Hà Nội

AAL - Chất chống ôxy hóa “toàn năng”

08-09-2014 15:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Giáo sư Lester Parker, trường đại học danh tiếng Berkeley, Hoa Kỳ được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về các chất kháng ôxy hóa

Giáo sư Lester Parker, trường đại học danh tiếng Berkeley, Hoa Kỳ được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về các chất kháng ôxy hóa và một trong những phát hiện quan trọng của ông là việc con người chống lại được sự ôxy hóa nhờ vào sự kỳ diệu của axít alpha lipoique (AAL).

Quá trình lão hóa và sự hình thành các bệnh thoái hóa

Để chống lại các gốc tự do, cơ thể dựa vào một mạng lưới phức tạp các chất kháng ôxy hóa cùng hoạt động để dự phòng hoặc bù đắp những tổn thương về ôxy cơ thể phải chịu đựng. Những hệ thống kháng ôxy hóa này có khả năng ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do. Chúng cũng có khả năng tiêu hủy hoặc duy trì gốc tự do ở một mức nhất định để chúng không thể làm tổn thương những thành phần cơ bản của tế bào.

AAL có nhiều trong thịt đỏ.

Vitamin E, C và glutathion là những yếu tố trung tâm của hệ thống kháng ôxy hóa này. Vitamin E là một chất kháng ôxy hóa sinh học mạnh có tác dụng ổn định những gốc tự do hoạt động rất mạnh trong các mô mỡ và màng tế bào (các lipoprotein). Trong chu kỳ tái tạo của hệ thống kháng ôxy hóa, vitamin E được tái tuần hoàn bởi vitamin C mà chính chất này cũng đã được tái tuần hoàn bởi glutathion - một chất kháng ôxy hóa nội bào đầu tiên của cơ thể.

Ngoài việc là một chất khử hoạt đối với các gốc tự do quan trọng, glutathion còn có vai trò quyết định trong việc bảo vệ chống sự hình thành đục thủy tinh thể, tăng cường chức năng miễn dịch, phòng tổn thương đối với gan, phòng ung thư và loại trừ các kim loại nặng. Khi tuổi tác ngày càng cao, có sự suy giảm về nồng độ, sự tổng hợp và tái tuần hoàn các chất kháng ôxy hóa, do vậy hệ thống kháng ôxy hóa yếu dần, ảnh hưởng nhiều đến khả năng của cơ thể chống lại các gốc tự do ngày càng phát triển. Điều này sẽ làm tổn thương các cơ quan và màng tế bào, suy giảm hệ miễn dịch, làm thuận lợi cho sự phát triển ung thư và các bệnh thoái hóa.

Trong quá trình nghiên cứu, GS. Parker đã phát hiện ra khâu còn thiếu sót cuối cùng của quá trình tái tạo của glutathion, thành phần cơ bản của quy trình tái tạo tổng thể của hệ thống kháng ôxy hóa... đó là AAL.

Phát hiện những đặc tính quý báu của AAL

AAL là một axít lưu huỳnh có mặt trong tất cả các tế bào của cơ thể. Mặc dù được sinh ra ngay trong cơ thể, nhưng mãi đến những năm 1950 những nhà nghiên cứu mới hiểu được vai trò chủ yếu của chất này trong việc sản xuất năng lượng ở cấp độ tế bào, nơi nó tham gia vào việc vận chuyển các điện tử của ty lạp thể. Đến những năm 1960, GS. Lester Packer đã đi sâu nghiên cứu phương thức các chất kháng ôxy hóa như các vitamin E, C và glutathion tác động với nhau trong cơ thể. Vấn đề phức tạp nhất mà ông gặp phải là tìm ra được phương pháp đủ để kích thích mức độ của glutathion nhằm tái tạo được hệ thống kháng gốc. Nếu giới hạn các vitamin E và C có thể được tăng lên dễ dàng do một chế độ dinh dưỡng hoặc một chế độ bổ sung đặc biệt, thì gluthation tế bào chỉ được sản sinh trong cơ thể và việc bổ sung chất này qua đường tiêu hóa sẽ bị tiêu hủy trong dạ dày trước khi tới được hệ tuần hoàn, làm tác dụng của chất này giảm đi rất nhiều. Sự cố này cuối cùng được GS. Packer và cộng sự giải quyết bằng cách tìm về với AAL và chất này đã chứng tỏ đáp ứng được yêu cầu của các nhà khoa học.

Cấu tạo phân tử glutathion - một chất chống ôxy hóa nội bào đầu tiên của cơ thể.

Trước hết AAL là một chất kháng ôxy hóa mạnh có khả năng trung hòa nhiều loại gốc tự do khác nhau trong số những gốc tự do như ôxy đơn, hypoclorit và peroxynitric. Ngoài ra AAL còn có một khả năng nữa là tăng cường các mức gluthation nội bào và tái tạo các yếu tố chủ yếu khác trong hệ thống kháng ôxy hóa: vitamin E, vitamin C và ubiquinol (là thể giản hóa của coenzyme Q10). Như vậy, AAL về bản chất không chỉ là một chất kháng ôxy hóa mạnh mà còn có khả năng tái tạo các thành phần khác của hệ thống kháng gốc.

Một đặc tính quý giá khác là AAL đã chứng tỏ dễ được hấp thụ qua đường uống. Một khi được đưa vào trong tế bào, nó nhanh chóng chuyển hóa thành axít lipoproteic, là một chất trung hòa các gốc tự do mạnh hơn nữa.

Và cuối cùng AAL còn được gọi là chất “kháng ôxy hóa toàn năng” vì là chất ít hòa tan trong nước, do đó có khả năng đi qua màng tế bào và tác động không những ở trong mà cả ngoài cấu trúc của tế bào, kể cả các tế bào não. Phạm vi tác động của AAL còn vượt ra ngoài chức năng bảo vệ chống các gốc tự do.

Sau GS. Packer, gần đây nhiều nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và đưa ra thêm nhiều đặc tính quý giá khác của AAL, theo đó ngoài vai trò kháng ôxy hóa, AAL còn có các tác động quyết định trong nhiều lĩnh vực như: làm giảm các hiện tượng viêm nhiễm, gắn kết các kim loại nặng, hoạt hóa sự nhạy cảm với insulin, tái tạo chức năng của các limphô bào T.

Về mặt lâm sàng, nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ hiệu quả của AAL trong điều trị các bệnh thần kinh, biến chứng của bệnh đái tháo đường. AAL cũng có tác dụng với các bệnh thần kinh độc lập của tim, đến sự tuần hoàn trong các vi mạch, hậu quả của các stress ôxy hóa. Ngoài ra, do dễ xâm nhập não, AAL rất hiệu quả trong việc dự phòng bệnh Alzheimer và bệnh thiên đầu thống (glôcôm).            

(Theo SNI)

P.Huy

 


Ý kiến của bạn