệt là trong những tình huống xảy ra tai biến y khoa cần bình tĩnh xử trí, không vội vàng ứng xử thô bạo với thầy thuốc.

Nhóm PV YTĐP

 


Ý kiến của bạn