Hà Nội

Afghanistan: Cuộc khủng hoảng tị nạn lịch sử 2015 liệu có lặp lại?

19-08-2021 22:14 | Quốc tế
google news

SKĐS - Phản ứng sắp tới của các nhà lãnh đạo EU với viễn cảnh số lượng người tị nạn Afghanistan có thể gia tăng, được coi là một bài kiểm tra quan trọng về việc khối này đã tiếp thu các bài học di cư vào năm 2015 ra sao.

Afghanistan: Nguy cơ khủng hoảng tị nạn lịch sử 2015 liệu có lặp lại? - Ảnh 1.

Đám đông người sơ tán chờ đợi được rời khỏi Afghanistan tại sân bay quốc tế ở Kabul, ngày 16/8

Năm 2001, khi đó Reshad Jalali mới 9 tuổi, chứng kiến các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn lật đổ Taliban khỏi Kabul. Jalali nhớ rất rõ lần đầu tiên được xem các ca sĩ Afghanistan hát trên đài phát thanh, một người họ hàng vui mừng cạo râu và sự lạc quan tràn đầy xung quanh. "Khi đó, tôi nhớ có người nói rằng chúng ta đã hoàn tất với Taliban, một chương khác trong lịch sử Afghanistan bắt đầu từ bây giờ" – anh Jalali nhớ lại.

Nhưng sau sự phấn khích ban đầu đó là đến một loạt thất vọng về việc xây dựng quốc gia phương Tây và các chính phủ Afghanistan tham nhũng, và đến năm 2006, gia đình Jalali chạy trốn sang châu Âu.

Giờ đây, Jalali phải đối mặt với nỗi thất vọng lớn lao khi chứng kiến Taliban quay trở lại đường phố Kabul và xót xa cho số phận của người dân Afghanistan trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tị nạn lịch sử tương tự như năm 2015, sau cuộc nội chiến Syria.

 Jalali, hiện sống ở Brussels (Bỉ) và làm việc với tư cách là cán bộ Chính sách tại Hội đồng Châu Âu về Người tị nạn và Lưu vong - một tập thể các tổ chức phi chính phủ, nói: "Tôi mong đợi EU hỗ trợ, đoàn kết với người dân Afghanistan, thay vì tập trung vào chủ đề hẹp là di cư ".

Sự kết hợp giữa lòng trắc ẩn và nỗi sợ hãi đối với những người tị nạn

 Liên minh châu Âu (EU) có vai trò rất lớn đối với quá khứ và tương lai của Afghanistan. Hầu hết các quốc gi thành viên EU, cũng là đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã cùng nhau viện trợ 4 tỷ euro phát triển vào quốc gia Tây Nam Á này. 

Phản ứng sắp tới của các nhà lãnh đạo EU với viễn cảnh số lượng người tị nạn Afghanistan gia tăng, sẽ được coi là một bài kiểm tra quan trọng về việc khối này đã tiếp thu các bài học di cư vào năm 2015 ra sao, khi cuộc nội chiến Syria khơi mào cho một cuộc di chuyển của hơn 1 triệu người sang châu Âu.

 Cho đến nay, phản ứng của châu Âu bị dao động giữa lòng thương cảm cho số phận của những người Afghanistan và nỗi sợ hãi trước những hậu quả tiềm tàng di cư đối với nước nhà. 

Điều này được thể hiện rõ trong bài phát biểu mới nhất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó nói nhu cầu "bảo vệ những người đang gặp nguy hiểm lớn nhất" và "bảo vệ  đất nước trước dòng người di cư lớn". 

Được biết, từ năm 2015 đến năm 2016, số người mà các quốc gia thành viên trục xuất trở về quê hương có chiến tranh tăng gấp 3 lần, lên gần 10 nghìn người.

Ít khả năng xảy ra làn sóng di cư tương tự năm 2015

Bà Camille Le Coz, một nhà phân tích chính sách của tổ chức tư vấn di cư Bộ Kế hoạch & Đầu tư Châu Âu, cho biết rằng đến nay, có rất ít bằng chứng về một làn sóng di cư tương tự năm 2015 có thể xảy ra ở trường hợp Afghanistan. 

Theo bà Coz, tình hình ở Syria và Afghanistan có sự khác biệt lớn, hơn thế nữa, khoảng cách địa lý cũng xa hơn để người di cư có thể đến được châu Âu.

 Theo các chuyên gia chính trị, một trong những động lực thúc đẩy làn sóng di cư đến châu Âu năm 2015 là sự thiếu hỗ trợ cho người tị nạn Syria ở Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ - một tình huống mà Thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây đã thừa nhận rằng "chúng ta không nên lặp lại sai lầm của quá khứ".

Một câu hỏi khác là ai đồng ý tái định cư những người tị nạn Afghanistan vào châu Âu, hợp pháp hay bất hợp pháp. Đây là một trong những vấn đề chưa rút ra được bài học kinh nghiệm sau cuộc di cư lịch sử vào năm 2015. 

Bất chấp cam kết từ một số quốc gia châu Âu, hiện các quốc gia thành viên EU vẫn chia rẽ về vấn đề di cư và không thống nhất được một chiến lược mới để phân bổ lại bất kỳ dòng di cư mới nào sau 6 năm tranh luận.

Về trường hợp Afghanistan, ngày 19/8, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội vụ Ylva Johansson khẳng định các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải tiếp nhận các công dân Afghanistan theo diện "bị đe dọa trực tiếp," đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

"Chúng ta không nên đợi cho tới khi những người dân này có mặt tại biên giới bên ngoài của chúng ta. Chúng ta cần phải giúp đỡ họ trước khi thực tế đó xảy ra. Yêu cầu quan trọng là chúng ta cũng phải hỗ trợ những người bị đe dọa trực tiếp được phép tái định cư tại các quốc gia thành viên EU" – bà Johansson nêu rõ, đồng thời khẳng định các nước EU "cần tránh một cuộc khủng hoảng di cư" từ Afghanistan.

Trung tâm hồi sức Cấp cứu COVID-19 “Nối yêu thương” nơi cận kề cửa tử


Hà Anh (Theo Time)
Ý kiến của bạn