Không có cửa cho Lào và Campuchia
Mặc dù đã đầu tư khá lớn vào công tác đào tạo trẻ nhưng cho tới nay, cả Lào và Campuchia đều chưa thể thoát khỏi cái danh “kẻ lót đường” ở các kỳ AFF Cup. Ở giải đấu năm nay cũng vậy, dù BTC đã thay đổi thể thức thi đấu (sân nhà, sân khách xen kẽ) nhưng cả 2 đội bóng thuộc đồng bằng sông Mekong vẫn bị đánh giá rất thấp.
Thực tế, cho tới nay, sau 10 lần tham dự AFF Cup, ĐT Lào vẫn chưa một lần vượt qua vòng đấu bảng. Họ tham dự tổng cộng 33 trận nhưng chỉ có vỏn vẹn 2 chiến thắng (thắng 2, hòa 5, thua 26). Thậm chí, ở kì AFF Cup gần nhất, đội bóng xứ sở triệu voi còn dừng bước ở vòng loại. Trong 4 trận giao hữu từ tháng 9 tới nay chuẩn bị cho AFF Cup 2018, thầy trò Sundramoorthy để thua cả 4. Mục tiêu khả thi nhất với ĐT Lào ở giải đấu năm nay là giành một kết quả tốt trước đối thủ vừa tầm như Campuchia. Campuchia phát triển mạnh trong những năm gần đây. Tuy vậy, đội tuyển này cũng chưa một lần vượt qua vòng bảng AFF Cup. Thậm chí, cách đây 2 năm họ mới đoạt vé dự vòng đấu bảng sau 3 kì AFF Cup phải dừng bước ở vòng loại. Trong 22 trận đã đấu ở AFF Cup, Campuchia cũng chỉ có 2 chiến thắng (thắng 2, thua 2).
Thầy trò ông Park Hang-Seo quyết tâm đặt mục tiêu cao tại AFF Cup lần này.
Ẩn số Myanmar
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy Myanmar không phải đội bóng có số má ở AFF Cup. Trong 11 lần tham dự, đội tuyển này chỉ có 2 lần vượt qua vòng đấu bảng (năm 2004 và 2016). Từng đó là quá ít nếu so với 2 đội bóng mạnh cùng bảng là Việt Nam (vượt qua vòng bảng ở 9/11 kỳ) và Malaysia (8/11). Tuy vậy, Myanmar không phải những đội bóng sẵn sàng cam chịu như Lào hay Campuchia. Họ luôn được đánh giá là “kẻ ngáng đường” khó chịu nhờ sở hữu những cầu thủ nhỏ bé nhưng rất kĩ thuật, có tinh thần chiến đấu cao. Chưa kể, công tác đào tạo trẻ của Myanmar cũng rất thành công. Tính riêng ở SEA Games, từ năm 2001 tới nay, tuyển U23 nước này chỉ 3 lần dừng bước ở vòng bảng. Họ từng 2 lần vào chung kết và 2 lần giành HCĐ. Cách đây 1 năm, ở SEA Gamnes 2017, Myanmar từng vào tới bán kết và chỉ chịu dừng bước trước Thái Lan, đội bóng sau đó lên ngôi vô địch. Ở kỳ AFF Cup trước (2016), Myanmar cũng nằm cùng bảng với Việt Nam và Malaysia. Kết quả, họ đã gây bất ngờ khi loại Malaysia để lần thứ 2 góp mặt ở bán kết. Sau đó, đội bóng này cũng chỉ dừng bước trước Thái Lan, đội bóng sau đó giành chức vô địch.Với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ và những cầu thủ trẻ tài năng, nhiệt huyết, Myanmar rõ ràng là đối thủ không thể xem thường đối với Việt Nam và Malaysia.
Cuộc chiến ngôi đầu khốc liệt
Myanmar không phải đối thủ dễ chơi nhưng với những gì đã thể hiện ở AFF Cup, Việt Nam và Malaysia rõ ràng vẫn là 2 ứng cử viên sáng giá nhất cho 2 tấm vé vào bán kết của bảng A. Ở kỳ AFF Cup gần nhất (2016), Malaysia gây thất vọng lớn khi dừng bước ở vòng bảng. Việt Nam vượt qua vòng đấu bảng nhưng cũng sớm dừng bước ở bán kết. Vì vậy, ở kì AFF Cup năm nay, cả 2 đều lên quyết tâm cao, đặc biệt sau những thành tích nổi bật của lứa U23 trong năm 2018. Không chỉ đặt mục tiêu vượt qua vòng bảng, cả Việt Nam và Malaysia còn muốn đi tới chung kết và lên ngôi vô địch. Vì vậy, tránh Thái Lan ở bán kết được xem là mục tiêu quan trọng bởi cả 2 đều “gặp dớp” khi chạm trán đội bóng giàu thành tích nhất ở sân chơi AFF Cup. Ở bảng B, nhiều khả năng Thái Lan sẽ giành ngôi đầu. Nó sẽ khiến cuộc chiến ngôi đầu giữa Việt Nam và Malaysia ở bảng A trở nên rất căng thẳng và khó lường. Màn đối đầu trực tiếp giữa 2 đội sẽ có ảnh hưởng lớn tới mục tiêu đó. Rất may với thầy trò Park Hang-Seo là trận đấu này được tổ chức tại sân Mỹ Đình. Ngoài ra, ĐT Việt Nam còn hưởng lợi về lịch thi đấu khi được nghỉ lượt trận thứ 2 trước khi bước vào màn đụng độ Malaysia. Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, thầy trò Park Hang-Seo đã có cơ hội rất lớn để vào bán kết với ngôi đầu bảng A. Hãy cùng chờ xem...