Trong thời gian vừa qua, Acer đã làm được một kỳ tích giống như Samsung trong lĩnh vực điện thoại di động: đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất vi tính có doanh thu tốt nhất trên toàn cầu.
Theo một báo cáo được công bố hôm 23/11 của Viện Gartner, Mỹ thì tính trong quý 3 năm 2009, Acer đã trở thành nhà sản xuất máy tính có doanh số bán hàng đứng thứ hai trên toàn cầu với tỷ lệ 14% đơn vị máy tính được bán ra. Tất nhiên, con số này còn cách xa, HP, "ông khổng lồ" số 1 với tỉ lệ 19,2% nhưng dù sao, Acer đã làm được một cú ngoạn mục khi "qua mặt" một người khổng lồ Mỹ khác không kém phần danh tiếng là Dell (12,4%). Và tất nhiên, nếu so với con số 8,2% của Lenovo (Trung Quốc) và 4,8% của Toshiba thì mới thấy thắng lợi của Acer thực sự là một kỳ tích. Có lẽ, Thinkpad chỉ xếp sau những thương hiệu Macbook và Macbook Pro của Apple. Điều gì đã làm nên thắng lợi này?
Triển lãm về công nghệ thông tin. |
Trước hết, đó là phải biết "làm đầy tớ" đúng cách. Con đường đi của Acer cũng tương tự như con đường của HTC hay Asus. Họ xuất thân đều chỉ là những nhà sản xuất, gia công và lắp ráp phần cứng cho những hãng lớn của Mỹ. Chính họ đã góp phần biến Đài Loan trở thành một trong những ốc đảo high-tech của châu Á. Sáu, bảy năm trước đây, người ta chỉ biết đến những smartphone mang thương hiệu O2 hay HP mà không biết rằng, tất cả chúng đều do HTC sản xuất. Và dẫu khó tách bạch rạch ròi nhưng cũng có thể nói rằng Acer hay Asus đã góp một phần không nhỏ trong việc làm nên thành công của nhiều thương hiệu máy tính lớn trên thế giới. Thế nhưng bài học ở đây là cần phải biết "làm đầy tớ", thậm chí "làm đầy tớ giỏi" nhưng cũng phải biết nuôi mộng và quyết tâm "làm ông chủ". Giai đoạn làm nhà thầu cho các hãng lớn chính là thời kỳ để những hãng như Acer tích lũy kinh nghiệm, thu hút công nghệ và cả tiềm lực kinh tế. Điều đáng quý là sau khi đã có được sức mạnh, đã có được một nguồn lực, thay vì mơ ước làm thủ tướng hay mở ngân hàng, buôn chứng khoán, những ông chủ của Acer hay HTC lại quyết tâm trở thành "ông chủ" trong chính lĩnh vực mà mình đã từng làm đầy tớ. Và điều trớ trêu là giờ đây, những "ông chủ" một thời như Ipaq của HP, Axim của Dell thì biến mất còn HTC hay Acer thì còn lại.
Tất nhiên, mong muốn và ý chí chưa đủ, cần phải có một định hướng đúng. Và ở điểm này, có thể nói Acer, và ngay cả Asus hay HTC đều là những hình mẫu đáng khâm phục. Không thể phủ nhận, Acer chính là người mở đầu cho một trào lưu hạ giá để có thể có được "laptop cho mọi người". Chỉ cần quan sát thị trường máy tính ở Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây, có thể thấy chính Acer chứ không phải ai khác là người đã mở đầu cho trào lưu laptop giá rẻ. Chọn đúng "điểm rơi" có tính thực dụng cao chính là một thành công của Acer. Tập đoàn này gần như không có những sản phẩm làm ra chỉ để chứng minh mình cũng có thể làm được. Sau khi Apple xuất xưởng "siêu mẫu" Macbook Air, không ít hãng đã chạy theo trào lưu này, có lẽ, chỉ với mục đích "mình cũng làm được như Apple". Và số phận của những sản phẩm đó, không nói cũng đủ biết, không khác gì những thứ huênh hoang là những "Iphone killer". Acer đi một con đường khác: tạo ra những sản phẩm mỏng, nhẹ, thời lượng sử dụng pin lâu tất nhiên đổi lại phải hy sinh hiệu năng (vì sử dụng chip CULV tiết kiệm điện) nhưng điều quan trọng là giá thành phải hợp lý. Đến thời điểm này, rõ ràng, serie Timeline của Acer rõ ràng đã có những thành công bước đầu và hướng đi vào dòng máy tính sử dụng CULV chính là một định hướng hợp lý trong giai đoạn bùng nổ bong bóng netbook sử dụng chip Atom giá rẻ và càng ngày, người ta càng thấy là quá "yếu".
Và điều cuối cùng nhưng cũng là quan trọng nhất là phải biết tập trung nguồn lực. Như đã nói, giai đoạn làm nhà thầu là thời kỳ làm nên sức mạnh cho những hãng như Acer, giúp họ tích lũy được một số vốn nhất định. Thế nhưng, sau khi đạt được số vốn này, thay vì đầu tư dàn trải sang những lĩnh vực khác (địa ốc, ngân hàng, chứng khoán... và thậm chí, vì thế, còn góp phần vào việc tạo nên những "bong bóng" cho nền kinh tế quốc gia), họ đã tập trung nguồn lực để mua những vũ khí giúp họ tiến xa hơn trong lĩnh vực của mình: những thương hiệu giúp họ bước chân vào thị trường toàn cầu. Nếu như Lenovo có "vũ khí tối thượng" là Thinkpad (thương hiệu vốn của IBM, với sức mạnh có lẽ chỉ thua MacBook và Macbook Pro) giúp họ từ anh nhà quê trở thành kẻ "vua biết mặt, chúa biết tên", thì Acer có Gateway, Packard Bell và eMachine, những thương hiệu giúp Acer tiếp cận thị trường Mỹ và Tây Âu. Đó là chưa kể việc họ mua lại một phân nhánh của Texas Instrument, cánh cửa giúp họ tiếp cận được nhiều công nghệ hữu ích cho việc "xây mộng bá vương" của mình.
Tất nhiên, trong thế giới khốc liệt như hiện nay, thắng lợi của Acer vẫn còn rất mong manh. Dell vẫn còn làm vua ở thị trường Mỹ với thành tích 25% vượt cả HP và ở châu Á, Lenovo vẫn là số một với thành tích 17,3%. Nhưng dù sao, bài học của những tập đoàn như Acer, Asus hay HTC vẫn là bài học có ích cho nhiều người.
Lương Xuân Hà