Hà Nội

Acid folic - vi chất không thể thiếu khi mang thai và nuôi con bú

10-05-2020 14:56 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong quá trình mang thai và sinh nở, người phụ nữ cần nhiều chất dinh dưỡng để khỏe mạnh và thai nhi phát triển tốt. Trong số các chất dinh dưỡng đó có một vi chất hết sức quan trọng và cần thiết mà mẹ bầu cần đặc biệt chú ý để giúp đảm bảo sức khỏe của bản thân cũng như quá trình phát triển của thai nhi. Đó chính là acid folic.

Tại sao phải bổ sung acid folic khi mang thai?

Acid folic tham gia vào quá trình phát triển và phân chia của tất cả các tế bào trong cơ thể, các mô có nhu cầu acid folic cao để tăng trưởng. Tham gia vào cơ chế biểu sinh quan trọng bậc nhất của cơ thể, acid folic giúp tái thiết lập cân bằng để điều hòa sự phân hóa. Sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn sớm (đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ) phụ thuộc vào việc cung cấp acid folic liên tục ở người mẹ để phát triển các cơ quan chính, nổi bật là hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống tim mạch.

Đối với phụ nữ mang thai acid folic có vai trò quan trọng hơn thế, acid folic là dưỡng chất không thể thiếu để bảo vệ thai nhi khỏi dị tật ống thần kinh như bệnh nứt đốt sống, thai vô sọ. Đây là dị tật xảy ra ở thai nhi trong vòng 7 tuần đầu thai kỳ do ống thần kinh không khép kín hoàn toàn. Acid folic còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quá trình tạo máu, bắt đầu từ giai đoạn sớm của thai nhi và tiếp diễn cho đến tuổi trưởng thành.

Thiếu acid folic gây thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ - một dạng thiếu máu giống như do thiếu vitamin B12 gây ra. Các mẹ bầu thiếu acid folic quá nhiều sẽ có nguy cơ sảy thai cao, sinh non, dễ mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh (trầm cảm), con bị suy dinh dưỡng bào thai. Trẻ khi sinh ra cũng dễ mắc các dị tật bẩm sinh: Bệnh về tim mạch, hở hàm ếch...

Khi nào bà bầu nên bắt đầu uống acid folic?

Bổ sung đầy đủ acid folic rất quan trọng cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vì ống thần kinh bắt đầu hình thành ngay từ những ngày đầu và hoàn thành vào ngày thứ 28 thai kỳ. Thời gian này nhiều phụ nữ thậm chí chưa nhận thức được rằng họ đã mang thai. Vì vậy, cần có kế hoạch sinh con và chủ động bổ sung acid folic từ trước khi mang thai 3 tháng để phòng ngừa thiếu hụt acid folic gây dị tật ống thần kinh ở trẻ.

Phụ nữ mang thai cần bổ sung acid folic đầy đủ theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Phụ nữ mang thai cần bổ sung acid folic đầy đủ theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: Bổ sung đủ 400mcg acid folic/ngày từ khi chuẩn bị mang thai và trong 3 tháng đầu thai kỳ giúp giảm tới 70% nguy cơ dị tật ống thần kinh bẩm sinh ở trẻ. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2016, phụ nữ mang thai cần bổ sung từ 400-600mcg acid folic/ngày để đáp ứng sự gia tăng của quá trình phân chia tế bào cũng như tăng kích thước của tử cung, cho sự phát triển nhanh chóng của thai nhi. Cụ thể hàm lượng acid folic được khuyên bổ sung trong từng thời kỳ như sau: Chuẩn bị mang thai: 400mcg acid folic/ngày; khi mang thai: 600mcg acid folic/ngày; trong khi cho con bú: 500mcg acid folic/ngày.

Những lưu ý khi bổ sung acid folic

Không nên uống quá liều: Uống nhiều acid folic có thể dư thừa và gây ra các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng đối với thai kỳ: Đã có các nghiên cứu cho thấy, bổ sung từ 800mcg acid folic/ngày trở lên trong thời gian dài được cho rằng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân tim mạch, tăng nguy cơ ung thư phổi, tăng nguy cơ trẻ bị tự kỷ sau này... Lưu ý hàm lượng acid folic có trong các sản phẩm bổ sung để đảm bảo liều lượng tổng trong khoảng 400-600mcg acid folic/ngày. Chỉ bổ sung liều cao hơn khuyến cáo khi có chỉ định của bác sĩ thăm khám trực tiếp trong các trường hợp đặc biệt và cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ khi sử dụng.

Để tăng cường hấp thu, nên uống acid folic chung với nước cam hoặc nước trái cây. Tránh uống acid folic với nước trà, cà phê, rượu vì sẽ gây tương tác thuốc, làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc và gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Uống acid folic có thể gây táo bón, vì vậy cần uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ.

Ngoài ra, cần bổ sung acid folic qua chế độ ăn hàng ngày các thực phẩm giàu acid folic (folate) như: gan động vật, bầu dục, lòng đỏ trứng, dâu tây, lê, dưa hấu, cam, quả bơ, các loại rau: Măng tây, cải xoăn, rau lá xanh...


ThS.BS. Lê Thị Hải
Ý kiến của bạn