Hà Nội

Afghanistan tiến hành cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt

07-04-2014 07:10 | Quốc tế
google news

SKĐS - Afghanistan đang diễn ra cuộc bầu cử đánh dấu sự chuyển giao quyền lực đầy bước ngoặt của nước này.

Afghanistan đang diễn ra cuộc bầu cử đánh dấu sự chuyển giao quyền lực đầy bước ngoặt của nước này. Tân Tổng thống sẽ phải chèo lái đất nước trong bối cảnh NATO rút quân, nạn tham nhũng, trình độ quản lý yếu kém trong nước, giải quyết được những bế tắc trong đàm phán an ninh với Mỹ sau năm 2014.

Hơn 10 triệu cử tri được kêu gọi đi bỏ phiếu. Vòng một cuộc bầu cử Tổng thống bắt đầu từ 7 giờ sáng (giờ địa phương) tại khoảng 6.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước. Khoảng 30.000 quan sát viên người Afghanistan có mặt ở khắp các phòng phiếu để theo dõi quá trình bầu cử. Sau nhiều cuộc tấn công khủng bố trong thời gian gần đây, đa số các phái đoàn quan sát viên quốc tế đã rời khỏi Afghanistan. Theo dự kiến, kết quả sơ bộ của vòng một sẽ được biết vào ngày 24/4. Tuy nhiên, phải sau 6 tuần mới có kết quả chính thức vì đây là thời gian cần thiết để 3.000 con lừa chuyên chở được các phiếu bầu từ những vùng xa xôi hiểm trở nhất về đến Kabul. Nếu không có ứng cử viên nào vượt quá 50% số phiếu, vòng hai sẽ được tổ chức vào ngày 28/5. Trong trường hợp này có thể phải đợi đến tháng 10/2014 công chúng mới biết được ai sẽ là tân Tổng thống.

Phụ nữ Afghanistan đi bầu cử.

Ba ứng cử viên có nhiều khả năng đắc cử nhất là ông Abdula Abdula - cựu Ngoại trưởng, ông Zalmai Rassoul - cố vấn an ninh quốc gia, người thân cận với Tổng thống Karzai và ông Ashraf Ghani - một kinh tế gia nổi tiếng. Cựu Ngoại trưởng Abdula Abdula từng về nhì trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2009. Bên cạnh bạo lực, hai mối đe dọa khác là gian lận phiếu bầu và tỷ lệ vắng mặt cao. Mỹ lo ngại, gian lận phiếu bầu có thể dẫn đến các cuộc biểu tình bạo động như năm 2009. Cuộc bầu cử Tổng thống hôm nay có ý nghĩa cực kỳ hệ trọng đối với Afghanistan. Người kế nhiệm Tổng thống Hamid Karzai có nhiệm vụ dẫn dắt quốc gia trong một giai đoạn đầy bất trắc, sau khi liên quân NATO rút đi. Cả ba ứng cử viên hàng đầu đều cam kết sẽ ký Hiệp định an ninh với Mỹ. Hiệp định này cho phép một lực lượng từ 3.000 - 10.000 quân nhân Mỹ ở lại Afghanistan để huấn luyện các lực lượng an ninh nước này đối mặt với quân nổi dậy Taliban.

Trước sự kiện này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoan nghênh việc tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử Hội đồng địa phương các cấp của Afghanistan. Trong một thông cáo chung, Hội đồng Bảo an nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức các cuộc bầu cử tại Afghanistan cũng như sự dũng cảm của người dân Afghanistan trong việc tổ chức và tham gia bỏ phiếu bất chấp những đe dọa phá hoại an ninh của các phần tử Taliban. Hội đồng Bảo an cũng đồng thời lên án những đối tượng âm mưu phá hoại cuộc bầu cử bằng các cuộc tấn công nhằm vào dân thường cũng như cơ sở hạ tầng cho bầu cử tại Afghanistan. Lãnh đạo nhiều nước như Mỹ và phương Tây cũng đã phát đi những thông điệp chúc mừng Afghanistan tổ chức các cuộc bầu cử ở nước này. Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ đã đánh giá cao tầm quan trọng của các cuộc bầu cử tại Afghanistan, coi đây là sự kiện có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo tương lai dân chủ cũng như sự hậu thuẫn quốc tế đối với nước này. Còn Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã gọi các cuộc bầu cử là khoảnh khắc lịch sử đối với người dân Afghanistan.

Trước thời điểm bầu cử, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ lo ngại và lên án các hành động bạo lực gia tăng tại nước này. “Tổng Thư ký lên án tình hình bạo lực do bất kỳ ai gây ra. Ông đặc biệt lên án các tuyên bố do lực lượng Taliban đưa ra đe dọa tấn công một lần nữa các nhân viên tiến hành cuộc bầu cử, các ứng cử viên, các quan sát viên, các cử tri và các phòng bỏ phiếu. Ông nhắc lại rằng, các cuộc tấn công có chủ ý chống lại dân thường là vi phạm nghiêm trọng quyền con người và những người gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm” - người phát ngôn của Tổng Thư ký nêu rõ.Những diễn biến trước thềm bầu cử đang đe dọa sự thành công của quá trình chuyển giao quyền lực ở nước Cộng hòa Hồi giáo này, đồng thời cũng cho thấy bài toán bất ổn ở Afghanistan không dễ có lời giải.

(Theo CNN, AFP)

Điệp Anh


Ý kiến của bạn