Afghanistan: Bên trong "bình thản", bên ngoài "lo ngại"

17-08-2021 14:28 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 17/8, một ngày sau khi lực lượng Taliban tuyên bố kiểm soát được Afghanistan, Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia lên tiếng về tình hình tương lai của quốc gia Tây Nam Á này.

Afghanistan: Bên trong "bình thản", bên ngoài "lo ngại" - Ảnh 1.

Đám đông người sơ tán chờ đợi được rời khỏi Afghanistan tại sân bay quốc tế Kabul ngày 17/8.

Thay đổi chính quyền ở Kabul

Ngay sau khi kiểm soát được thủ đô Kabul, Afghanistan, các tay súng Taliban đã đi qua tuyến phố của Vùng Xanh - nơi được xây dựng kiên cố và có nhiều đại sứ quán và tổ chức quốc tế, chiếm các trạm kiểm soát trên toàn thành phố và tiến vào Dinh tổng thống.

Ngày 17/8, lực lượng Taliban khẳng định đã kiểm soát hơn 90% các trụ sở của chính phủ và gần như tất cả các chốt kiểm soát trong thành phố Kabul. Các tay súng của lực lượng này tại Kabul cũng đang bắt đầu thu giữ vũ khí của dân thường khi cho rằng họ không cần vũ khí vì mục đích tự vệ nữa. Trong khi đó, kênh Al Jazeera đưa tin hàng nghìn người dân đã đổ về sân bay cố gắng rời Afghanistan.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres nói rằng: "Thế giới đang theo dõi các sự kiện ở Afghanistan với trái tim nặng nề và lo lắng sâu sắc về những gì sắp đến". Ông Guterres kêu gọi lực lượng Taliban bảo đảm cho việc tiếp cận nhân đạo một cách đầy đủ và bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, nhân viên LHQ và ngoại giao đoàn.

Theo thông tin từ LHQ, số thương vong của dân thường Afghanistan 6 tháng đầu năm tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái và được cho là gia tăng ở mức kỷ lục trong những ngày gần đây. Afghanistan cũng tiếp tục phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,5 triệu người (hơn một phần ba dân số) cần hỗ trợ nhân đạo. Vấn đề người di cư, tị nạn Afghanistan cũng đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các nước láng giềng của quốc gia này.

Afghanistan: Bên trong "bình thản", bên ngoài "lo ngại" - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp HĐBA LHQ về tình hình Afghanistan, ngày 16/8

Các nước sơ tán công dân

Liên minh châu Âu hiện đang thảo luận với các nước thành viên để nhanh chóng tìm ra giải pháp cho việc sơ tán nhân viên là công dân Afghanistan và gia đình của họ, đến nơi an toàn. Dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên EU cũng sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến trong ngày 18/8 để thảo luận về tình hình quốc gia này.

Các nước thành viên EU đang tiến hành các kế hoạch sơ tán công dân và nhân viên của riêng mình. Cụ thể, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung mọi nguồn lực để thực hiện công tác giải cứu.

Đức cho biết cần sơ tán khoảng 10 nghìn người khỏi Afghanistan, bao gồm 2.500 nhân viên hỗ trợ người Afghanistan cũng như các nhà hoạt động nhân quyền, luật sư….

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết nước này cũng sẽ sơ tán hàng trăm công dân Anh và công dân Afghanistan đủ điều kiện mỗi ngày, và hoạt động này sẽ diễn ra đến khi nào điều kiện an toàn vẫn cho phép để thực hiện.

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande-Marlaska cho biết tất cả những nhân viên làm việc cho nước này ở Kabul, dù là người Tây Ban Nha hay Afghanistan, hiện đang có mặt ở sân bay để được sơ tán về Tây Ban Nha. Tây Ban Nha hiện đã cử máy bay quân sự đến sơ tán họ ngay khi có thể, cùng với những công dân khác, những người đã hỗ trợ quân đội Tây Ban Nha, cơ quan viện trợ chính phủ và các tổ chức khác. 

Các nước khác như Australia và Qatar cũng đang khẩn trương lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Afghanistan. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này đang nỗ lực đưa hơn 130 công dân và những người đã được cấp "thị thực nhân đạo" rời khỏi Afghanistan. Qatar cũng đang nỗ lực hết sức để giúp sơ tán các nhà ngoại giao và nhân viên nước ngoài của các tổ chức quốc tế đang tìm cách rời khỏi quốc gia Nam Á này. 

Tại cuộc họp khẩn hôm 16/8 về tình hình Afghanistan của Hội đồng Bảo an LHQ sau khi lực lượng Taliban chiếm được thủ đô Kabul, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ bày tỏ lo ngại về diễn biến tình hình ở Afghanistan, không chỉ có tác động xấu đến an ninh, ổn định của nước này mà còn với khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng. Đại sứ khẳng định chỉ có giải pháp chính trị toàn diện mới đem lại hòa bình, ổn định lâu dài ở Afghanistan và kêu gọi tất cả các bên liên quan tại Afghanistan tuân thủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, tiến hành đối thoại nhằm ổn định tình hình và thúc đẩy hoà giải, hoà hợp dân tộc. Đại diện Việt Nam kêu gọi quốc tế quan tâm, thúc đẩy các nỗ lực cứu trợ nhân đạo nhằm ngăn chặn thảm hoạ nhân đạo ở Afghanistan; đánh giá cao các nỗ lực của LHQ và Phái bộ Hỗ trợ LHQ tại Afghanistan (UNAMA), mong muốn cộng đồng quốc tế, LHQ, các đối tác khu vực và các quốc gia tăng cường các nỗ lực nhằm đóng góp vào bảo vệ dân thường, ổn định tình hình tại Afghanistan.

Bộ Y tế điểm danh các tỉnh tiêm vaccine ngừa COVID-19 chậm


Hà Anh
Ý kiến của bạn