Acoustic đang dần bị lãng quên?

02-06-2014 13:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Miệt mài sử dụng xô bồ âm nhạc điện tử vào các sáng tác âm nhạc...

Miệt mài sử dụng xô bồ âm nhạc điện tử vào các sáng tác âm nhạc, làm mới các phong cách nhạc đã được định hình bằng jazz dường như đã khiến acoustic (thể loại nhạc chỉ hoặc chủ yếu sử dụng các nhạc cụ mộc hoặc cổ điển) bị lãng quên.

Acoustic không dành cho những tay mơ

Có thể khẳng định, không phải ca sĩ nào cũng có thể hát nhạc acoustic. Đây là địa phận chỉ dành cho những người có kỹ thuật âm nhạc tốt, chất giọng trời phú và cách xử lý ca khúc thông minh. Vì ở thể loại nhạc này, không có các nhạc cụ điện tử trợ giúp mà “đi cùng” giọng hát đôi khi chỉ là một chiếc guitare gỗ.

Nhờ tận dụng được giọng hát mộc có cảm xúc, ca sĩ Thái Trinh đã định hình được vị trí trong lòng người yêu nhạc.

Nhờ tận dụng được giọng hát mộc có cảm xúc, ca sĩ Thái Trinh đã định hình được vị trí trong lòng người yêu nhạc.

Quay lại thời điểm dăm năm về trước, một trong những ca sĩ cổ súy cho thể loại âm nhạc này ở Việt Nam có lẽ là Hà Anh Tuấn và sau đó là Hà Okio, Lê Cát Trọng Lý. Những bản acoustic của những ca sĩ này luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người yêu âm nhạc. Trước hết là ở chất giọng mộc, cách xử lý rất chuyên nghiệp, thứ hai là cách họ chọn ca khúc có ngôn từ gần với đời sống, phù hợp với cách hát mộc mạc, không lên gân. Nhờ đó, chất acoustic được tôn lên rất nhiều.

Bên cạnh đó, một bộ phận ca sĩ trẻ online nhờ biết tận dụng giọng hát mộc có cảm xúc đã định hình được vị trí trong lòng người yêu nhạc như Thùy Chi, Bảo Thy, Thái Trinh. Không cần đến một dàn nhạc hùng hậu, tiếng guitare nhẹ nhàng và giọng hát thật đã hút hồn khán giả, đồng thời giúp các ca sĩ “ảo” này dễ dàng bước ra thế giới thật và họ đã khẳng định được tài năng của mình nhờ xuất phát điểm acoustic. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng không phải ai cũng biết cách hát acoustic thật hay. Những ca sĩ được công nhận như Hồng Nhung, Mỹ Linh và cả Hồ Ngọc Hà đều đã thử sức với thể loại âm nhạc này nhưng chưa thể có được thành công.

Mấy năm gần đây, cùng với sự lên ngôi của nhạc điện tử, sự xâm lấn của jazz, dường như acoustic đang ở thế yếu, tiến thoái lưỡng nan. Những album acoustic dường như chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay như những MV Em còn yêu anh, Khi ta 20 của thần tượng âm nhạc Phương Vy, Lệ Quyên Acoustic của nữ ca sĩ Lệ Quyên hay thậm chí là album “nhạc đỏ” acoustic của “sao mai” Phương Nga ra mắt rồi nhanh chóng chìm vào im lặng. Dường như khoảng cách để đến với acoustic đang ngày càng xa tầm tay với của các ca sĩ Việt.

Acoustic Việt có nguy cơ “chết yểu”?

Tại sao trong khi nhiều ca sĩ trên thế giới vẫn lựa chọn acoustic và có được thành công thì chúng ta lại đi ngược với xu hướng này? Phải chăng những giọng hát thực lực ngày càng ít đi và đã đến lúc hầu hết mọi ca sĩ đều phải sử dụng đến “lối thoát hiểm” là sự hỗ trợ của âm nhạc nhằm hạn chế nhược điểm giọng hát và cảm xúc?

Có thể thấy, sử dụng xô bồ những phong cách âm nhạc khác nhau, có vẻ như giọng hát thực sự đang ngày càng bị coi nhẹ hơn các chiêu trò. Hình ảnh ôm đàn guitare và hát thuở Trần Tiến, Hồng Hạnh dường như đã trở nên lỗi thời với các ca sĩ trẻ hiện nay. Vũ đạo, những đoạn nhạc rap, những cách nhấn nhá gây ấn tượng phải đi kèm với âm nhạc sôi động để làm lu mờ đi điểm yếu của ca khúc. Vô tình acoustic bị đẩy lùi ra phía sau, đi kèm với tình trạng chất lượng ca khúc ngày càng bị coi nhẹ. Cho nên việc chúng ta vẫn than thở về tình trạng thiếu những ca khúc hay tạo nên hiệu ứng xã hội và nuôi dưỡng tâm hồn con người đã trở thành “chuyện như cơm bữa”.

Mới đây, việc một ca sĩ được gọi là “Nữ hoàng nhạc dance”, tức là thể loại âm nhạc sôi động là Thu Minh thu âm ca khúc Where did we go wrong với phiên bản acoustic đã mang lại cảm xúc thăng hoa cho cả người hát lẫn người nghe. Đó thực sự là một điểm dừng rất thông minh của Thu Minh nhằm khẳng định chất giọng trời phú, vẫn có thể vút lên trong mọi hoàn cảnh, thể loại âm nhạc chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào sự yểm trợ của các nhạc cụ sôi động. Động thái này của Thu Minh hi vọng sẽ làm dấy lên niềm ham thích của các ca sĩ trẻ với acoustic, để thể loại âm nhạc này thoát khỏi bờ vực “chết yểu”, hồi sinh trở lại, đồng hành cùng với những người yêu nhạc thực thụ.           

   Hạnh Dung

 


Ý kiến của bạn