AHLĐ, GS.TS. Nguyễn Anh Trí, ứng cử viên ĐBQH khóa XIV: Trăn trở những vấn đề của y tế nước nhà

18-05-2016 11:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Thật khó để bắt đầu bài viết này về ông - một Giáo sư, Anh hùng lao động, công dân Thủ đô ưu tú Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu TƯ...

Thật khó để bắt đầu bài viết này về ông - một Giáo sư, Anh hùng lao động, công dân Thủ đô ưu tú Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu TƯ, không chỉ bởi đã có nhiều người biết, nhiều bài viết về ông mà còn bởi ở ông - một con người với nhiều góc khác nhau, không dễ dàng để phân tích hết. Ở một góc nào đó, như tôi biết, Nguyễn Anh Trí là một nhà khoa học, một bác sĩ tâm huyết và một Nguyễn Anh Trí thi sĩ, nhạc sĩ. Ba chữ “sĩ” (bác sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ) tưởng như không liên quan đến nhau nhưng hội tụ ở ông tạo nên một Nguyễn Anh Trí vừa nghiêm túc tận tụy trong khoa học nhưng lại đa cảm, tài hoa, yêu thương chân tình...

Gặp GS.TS. Nguyễn Anh Trí sau một ngày làm việc đã khá muộn ở phòng làm việc của ông tại Viện Huyết học và Truyền máu, GS. Trí vui vẻ, nhiệt tình dành cho chúng tôi những phút giây quý giá trong bộn bề công việc của một Viện trưởng đầu ngành về huyết học truyền máu. Ông cười, nụ cười hiền hậu, cách nói chuyện nhẹ nhàng, tình cảm pha chút hóm hỉnh. Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng chất giọng Quảng Bình trìu mến, da diết, dễ đi vào lòng người. Ông bảo, mặc dù đã sống và làm việc ở Hà Nội 40 năm nhưng chất giọng của đất mẹ Quảng Bình vẫn luôn theo ông trong từng lời ăn tiếng nói. Ông còn bảo, sống ở Hà Nội chừng ấy năm, trong đó có hơn 30 năm làm trong ngành y tế, bây giờ ông đã có đầy đủ cả danh hiệu như Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ cao cấp, Anh hùng Lao động, Công dân Thủ đô ưu tú và còn là thủ trưởng của một đơn vị anh hùng ông cũng mang ơn Hà Nội - Thủ đô văn minh, văn hiến nhiều lắm...

GS. Nguyễn Anh Trí đang hiến máu.

Trên 30 năm công tác trong ngành y tế, GS. Nguyễn Anh Trí đã trở thành người anh hùng của ngành huyết học và truyền máu trong cả nước. Ông đã triển khai nhiều kỹ thuật mới để chẩn đoán và điều trị máu. Rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống, nhờ những sáng kiến mới được áp dụng trong điều kiện Việt Nam. GS. Nguyễn Anh Trí còn được biết đến với vai trò là “kiến trúc sư trưởng” của ngành huyết học Việt Nam khi ông đã giải quyết cơ bản được một câu chuyện vốn vô cùng bế tắc trong y tế từ xưa đến nay, đó là tình trạng thiếu máu. Ông chính là người  khởi xướng hai phong trào lớn, “Lễ hội Xuân hồng” sau Tết Nguyên đán và “Hành trình đỏ” vào mùa hè. “Lễ hội Xuân hồng” hay “Hành trình đỏ” đã trở thành một biểu tượng đẹp về tình tương thân tương ái của người Việt. Một nghĩa cử nhân văn và là một hoạt động gắn liền với tên tuổi của GS. Nguyễn Anh Trí, một nhà khoa học, một nhà quản lý, một thầy thuốc tài năng, tài hoa, hết lòng yêu thương con người. Ngoài là một nhà khoa học, GS. Nguyễn Anh Trí còn là một thi sĩ, một nhạc sĩ với những ca khúc gắn với Lễ hội hiến máu, với đất nước và mẹ như  “Hành trình đỏ”, “Lễ hội Xuân hồng”, “Lời thỉnh cầu của mẹ biển Đông”... hay những bài thơ mộc mạc mà sâu sắc về mẹ, về quê hương trong tập thơ “Mẹ và những miền quê mẹ”, “Sống mãi với thu vàng”... Thơ hay nhạc của Nguyễn Anh Trí giản dị, gần gũi mà nặng triết lý bởi những vần thơ được viết ra bằng sự trải lòng một cách tự nhiên, chân thật nhất vì thế rất dễ chạm vào trái tim người đọc, người nghe...

Qua giây phút lắng đọng về những vần thơ của ông về mẹ, chúng tôi trở lại câu chuyện về nghề y và trọng trách của một công dân Thủ đô ưu tú. Chúc mừng ông được lọt vào danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông cười khiêm tốn và chia sẻ, ông rất may mắn và cũng đã chuẩn bị đầy đủ hành trang cho mình. Ông cho biết, từ sau khi tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, ông đã học thêm ĐH Luật. Bởi, theo ông, dù là một công dân bình thường hay là một nhà quản lý thì đều cần phải hiểu luật để tuân thủ pháp luật. Hơn nữa, ông chỉ còn hơn 1 năm nữa là về hưu, nên nếu trở thành ĐBQH, ông  sẽ có nhiều điều kiện và thời gian để thực hiện trọng trách của một ĐBQH. Đối với ông - một cán bộ trong ngành y tế, tự bản thân mình cảm thấy mình phải có trách nhiệm với ngành y. Ông cho rằng, Quốc hội là diễn đàn lớn để nếu được trở thành ĐBQH thì có thể đưa y tế đến gần nhân dân hơn và phục vụ tốt hơn cho nhân dân, vì  y tế là cuộc sống, y tế là sinh mạng... Ông đang mang trong mình 3 trọng trách khi vừa là một nhà khoa học, một nhà quản lý của một viện đầu ngành về huyết học và một giáo sư đại học, vì thế trong ông vẫn đau đáu những nỗi niềm. Đó là làm sao để có máu đầy đủ phục vụ cho bệnh nhân. Cả nước ta hiện nay mới thu được lượng máu đáp ứng khoảng 60% nhu cầu điều trị, còn 40% nữa nhưng cực kỳ khó khăn đồng nghĩa với việc hàng vạn bệnh nhân đang thiếu máu và cần máu điều trị... Giọng chùng xuống ông bảo “thiếu máu, bác sĩ chờ, bệnh nhân chờ. Thiếu máu, bác sĩ bất lực nhìn cơ hội sống của bệnh nhân trôi qua. Thiếu máu, bao nhiêu người phải đầu hàng số phận. Và nước mắt của nhiều bác sĩ đã nhỏ xuống, xót xa vì không có cách nào cứu sống được bệnh nhân...”. Thiếu máu phục vụ điều trị là một vấn đề lớn do đó cần phải có sự vào cuộc của toàn xã hội và phải được nêu ra tại những diễn đàn lớn.

Thứ hai nữa là bệnh tan máu bẩm sinh Thalasemia đang hoành hành dữ dội ở nước ta. Hiện nay cả nước ước tính có hơn 10 triệu người mang gen bệnh và có 2 vạn người đang bị bệnh rất nặng. Để chăm sóc 2 vạn người bệnh, một năm chúng ta phải tiêu tốn tới 2 nghìn tỷ đồng, gần một nửa số lượng máu tiếp nhận được hiện nay là phục vụ cho bệnh nhân này, một năm có khoảng hơn 2.000 cháu bé ra đời mang gen bệnh. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi cá nhân mà của cả giống nòi dân tộc. Trên thực tế phải có chương trình mục tiêu quốc gia về Thalasemia mới giải quyết được vấn đề này.

Thứ ba là nhóm vấn đề về tế bào gốc (TBG). Theo GS. Trí, TBG gốc là thần dược dễ kiếm, ai cũng có TBG. TBG có đặc thù của từng dân tộc, tức là mỗi quốc gia đều có tế bào gốc riêng để dùng chứ không phải đi mua. Từ kinh nghiệm quốc tế các nước họ dùng chính TBG của quốc gia mình để chữa bệnh, do đó GS. Trí cho rằng, vấn đề này cũng phải được đưa ra.

Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề nữa như y đức, quá tải bệnh viện, BHYT, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường sống, đào tạo nhân lực y tế, vấn đề tham ô, tham nhũng, lãng phí. Vấn đề nào cũng nóng, cũng thiết thực và cần được quan tâm giải quyết... Ngoài vai trò là một cán bộ y tế, bản thân GS. Trí cũng là một công dân Thủ đô vì thế ông mong muốn được trở thành ĐBQH để góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của Thủ đô. Khi được hỏi, nếu được trúng cử ĐBQH ông sẽ hứa gì với cử tri, GS. Nguyễn Anh Trí trả lời: “Nếu có may mắn trở thành ĐBQH, tôi hứa sẽ phát huy kiến thức mà mình học được và những kinh nghiệm được đúc rút từ khi làm viện trưởng. Bên cạnh đó, tôi phải học nhiều hơn qua các kỳ Quốc hội, học qua sách vở, qua các ĐBQH về những lĩnh vực mình chưa thật sự hiểu... để làm tròn trách nhiệm của một ĐBQH. Phải gần gũi nhân dân, gần gũi cử tri để lắng nghe tiếp thu biến thành chính kiến của mình, đặc biệt là trong những phiên chất vấn. Mặt nữa, phải làm tốt công tác giám sát, cũng như suy nghĩa thấu đáo để có thể có ý kiến đúng khi đưa ra những quyết định lớn của đất nước...”.

Câu chuyện của chúng tôi có lẽ còn dài nữa nếu như không có cuộc điện thoại nhắc ông phải tham gia một cuộc họp nữa. Tôi cảm thấy còn rất nhiều vấn đề nữa mà một nhà khoa học, một công dân Thủ đô ưu tú như ông muốn bày tỏ, muốn chia sẻ và khao khát được cống hiến. Nhưng thời gian chỉ có vậy và tôi thầm nghĩ, để nói về tài năng, tài hoa của GS. Trí chỉ trong một bài báo thật không dễ dàng gì, để ca ngợi một con người như ông cũng là một việc làm không cần thiết... Vì thế, để kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn gửi đến ông nhiều sức khỏe, chúc những trăn trở về nghề y của ông sớm được thực hiện. Bởi, chúng tôi luôn có niềm tin vào ông, một con người luôn mong muốn tìm đến tận cùng của sự hoàn hảo.


Bài, ảnh:Tuệ Khanh
Ý kiến của bạn