Hà Nội

Adenovirus- Nghi phạm gây bệnh viêm gan bí ẩn có khả năng gây bệnh gì?

18-05-2022 16:35 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS -Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ đã được phát hiện tại 20 quốc gia trên thế giới và nguyên nhân có thể do Adenovirus 41 gây ra. Vậy adenovirus gây bệnh gì, có nguy hiểm không? Bài viết dưới đây giúp các bạn hiểu rõ hơn về loại virus này.

1.Tổng quan Adenovirus

‎Adenovirus thuộc họ Adenoviridae. Adenovirus có 57 type với 7 loài. Type 1-5, 7, 14 và 21 vừa gây bệnh viêm họng hạch vừa gây bệnh viêm kết mạc. Type 40 và 41 thường gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em. Các trường hợp mắc bệnh nặng thường do adenovirus type 5, 8, 19 gây ra.

Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài của Adenovirus tương đối bền vững. Virus có thể tồn tại và còn khả năng gây nhiễm ở 360C trong 7 ngày, 220C trong 14 ngày và 40C trong 70 ngày. Virus bị mất độc lực nhanh và chết ở 560C từ 3 đến 5 phút.

Bệnh do adenovirus lưu hành rộng rãi trên toàn thế giới. Ở vùng ôn đới, bệnh xảy ra trong suốt năm, nhưng tần số mắc cao hơn vào mùa xuân. Nghiên cứu cho thấy đã có các vụ dịch sốt viêm họng- kết mạc do Adenovirus trong mùa hè liên quan đến bể bơi xảy ra ở nhiều nơi.

Ở Việt Nam, bệnh do Adenovirus lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Bệnh thường xảy ra tản phát trong suốt năm, có năm xảy ra dịch và tần số mắc bệnh thường tập trung vào những tháng xuân - hè nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus khác vào mùa xuân hoặc với bệnh sốt dengue vào đầu mùa hè khi bệnh không có thể viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) nổi trội.

Adenovirus- nghi phạm gây bệnh viêm gan bí ẩn có khả năng gây bệnh gì? - Ảnh 1.

Các giả thuyết hàng đầu về nguyên nhân của bệnh viêm gan bí ẩn gần đây hiện nghiêng về phía adenovirus

2. Nguồn lây nhiễm Adenovirus

‎Nguồn lây nhiễm ổ chứa Adenoviruses là con người. Bệnh nhân là nguồn truyền nhiễm trong suốt thời kỳ mắc bệnh.

Thời gian ủ bệnh khoảng từ 5-12 ngày, trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12 ngày. Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh hoặc có thể lâu hơn khi cơ thể vẫn còn đào thải Adenoviruses ra ngoài.

Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị ô nhiễm dịch tiết từ mắt, mũi, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm Adenoviruses.

Sự lây truyền của bệnh thường xảy ra ở phòng khám bệnh, đặc biệt là ở phòng khám mắt. Các nhân viên y tế dễ bị lây bệnh và từ đó có thể là nguồn lây truyền sang những thành viên khác trong gia đình và những người xung quanh. Bệnh cũng có thể lây truyền qua giọt nước bọt như những hạt khí dung bằng đường hô hấp hoặc lây truyền qua bể bơi bị nhiễm Adenoviruses.

3. Ai dễ nhiễm Adenovirus?

‎Mọi người ở các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Sau khi bị bệnh sẽ được miễn dịch đặc hiệu type. Có thể bị mắc bệnh lại là do bị nhiễm type Adenovirus khác. Đến nay vẫn chưa biết rõ về vai trò và thời gian miễn dịch sau khi mắc bệnh do Adenovirus. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra nhiều ở lứa tuổi trẻ và gần 100% số người lớn đã có kháng thể đặc hiệu với nhiều type Adenovirus. Trong thực tế, thường phân lập được các type Adenovirus 1, 2, 3 và 5 gây bệnh ở trẻ em và các type 3, 4, 7, 14, 21 trong các vụ dịch đường hô hấp cấp ở trại lính trong mùa đông xuân.

4.Khả năng gây bệnh của Adenovirus

Adenovirus người lưu hành rộng rãi khắp nơi trên thê giới. Chúng có khả năng gây ra nhiều bệnh ở đường hô hấp, ở mắt và ở đường tiêu hóa trẻ em và người lớn. Bệnh lây truyền chủ yếu theo đường hô hấp, virus có ở họng trong những ngày đầu của bệnh, rồi theo phân ra ngoài trong nhiều tuần lễ và tồn tại nhiều năm ở hạch hạnh nhân.

Adenovirus có thể gây các hội chứng lâm sàng sau:

Adenovirus có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể như đường hô hấp, đường tiêu hoá, mắt, tiết niệu và ở gan. Trong số 6 nhóm gồm 47 type huyết thanh gây bệnh đã biết, nhóm B là nhóm có khả năng gây bệnh nhiều và hay gặp nhất. Nhiễm Adenovirus thường là nhiễm một type, nhiễm Adenovirus chiếm khoảng 5% nhiễm virus hô hấp cấp tính ở trẻ em, virus này còn thường gặp trong bệnh lý nhiễm virus ở mắt và đường tiêu hoá.

Adenovirus có nhiều type huyết thanh gây bệnh và tùy theo từng type có thể gây bệnh chủ yếu của cơ quan nào đó trong cơ thể như:

-Bệnh sốt viêm họng - kết mạc thường do týp 3 và type 7 gây nên với đặc điểm sốt cấp tính ở trẻ em và gây dịch. Có trường hợp sốt viêm họng nhưng không có viêm kết mạc. Triệu chứng giống viêm họng nhưng kèm thêm viêm kết mạc thành dịch ở người trẻ tuổi và trẻ em. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là lây qua nước ở bể bơi vào mùa hè.

-Bệnh viêm kết mạc 2 bên, phù mi mắt và tổ chức xung quanh hố mắt. Khởi đầu có sốt nhẹ khoảng 3-5 ngày, viêm mũi, viêm họng, sưng hạch 2 bên cổ, đau mắt, sợ ánh sáng, mắt mờ. Khoảng 7 ngày sau, có tới 50% bệnh nhân xuất hiện trên giác mạc có những đám thâm nhiễm tròn, nhỏ và cuối cùng có thể tạo thành những đám loét.

Bệnh có thể kéo dài đến 2 tuần. Bệnh nặng có thể để lại những vết mờ trên giác mạc làm ảnh hưởng đến thị giác trong vài tuần hoặc đôi khi để lại sẹo vĩnh viễn. Dịch viêm giác - kết mạc do type 8, 9 và 37. Bệnh lan truyền thành dịch có liên quan tới nguồn lây chung là đau mắt và khăn mặt.

Khi mắc có biểu hiện sốt, nhiệt độ có thể đến 39 độ C. Sưng hạch bạch huyết vùng cổ 2 bên. Viêm họng. Đau mắt đỏ do viêm kết mạc, phù mi mắt và tổ chức xung quanh hố mắt.

-Bệnh viêm đường hô hấp cấp. Nếu ở người lớn thường do type 4, type 7. Có biểu hiện sốt đến 39 độ C, viêm họng với triệu chứng ho, sổ mũi và sưng hạch bạch huyết vùng cổ. Khám thấy sưng phù họng lan toả đến amidan. Nếu bệnh tiến triển đến viêm phổi thì phải khám phổi và chiếu X quang để phát hiện vùng phổi bị thâm nhiễm.

Ở trẻ em sẽ gây viêm phổi chủ yếu là type 3 và 7, chiếm tỷ lệ 10% viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Viêm phổi do Adenovirus có tỷ lệ tử vong 8- 10%.

‎- Bệnh viêm dạ dày – ruột. Một số type Adenovirus gây bệnh đường tiêu hoá với biểu hiện viêm dạ dày và ruột cấp tính, virus được đào thải trong phân và là nguồn lây chủ yếu. Type 40 và 41 gây bệnh dạ dày ruột, chúng chiếm 5 – 15 % các trường hợp. Một số tác giả còn mô tả các virus nhóm C cũng chiếm một tỷ lệ nhất định.

-Bệnh tiêu chảy cấp do Adenovirus type 40 và 41 thường gặp ở tuổi trẻ và bệnh viêm bàng quang xuất huyết do type 11 và 21 gây nên. 

Ngoài ra Adenovirus còn có khả năng gây các bệnh khác. Các type 11 và 12 có thể là nguyên nhân gây viêm bàng quang chảy máu ở trẻ em, nhất là trẻ em trai. Virus thường thấy trong nước tiểu của những bệnh nhân này. Type 37 thấy ở niệu đạo, tử cung và được coi là lây truyền qua đường tình dục.

5. Lời khuyên của thầy thuốc

Cần cung cấp cho nhân dân những thông tin cần thiết về bệnh do Adenovirus, nhất là khi có nguy cơ bùng nổ dịch và khi có dịch để nhân dân biết tự phòng tránh cho mình và cho cộng đồng.

‎Vệ sinh phòng bệnh chủ động bằng cách sử dụng nguồn nước sạch đủ dùng cho sinh hoạt. ‎Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, không dùng chung khăn mặt và thường xuyên giặt khăn bằng xà phòng. ‎Thường xuyên giám sát và kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh nước, vệ sinh môi trường tại các bể bơi công cộng.

Nếu có bệnh nhân nghi ngờ hoặc khi có dịch do Adenovirus thì phải thực hiện triệt để vô khuẩn để tránh lây bệnh qua đường hô hấp, kết mạc mắt, mí mắt và phải báo cáo với nhân viên y tế gần nhất để được hướng dẫn về phòng chống dịch, cách ly ngay môi trường tiếp xúc với bệnh nhân.

Ở những nơi có dịch hoặc nguy cơ có dịch Adenovirus cần thực hiện triệt để vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh mũi họng, mắt. Phải thường xuyên dùng nước sạch và giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng.

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn" ở trẻ emBộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống bệnh viêm gan cấp tính 'bí ẩn' ở trẻ em

SKĐS - Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, biện pháp phòng chống tạm thời bệnh viêm gan 'bí ẩn' của trẻ em, trước mắt tập trung vào các biện pháp như đảm bảo vệ sinh phòng bệnh cá nhân; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi...

Mời độc giả xem thêm video:

Liên tiếp ghi nhận trẻ em nhập viện vì nôn mửa, cảnh báo virus viêm gan bí ẩn ở Việt Nam.



BS Nguyễn Hồng
Ý kiến của bạn