Bệnh lây truyền chủ yếu theo đường hô hấp, virus có ở họng trong những ngày đầu của bệnh, rồi theo phân ra ngoài trong nhiều tuần lễ và tồn tại nhiều năm ở hạch hạnh nhân.
Trong số 6 nhóm gồm 47 type huyết thanh gây bệnh đã biết, nhóm B là nhóm có khả năng gây bệnh nhiều và hay gặp nhất. Nhiễm Adenovirus chiếm khoảng 5% nhiễm virus hô hấp cấp tính ở trẻ em, virus này còn thường gặp trong bệnh lý nhiễm virus ở mắt và đường tiêu hoá.
1. Các hội chứng lâm sàng thường gặp
1.1 Adenovirus gây viêm đường hô hấp
– Viêm họng cấp do adenovirus: Thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biểu hiện sốt sưng họng, ho và chảy nước mũi. Chẩn đoán thường khó phân biệt với các nhiễm virus khác. Bệnh thường do adenovirus nhóm C gây ra.
– Viêm họng kết mạc do adenovirus: Triệu chứng giống viêm họng nhưng kèm thêm viêm kết mạc thành dịch ở người trẻ tuổi và trẻ em. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là lây qua nước ở bể bơi vào mùa hè. Bệnh do virus nhóm B, các type 3, 7, 1.
– Viêm cấp tính đường hô hấp do adenovirus: Biểu hiện bằng viêm họng, sốt, ho. Bệnh diễn biến cấp tính, khỏi nhanh sau 3 – 4 ngày, chủ yếu ở trẻ nhỏ. Các type gây bệnh là 3, 4, 7.
– Adenovirus gây viêm phổi: Chủ yếu là type 3 và 7, chiếm tỷ lệ 10% viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Viêm phổi do adenovirus có tỷ lệ tử vong 8- 10%.
1.2. Adenovirus gây viêm kết mạc mắt (bệnh đau mắt đỏ thành dịch)
Loại này còn gọi là bệnh bể bơi "swimming pool" do dễ lây qua nước ở bể bơi vào mùa hè. Bệnh dễ dàng phát triển thành dịch biểu hiện viêm cấp tính kết giác mạc, dễ bị bội nhiễm nếu không can thiệp kịp thời. Bệnh này chủ yếu là virus nhóm B đặc biệt là type 3, 7.
1.3. Adenovirus gây bệnh viêm dạ dày – ruột
Một số type Adenovirus gây bệnh đường tiêu hóa với biểu hiện viêm dạ dày và ruột cấp tính, virus được đào thải trong phân và là nguồn lây chủ yếu. Type 40 và 41 gây bệnh dạ dày ruột, chúng chiếm 5 – 15 % các trường hợp. Một số tác giả còn mô tả các virus nhóm C cũng chiếm một tỷ lệ nhất định.
1.4. Nhiễm virus thể ẩn
Một số lớn các nhiễm trùng adenovirus là ở thể ẩn. Một người có thể nhiễm adenovirus nhiều lần nhưng đều bị bỏ qua vì không có dấu hiệu lâm sàng, chỉ phát hiện được khi nuôi cấy phân lập virus. Adenovirus có thể sống âm ỉ trong hạch hạnh nhân và trong ruột người lành trong nhiều tuần.
1.5. Adenovirus và các bệnh khác
Các type 11 và 12 có thể là nguyên nhân gây viêm bàng quang chảy máu ở trẻ em, nhất là trẻ em trai. Virus thường thấy trong nước tiểu của những bệnh nhân này. Type 37 thấy ở niệu đạo, tử cung và được coi là lây truyền qua đường tình dục.
2. Nếu đã từng nhiễm adenovirus có mắc lại nữa không?
Câu hỏi đặt ra là nếu bé đã từng nhiễm adenovirus thì có mắc lại nữa không? Trên thực tế lâm sàng tác nhân là adenoviruses thuộc họ Adenoviridae. Adenoviruses người thuộc giống Mastadenovirus có ít nhất 47 type huyết thanh.
Type 1-5, 7, 14 và 21 vừa gây bệnh viêm họng hạch vừa gây bệnh viêm kết mạc. Type 40 và 41 thường gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em. Các trường hợp mắc bệnh nặng thường do adenovirus type 5, 8, 19 gây ra.
Nếu người bệnh nhiễm adenovirus sau khi khỏi bệnh có miễn dịch với adenovirus với hiệu quả cao và kéo dài với cùng type mắc bệnh nhưng không có khả năng bảo vệ với các type khác. Nghĩa là nếu tiếp xúc với bệnh nhân mắc ở type khác thì vẫn có khả năng nhiễm bệnh.
3. Lời khuyên thầy thuốc
Bệnh do adenovirus là một bệnh virus cấp tính với hội chứng lâm sàng đa dạng, thông thường bị nhiễm virus cấp ở đường hô hấp trên với triệu chứng nổi trội là viêm mũi. Trường hợp đặc biệt virus gây bệnh ở đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản nhỏ (bronchiolitis) và viêm phổi.
Virus adeno có nhiều type huyết thanh gây bệnh và tùy theo từng type có thể gây bệnh chủ yếu của cơ quan nào đó. Vì thế, bằng các biểu hiện lâm sàng chúng ta không thể nhận định được mắc type nào, có nguy hiểm hay không.
Do đó, nếu nghi ngờ mắc bệnh, nhất là trẻ em có biểu hiện sốt, ho, mệt và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.
Để phòng Adenovirus cần:
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng nhất là trẻ nhỏ. Khi có sức đề kháng tốt, trẻ có thể giảm nguy cơ mắc các loại bệnh, trong đó bao gồm cả những bệnh về đường hô hấp.
- Cần giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá. Hằng ngày cần chú ý vệ sinh cá nhân trong đó nên thường xuyên vệ sinh mũi họng mỗi ngày.
- Rửa tay thường xuyên, đối với trẻ cần nhắc nhở trẻ sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc rửa tay bằng xà phòng.
- Không nên đến những nơi công cộng khi đang xảy ra dịch bệnh. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang đúng cách. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, những người đang ốm.
- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch nhất là phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ nhỏ.
Mời độc giả xem thêm video:
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng