Acid uric trong cơ thể được lọc qua thận và đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu hoặc mồ hôi. Do nguồn thức ăn cung cấp cho cơ thể hàng ngày chứa nhiều chất đạm hay uống nhiều bia rượu khiến lượng acid uric tăng cao hoặc do chức năng của thận suy giảm làm thận không thể lọc hết dẫn đến gia tăng nồng độ acid uric trong máu gây tăng sự lắng đọng của các tinh thể urat tại các khớp và mô mềm. Đây là nguyên nhân chính gây nên bệnh gout.
Yếu tố gây tăng acid uric máu
Các yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng acid uric trong máu:
- Rối loạn chuyển hóa enzym dẫn đến suy giảm khả năng đào thải axit uric qua đường tiểu.
- Chế độ ăn mất cân bằng, tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn, thực phẩm giàu chất đạm như thịt đỏ, hải sản,…
- Gout và các đợt gout cấp.
- Chức năng thận suy giảm làm mất dần khả năng loại bỏ acid uric ra khỏi cơ thể.
- Bệnh ung thư như ung thư di căn, đa u tủy xương,… hoặc/và đang trong quá trình điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị. Những biện pháp này có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư nhưng đồng thời cũng làm tăng acid uric trong máu.
- Thiểu năng tuyến cận giáp hoặc bệnh đái tháo đường.
Acid uric cao bao nhiêu thì bị gout?
Xét nghiệm kiểm tra nồng độ acid uric trong máu dùng để chẩn đoán bệnh gout cũng như theo dõi đáp ứng của bệnh trong quá trình điều trị. Ngoài ra, xét nghiệm giúp theo dõi quá trình điều trị của bệnh nhân ung thư đang hóa trị, xạ trị, đánh giá chức năng thận.
- Giới hạn nồng độ acid uric ở người bình thường là:
+ Đối với nam giới: 210 - 420 umol/L .
+ Đối với nữ giới: 150 - 350 umol/L.
Bình thường lượng acid uric trong máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ dưới 7,0 mg/dl (420 micromol/l) và luôn được giữ ở mức độ hằng định do sự cân bằng giữa quá trình tổng hợp và đào thải chất này.
Được coi là tăng acid uric máu khi lượng acid uric trong máu tăng cao hơn giới hạn bình thường (tùy theo chỉ số của mỗi phòng xét nghiệm, tuổi, giới), thường ở nam là trên 7,0 mg/dl (hay trên 420 micromol/l), ở nữ trên 6,0mg/l (360 micromol/l).
Tuy nhiên, chỉ số acid uric cao không hẳn là đang bị bệnh lý gout, acid uric được theo dõi nhằm đo nồng độ acid uric ở trong máu. Chỉ số acid uric bao nhiêu là bị gout thì bạn phải đi làm các xét nghiệm để chuẩn đoán thêm. Việc tăng thêm axit uric không phải là chuẩn mực chẩn đoán chuẩn xác bệnh lý gout. Tuy nhiên, khi chẩn đoán bệnh gout cần phải chú ý tới chỉ số này.
Cần tăng cường rau củ quả để tránh béo phì và tăng acid uric.
Trên thực tế ghi nhận, ở giai đoạn đầu khi nồng độ acid uric máu tăng cao sẽ chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, chưa phải là bệnh gout mà chỉ gọi là "Tăng acid uric máu". Tuy nhiên, khi nồng độ này tăng cao kéo dài dẫn đến tích lũy các tinh thể urat tại các khớp gây ra "cơn gout cấp" với biểu hiện chính là đau khớp dữ dội đặc biệt đau về đêm.
Đôi khi, một số trường hợp nồng độ acid uric cao hơn 12 mg/dl nhưng vẫn chưa xuất hiện bất kỳ triệu chứng điển hình nào của bệnh gout.
Cần làm gì để điều trị tăng acid uric trong máu?
Khi có kết quả xét nghiệm tăng acid uric trong máu nhiều người quá lo sợ mắc gout. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng mà hãy điều chỉnh chế độ ăn uống của mình sao cho phù hợp để không tạo ra thêm acid uric bằng cách giảm bớt đi lượng purin vào cơ thể cụ thể.
- Cần hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất đạm như hải sản (mực, cua, tôm), các loại thịt đỏ (bò, trâu, dê), nội tạng (phổi, gan). Cần tăng cường rau củ quả để phòng acid uric tăng cao.
- Cần bổ sung nước: Nên uống 1 - 1,5 lít nước/ ngày nhằm hạn chế sự kết tủa của muối urat và tăng khả năng lọc thải acid uric.
- Đối với người thừa cân, béo phì cần giảm cân: Nên duy trì cân nặng chuẩn theo chỉ số BMI cho phép nhằm giảm áp lực lên các khớp. Lưu ý không nên giảm cân bằng cách nhịn ăn mà thay vào đó nên tập luyện khoa học.
- Không dùng bia rượu và đồ uống có ga.
- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh: Không thức khuya, tránh căng thẳng, vệ sinh cơ thể giúp lưu thông khí huyết, ngủ đủ giấc.
- Cần thường xuyên tập thể dục, vận động phù hợp: Có thể đi bộ nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày, tập yoga,... những bài tập này sẽ giúp tăng cường trao đổi chất.
Nếu đã thay đổi chế độ ăn mà nồng độ acid uric trong máu vẫn tăng thì việc sử dụng thuốc là cần thiết. Do vậy, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định thuốc. Lưu ý mọi chỉ định của bác sĩ cần tuân thủ, không tự ý đổi thuốc, thay thuốc, uống thuốc theo mách bảo. Đối với bệnh nhân ung thư đang hóa trị, xạ trị sẽ được bác sĩ dự phòng tăng lượng acid uric để tránh tình trạng suy thận cấp.